MÔ TÊ RĂNG RỨA

Là nơi cung cấp nước chè xanh và kẹo cu đơ

KHÔNG CÒN GÌ ĐỂ NÓI (Truyện phim)

Posted by CU MÔ trên 03.09.2010

Truyện phim “KHÔNG CÒN GÌ ĐỂ NÓI” được Moterangrua viết theo gợi ý của NSND Khải Hưng, nguyên Giám đốc Trung tâm sản xuất phim Truyền hình Việt Nam. Sau đó truyện đã được NSND Khải Hưng dựng thành bộ phim cùng tên và đoạt giải Vàng trong liên hoan phim năm 2002.

(2)

Chiếc xe Mercedes chở ông Cường ( Giám đốc công ty chế tạo máy Lửa Việt, tên thương hiệu giao dịch quốc tế là LUVICO ) đang chạy từ từ trên đường phố. Ông Cường, ngồi ở dãy ghế phía sau của xe. Đó là một người đàn ông trạc 55 tuổi, dáng người cao lớn, khoẻ mạnh, cân đối. Nếu bình thường, trông ông cũng không khác gì mấy so với các giám đốc thời mở cửa. Ông vận một bộ comple màu xám bạc, chân đi một đôi dày da được chăm sóc cẩn thận, bóng loáng. Mái tóc cắt ngắn của ông chải lật về sau đã bắt đầu điểm những sợi bạc, nhưng không vì vậy mà làm mất đi khuôn mặt khá đẹp của một thời trai trẻ còn đọng lại, nét mặt ông trông cương nghị, từng trải và cũng không thiếu phần đôn hậu. Duy có điều khiến người ta chú ý, ấy là trông ông thật buồn, khoé mép ông trễ xuống, có vẻ cay đắng, trong đôi mắt ông có một nỗi u ám bao phủ, nhất là mỗi khi ông nhìn ra phía trước, hoặc hai bên đường người xe lại qua. Dáng ngồi của ông cũng không bình thường, ông không ngả người tựa vào lưng ghế để tranh thủ lim dim mắt như các giám đốc khác thường làm. Ông ngồi nghiêng người, hơi chồm về phía trước, một tay chống lên đệm ghế, còn tay kia gác lên chỗ tựa của lưng ghế trước, mặt ông quay ra ngoài cửa xe. Ông cứ ngồi như thế với một tư thế bất động, một cái đầu bất động, một khuôn mặt bất động, duy có đôi mắt là không bất động, ấy là khi ông nhìn bên này, liếc bên kia. Nhưng đôi mắt ấy không chớp, trông thật ủ rũ, thật buồn…

Khanh ( tên người lái xe, 35 tuổi ) thấy thủ trưởng của mình ngồi lặng yên không nói gì, anh ta cũng không dám hỏi, chỉ lặng lẽ điều khiển vô lăng cho chiếc xe chạy với tốc độ trung bình trên đường. Đó là một người đàn ông vừa qua tuổi thanh niên, tuy ăn vận bình thường nhưng phong cách, dáng điệu của anh ta thể hiện là một con người vụ lợi. Đặc biệt là ánh mắt của Khanh. Không ngoái đầu nhìn lại, nhưng mọi hành vi của ông Cường không thoát khỏi sự theo dõi của Khanh qua tấm gương phản chiếu gắn trên nóc xe. Thấy thủ trưởng của mình ưu tư, ánh mắt ấy ánh lên một điều gì như là sự thoả mãn, chế nhạo và căm ghét. Nhưng mỗi khi cảm giác thủ trưởng có thể nhìn mình, ánh mắt đó lại chuyển sang hiền lành, ngoan ngoãn và như muốn chia sẻ, cảm thông…

Chiếc xe vẫn với tốc độ trung bình chạy trên đường phố, và ông Cường vẫn dáng điệu bất động và với đôi mắt ưu tư nhìn dòng đời đang ngược xuôi hối hả phía bên ngoài cửa xe. Nhưng, trái ngược với những gì thể hiện bên ngoài. ở bên trong tâm hồn ông, đang vang lên những lời tự sự:

-“ Hôm nay là thứ tư…ngày mai là thứ năm…ngày kia là thứ sáu…thứ sáu…thứ sáu…ở ngoài kia…có ai có cùng chung tâm trạng như ta không ? Có ai có cùng thứ sáu như ta không ? Cái ngày thứ sáu định mệnh ấy…mất còn…còn mất…”

Chiếc xe vẫn đều đều chạy, dòng đời vẫn hối hả ngược xuôi, những khuôn mặt điềm nhiên, thậm chí thờ ơ lãnh đạm với hình bóng ông Cường đang ngồi sau cửa kính xe ưu tư nhìn ra ngoài…và người lái xe vẫn thế, chỉn chu, ngoan ngoãn, nhẫn nại đánh vô lăng luồn lách trong dòng đời, duy chỉ có đôi mắt của anh ta thỉnh thoảng vẫn liếc trộm thủ trưởng của mình qua tấm gương phản chiếu, cái nhìn của anh ta có cái gì như là sự thoả mãn, chế nhạo và căm ghét…

-“Ông buồn hả ? Cái lão đáng ghét kia ! Vừa lái xe một cách cẩn thận, Khanh vừa thầm nghĩ – Lão còn buồn cái nỗi gì nữa…hốc cho lắm vào…thì phải nôn ra thôi…thật đáng kiếp…Tôi phục dịch ông chừng ấy năm là đã quá đủ rồi…chỉ còn ba ngày nữa thôi nhé…rảnh nợ…” Đang chìm trong suy nghĩ của mình, bất giác Khanh nở một nụ cười hả hê của một tên phản trắc. Nhưng chợt anh ta liếc nhìn vào gương, thấy đôi mắt ông Cường hình như đang nhìn mình. Lập tức, nụ cười trên môi Khanh vụt tắt, thay vào đó là một khuôn mặt lễ phép, ngoan ngoãn, chỉn chu…

Nhưng thực ra, ông Cường không nhìn Khanh, mà ánh mắt của ông lại đang nhìn về phía trước con đường, và trong ông những lời tự sự lại vang lên:

-“…Ta đã đi trên con đường này bao nhiêu lần rồi nhỉ ? Một trăm lần…một ngàn lần…hay hơn thế . Những con người kia có nhận ra ta không ? Họ có biết trên chiếc xe trị giá 45.000 USD này có ta đang ngồi không ? Biết không …?”

Chiếc xe vẫn đều đều chạy, dòng đời vẫn hối hả ngược xuôi…

-“…Họ không biết…nhưng ta biết…nếu ta không biết…thì còn gì là ta nữa…Phải rồi…mỗi ngày bốn lượt, hai lượt đi và hai lượt về…chưa kể những chuyến đi đột xuất, họp hành, hội nghị, những chuyến vui chơi, du hý với bạn bè trong Nam, ngoài Bắc, với Phương…cũng trên chiếc xe này, cũng trên chỗ ngồi này…Nhưng ta không phải bỏ tiền túi ra thanh toán một đồng nào cả…tất cả chứng từ thanh toán đều được hợp lý hoá bằng dòng chữ  “chi phí công tác đột xuất”…hừ…trên đời này cái gì mà chẳng đột xuất…chỉ có điều …người ta sử dụng câu đó vào hoàn cảnh nào mà thôi…người này dùng lúc này, hoàn cảnh này…người kia dùng cách khác, hoàn cảnh khác…nhưng suy cho cùng…chung quy cũng thế cả…cũng thế cho cái sự đột xuất ấy… ta đã đi trên con đường này dễ cũng gần mười năm rồi, hai lượt đi và hai lượt về…chưa kể những chuyến đi đột xuất, và đã thay đổi bao nhiêu chiếc xe Volga…Mazda…Toyota… Cứ mỗi lần thay xe, là mỗi lần lên đời, giá tiền theo đó cũng nhân lên…cuộc chạy đua ngầm giữa ta và các giám đốc khác như cuộc đua ma ra tông không có đích, chẳng qua cũng là sự khoe mẽ hợm mình bằng đồng tiền Nhà nước…và bây giờ là chiếc xe 45.000 USD này…Nhưng…hôm nay là thứ tư…ngày mai là thứ năm…ngày kia là thứ sáu…thứ sáu…thứ sáu…thứ sáu…liệu sau cái ngày thứ sáu định mệnh đó…ta có còn những chuyến đi “công tác đột xuất” nữa không ? Có còn được ngồi trên chiếc xe sang trọng này nữa không ?…”

*

*        *

Nơi ông Cường cư ngụ là một ngôi nhà được xây theo kiểu biệt thự, toạ lạc trên một khuôn viên khá rộng rãi. Có bồn hoa, cây cảnh, hòn nòn bộ…

Trong nhà, bày biện khá đẹp mắt với những tiện nghi kim cổ, ở góc nhà đặt bàn thờ Phúc-Lộc-Thọ. Trên các bức tường treo những tấm ảnh của gia đình. Cụ Thịnh ( bố Cương ) nghiêm trang trong bộ đồ quân phục sỹ quan quân đội với quân hàm Trung tá, và hàng chục huân chương treo trên ngực.  Vợ chồng ông Cường có những bức ảnh to nhỏ khác nhau. Đó là những bức ảnh chụp khi họ đi tham quan du lịch, hội hè…đặc biệt là bức ảnh bán thân cỡ lớn chụp hai vợ chồng ngồi bên nhau, ai nấy đều tươi rói, bức ảnh khác chụp hai vợ chồng và con trai, thảy cũng đều rạng rỡ…chứng tỏ chủ nhân bức ảnh này một thời cũng êm đềm, hạnh phúc lắm…

Bà Trâm ( vợ ông Cường ) đang thu dọn nhà cửa. Sau khi sắp xếp lại cốc chén trên bàn, bà dùng phất trần chải bụi trên bàn ghế. Đó là một phụ nữ trạc gần 50 tuổi, trông khá lịch lãm, đoan trang, với mái tóc chải cao và khuôn mặt không trang điểm, nhưng những điều giản dị đó như càng làm tăng thêm những đường nét xinh đẹp của một thời con gái, vẫn còn đọng lại trên khuôn mặt phúc hậu của bà. Điều khiến người ta dễ để ý, là trên khuôn mặt trái xoan, trên đôi mắt to, đen, trên khuôn miệng hơi trễ xuống của bà luôn có một nỗi buồn bao phủ, man mác và sâu lắng. Bà như ngóng đợi ai đó, bồn chồn và lo lắng…chỉ cần một chiếc lá vàng rơi nhẹ xuống bậu cửa, cũng khiến bà giật mình. Một tiếng còi xe hơi hay tiếng xe máy vụt qua cũng khiến bà dừng tay ngó ra đường…Khi biết mình đã lầm vì những tiếng động bâng quơ đó, bà lại thở dài và cặm cụi làm nốt công việc của mình.

Đang làm việc và ngóng đợi, chợt bà Trâm nghe tiếng ho húng hắng ở phòng bên. Bà vội buông phất trần và đi sang nơi đó. Trong căn phòng, cụ Thịnh ( bố chồng bà Trâm ) đang nửa nằm nửa ngồi trên giường. Đó là một cụ già ngoài 70 tuổi. Mặc dù đang ốm, nhưng trông vẻ mặt cụ vẫn quẵc thước, nghiêm nghị, và đôn hậu. Trông thấy con dâu đi vào, nét mặt cụ hơi tươi lên một tí, ánh mắt của cụ như vui hơn.

-Con đang làm gì ngoài đó ? Cụ hỏi bà Trâm.

-Dạ ! Con đang thu dọn nhà cửa…hôm nay là thứ tư rồi…có lẽ cuối tuần nay, nhà con sẽ về…thầy có cần gì không ạ ?

-Cho thầy xin cốc nước…cụ Thịnh nói, đoạn đưa bàn tay lên ngực như để chặn lại một cơn ho.

-Nước đây, thầy…

Cụ Thịnh đỡ cốc nước với sự hỗ trợ của bà Trâm, cụ uống một ngụm nhỏ, rồi xua tay ra hiệu không uống nữa.

-Sao con biết cuối tuần nay, nó sẽ về…đã mấy tuần nay có thấy mặt mũi nó đâu. Nó gọi điện thoại về báo à ?

-Dạ…không ạ ! Nhưng con linh cảm thế…con nghĩ rằng…có lẽ anh ấy bận nhiều công việc…nhưng anh ấy sẽ về…

-Bận gì ! Cụ Thịnh cố sức nói, vẻ mặt biểu lộ sự giận dữ…nó là đứa con bất hiếu, bất mục…con giấu thầy, nhưng thầy biết hết cả rồi. Nó phạm tội nặng lắm phải không ?

-Thầy…không…anh ấy không có chuyện gì đâu thầy ạ ! Bà Trâm nói như rên lên.

-Con giấu…nhưng thầy biết hết…thầy biết điều này từ lâu rồi con ạ…từ khi các con đang nghèo khổ…tự dưng phất lên, tiền bạc ùn ùn kéo về, nên nhà, nên cửa, mua sắm tài sản đắt tiền…những thứ đó ở đâu ra, nếu như không làm những chuyện bất minh, buôn lậu, tham nhũng…

-Thầy…

-Lúc đó…thầy đã đoán biết được sẽ có kết cục của ngày hôm nay…nhưng thầy ngăn cản nhiều…mà nó nào đâu có nghe…

Khi hai bố con đang nói chuyện tới đây, chợt có tiếng xe máy chạy vào sân nhà:

-Nó về phải không ? Cụ Thịnh hỏi.

-Dạ…không phải đâu ạ…đó là tiếng xe máy của thằng Lộc…

Bà Trâm nói tới đây, chợt thấy Lộc xồng xộc đi vào:

-Mẹ ! Lộc kêu lên, nét mặt trông hết sức bực dọc, giận dữ – Con thấy bố ở nhà con ấy ra…

Nghe Lộc nói vậy, bà Trâm có vẻ hoảng sợ. Bà vội ra hiệu cho Lộc và kéo con trai đi vội ra ngoài. Cụ Thịnh nhìn theo với vẻ mặt phiền muộn và thương cảm cho con dâu…

-Sao con dại thế…sao con lại nói chuyện đó trước mặt ông ? Bà Trâm trách con trai.

-Con tức không chịu được…đã thế…con kia còn có vẻ thách thức con…được rồi, đã thế con sẽ cho nó biết tay !

-Thôi con ! Mẹ xin con…Bà Trâm nước mắt chảy dàn dụa – Bố đang hoạn nạn, mẹ con mình không giúp được gì cho bố, thì cũng đừng làm cho bố phải phiền muộn thêm…Việc của người lớn, con đừng tham gia vào…

-Thế cứ giương mắt mà nhìn ông ấy cặp kè với đứa con gái bằng tuổi con ông ấy à ?

-Mẹ biết…nhưng…cũng một phần lỗi do mẹ gây nên…con đừng trách bố mà tội… Bà Trâm nói trong nước mắt.

-Đấy…đú đởn cho lắm vào…để đến nỗi nó bòn rút cho hết cả ruột gan, sắp ngồi nhà đá rồi đấy – Lộc bực tức nói – Lúc nãy con thấy công an còng tay chú Quýnh kế toán trưởng của công ty bố ra xe bịt bùng rồi đấy…

Bà Trâm sững sờ:

-Thật vậy hở con ? Thôi chết rồi…hay là bố…

-Mặc kệ ông ấy ! Lộc bực tức nói, rồi vùng vằng bỏ đi vào phòng mình.

Chỉ còn lại một mình, bà Trâm bần thần một lúc, rồi ôm mặt khóc rũ ra. Lát sau, bà thắp hương lên bàn thờ tổ tiên và bàn thờ Phúc-Lộc-Thọ rồi lầm rầm khấn vái…

(Còn nữa)

33 bình luận to “KHÔNG CÒN GÌ ĐỂ NÓI (Truyện phim)”

  1. Dạ Thảo said

    Hí hí ! Tem vàng bà con ơi !

  2. Dạ Thảo said

    Sáng mai Út đọc anh nhá ! Cảm ơn anh đã tận tụy post bài khuya thế này !

  3. Tem vàng tem vàng thật rùi. Mới sáng sớm đã gặp hên rùi. Bà con mau vào đọc hấy. Khổ thân bà Trâm chưa kìa, suốt đời vì chồng vì con mà còn bị chồng tòm tem em út đã thế lại sắp vướng vào vòng lao lý để tới đây vợ lại phải đi chăm… Đã mắt quá. Cám ơn anh nhiều nha.

  4. hl said

    TEM!

  5. hl said

    thời kinh tế mở cửa, thời thay đổi …bao nhiêu bi kịch thế này…

    • Lỗi không phải do thời kinh tế mở cửa, mà lỗi do hệ thống he he…

      • hl said

        tui k muốn nói sâu xa hơn, tui chỉ nhìn bề nổi, khi xóa bỏ bao cấp, chú trọng về phát triển kinh tế nhưng tư duy quản lý chưa theo kịp thì dẫn đến nhiều hệ lụy.
        Nhìn vào một gia đình anh Giám đốc để hình dung ra những góc nhìn khác nhau trong thời kì nhốn nháo đó…

      • hl :

        tui k muốn nói sâu xa hơn, tui chỉ nhìn bề nổi, khi xóa bỏ bao cấp, chú trọng về phát triển kinh tế nhưng tư duy quản lý chưa theo kịp thì dẫn đến nhiều hệ lụy.
        Nhìn vào một gia đình anh Giám đốc để hình dung ra những góc nhìn khác nhau trong thời kì nhốn nháo đó…

        Thì đó là điều sâu xa đó. Chỉ có điều Linh không mở rộng, phân tích sâu hơn mà thôi.
        Linh cảm nhận rất chính xác. Đúng là từ gia đình giám đốc Cường,Mô muốn khái quát về một vấn đề mang tính xã hội đó là nhân cách sống, sự đối xử của con người với con người. Tất nhiên, không phải hoàn toàn thế, nhưng tiếc thay vấn đề này đang có chiều hướng phát triển theo lối sống thực dụng, cơ hội.

      • Trà Hâm Lại said

        Làm sao cho người xem hiểu là lỗi không do hệ thống , được không ?

      • Trà Hâm Lại :

        Làm sao cho người xem hiểu là lỗi không do hệ thống , được không ?

        Cái ni thì anh Trà…xem hồi sau sẽ rõ he he

  6. QuêBác said

    Cái sai bắt đầu từ tư duy, sai phương pháp dễ chữa, phỏng anh “Văn” Mô?

    • QuêBác :

      Cái sai bắt đầu từ tư duy, sai phương pháp dễ chữa, phỏng anh “Văn” Mô?

      Chính xác! Sai phương pháp chỉ là một phần nhỏ của một sự việc, còn sai tư duy sẽ kéo theo hàng loạt phương pháp sai lầm. Thậm chí không khéo còn kéo thụt lùi cả một giai đoạn phát triển của xã hội.

  7. hl said

    thật như đời sống Mô hè!

  8. Small said

    Anh MÔ ơi! phim này đã bấm máy quay chưa anh? khi nào thì chiếu trên TV vậy? nói về kịch bản phim thì em vẫn thích xem hơn là đọc vì thú thật khi đọc em chưa hiểu hết cái hay của kịch bản lắm.

  9. Phim này đã phát sóng năm 2002 rồi Small à.
    Đây là truyện phim, viết theo hướng văn học chứ không thuần tuý là kịch bản, do vậy cũng dễ đọc thôi.
    Chúc em một tuần làm việc vui vẻ nhé!

    • Small said

      Nghe tiêu đề phim này khá ấn tượng, vậy là phim đã phát sóng. Từ đó đến nay anh có thêm bao nhiêu tác phẩm được dựng thành phim nữa rồi? anh có thể cho chúng em biết với được ko? ko ngờ em vinh dự đang được quen biết với một nhà văn, nhà kịch bản phim của VN mà ko hề hay biết. Rất hân hạnh được quen biết anh, he he.
      Khi em đọc vỡ kịch “Tình sử ngàn năm” của bọ Lập ở trên blog, em ko có cảm xúc lắm. Vậy mà khi xem trực tiếp vỡ diễn trên sân khấu, em mê mệt diễn kịch từ đó luôn anh ạ!rất hay và chắc chắn thời gian tới sẽ đi xem kịch nhiều.

      • Thực ra anh Mô là nhà báo chuyên nghiệp, biên kịch chỉ là nghề “tay trái” thôi. Do đó anh Mô viết chưa được nhiều, mới có một số thôi như phim Món quà Xuân (đạo diễn Trọng Trinh, VFC SX năm 2000), Của nổi của chìm, đạo diễn Thế Hồng SX 2001, Không còn gì để nói, đạo diễn Khải Hưng SX 2002, Khi đàn chim trở về, đạo diễn Danh Dũng-Đỗ Chí Hướng; SX 2003, Tháng Chạp có một ngày, SX 2006 đạo diễn Lê Cường Việt, Gió đại ngàn, đạo diễn Đỗ Chí Hướng; SX 2007. Chỉ mới có bấy nhiêu thôi. Mà Small hỏi anh Mô mới nói, chớ không phải anh Mô tự khoe mô nha he he he.
        Xem phim, hoặc xem sân khấu thì cũng hay, nhưng thực ra xem kịch bản văn học sẽ thấy hết được ý tứ của tác giả. Cũng giống như Small đọc tiểu thuyết sẽ thấy hay hơn khi xem phim.
        Anh Mô cũng muốn Small đọc truyện phim này, nếu hay thì khen thiệt nhiều để anh Mô nổ mũi như chị Hà Linh đã từng làm cho anh Mô và anh Giao nổ, còn nếu dở thì chê tơi tới cho mũi anh Mô xẹp xuống để rút kinh nghiệm lần sau he he
        Đầu tuần chúc Small vui vẻ nha!

Gửi phản hồi cho Trà Hâm Lại Hủy trả lời