MÔ TÊ RĂNG RỨA

Là nơi cung cấp nước chè xanh và kẹo cu đơ

Cuộc phiêu lưu của Mô Tê Răng Rứa – 5

Posted by CU MÔ trên 06.09.2010

Cuộc đời tôi là một chuyến phiêu lưu đầy mạo hiểm. Nếu một nửa sự thật là giả dối như người ta thường nói, thì một trăm phần trăm câu chuyện này giả dối như chính cuộc đời tôi!

(5)

Lại nói chuyện sau khi tôi mới chào đời, tình cảm giữa cậu mẹ tôi đã bắt đầu xuất hiện những rạn nứt Những vết thương tình cảm khó lành đó ngày càng dẫn đến một nguy cơ trở thành khối u có thể vỡ ra khi nào không biết. Sau này, không ai khác chính là tôi đã phải gánh chịu tất cả hậu quả đó của hai thân. Bất cứ điều gì xảy ra trên cõi đời này cũng đều có nguyên nhân của nó. Nhưng trước khi kể về biến cố này, thiết nghĩ cũng nên sơ lược về nguồn gốc của gia đình cậu, mẹ tôi.

Mẹ tôi sinh ra trong một gia đình gốc Công giáo ở Hương Khê (Hà Tĩnh). Trước đây dòng họ này mang họ Hà, nhưng không hiểu sao sau này lại chuyển sang họ Lê. Có lẽ cũng xuất phát từ những biến cố trong thời kỳ khởi nghĩa Hương Khê của Phan Đình Phùng, trong phong trào Cần vương cuối thế kỷ XIX, hầu hết những ai tham gia cuộc khởi nghĩa đều phải thay đổi tên họ để tránh bị truy sát. Ông ngoại tôi tên là Lê Văn Trinh. Tuy không giàu có như những điền chủ, tư sản thời bấy giờ, nhưng gia sản của ông ngoại tôi cũng không đến nỗi. Vào những năm 30 đầu thế kỷ XX, ông đã có một cơ ngơi bề thế ở thị xã Vinh. Ban đầu ông tôi là cai thầu gỗ, sau chuyển sang buôn bán trầu cau vào Nam ra Bắc, ông ngoại tôi thường thuê luôn cả đoàn tàu để chuyên chở hàng. Ông có hai căn nhà gỗ lợp ngói trên đường Minh Khai cũ (nay là đường…..), một căn ở gần quốc lộ số 1, một căn ở ngay trên nền đồn công an chữa cháy (nay là Phòng Cảnh sát PCCC. Trong nhà có nuôi ba người ở (nay gọi là người giúp việc, hay nôm na là Osin).  Nhờ làm ăn khấm khá, đi lại giao du nhiều lại khá đẹp trai, vạm vỡ; nên ông được nhiều cô gái đương thời yêu mến. Đó là một trong những lý do khiến ông ngoại tôi có tới ba bà vợ. Bà vợ cả sinh cho ông chín người con, ba trai; sáu gái là Lê Thị Chất, Lê Thị Hai, Lê Thị Ba, Lê Văn Tư (chết khi còn nhỏ), Lê Thị Năm, Lê Văn Sáu, Lê Văn Bảy, Lê Thị Tám, Lê Thị Thọ. Bà ba sinh cho ông một người con gái tên là Lê Thị An. Bà ba do bác sỹ tiêm nhầm thuốc nên chết trong thời kỳ thai nghén. Như vậy ông có cả thảy mười người con. Mẹ tôi kể lúc sinh thời ông tôi khi ở nhà thường mặc đồ ba ba may bằng vải phin trắng có bốn túi, đầu đội mũ vải rộng vành, tóc để dài búi tó, người vạm vỡ phương phi, da dẻ hồng hào. Hàng ngày, sau bữa cơm chiều hoặc những lúc mát trời, ông thường chắp tay sau lưng đi lững thững dạo chơi trên đường, phong thái hết sức ung dung. Ông có một thú vui tai hại, đó là thích chơi xóc đĩa, thú vui của ông ham mê đến độ chơi ở Vinh chưa đã, ông còn ra tận Quảng Ninh, Móng Cái cùng hội đỏ đen thuê thuyền ra giữa biển để tránh Cu lít (cảnh sát) bắt. Có một thời gian ông đánh bạc bị thua liểng xiểng, đến nỗi phải bán căn nhà ở vị trị Phòng Cảnh sát PCCC hiện nay để trả nợ. Sau lần thua nặng nề đó, ông bỏ đánh bạc, nhưng suốt 6-7 năm ròng ông ngồi trên gác xép tự chơi xóc đĩa một mình để nghiên cứu cách chơi, cuối cùng ông kết luận cờ bạc không bao giờ đưa người ta đến sự giàu có, mà chỉ dẫn đến khuynh gia bại sản. Từ kết luận đó, ông hết sức can ngăn hai cô con gái đầu không nên đánh bạc. Nhưng hai bác gái tôi do quá ham mê trò đỏ đen này, nên được đồng nào đều nướng vào chiếu bạc hết. Cứ mỗi lần theo tàu hàng trầu cau về, trên cổ và trên tay bà nào cũng đeo kín vòng vàng, nhưng chỉ mấy ngày sao đều bay vào túi người khác. Dần dà hai bác tôi nghèo túng phải sống dậm dạp qua ngày. Đến năm 1945 thế kỷ trước, ông ngoại tôi mất do bệnh xơ gan cổ trướng lúc mới ngoài 50 tuổi. Sau đó, hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, thị xã Vinh tiêu thổ kháng chiến. Nhà cửa bị đập bỏ, tài sản bị phân tán mất mát, lại không có người trụ cột trong nhà, kể từ đó gia đình lâm vào tình trạng khánh kiệt, mọi người buộc phải phân tán mỗi người một nơi để mưu sinh…

Mẹ của moterangrua (trái) chụp với bà chị thứ ba khi còn trẻ

Và hiện nay (phải) chụp với bà em út Lê Thị Thọ

Mẹ tôi sinh năm 1928, là con thứ tám của bà cả. Cũng vì thế mẹ tôi được đặt tên là Lê Thị Tám. Là một người con gái đẹp, lại sinh ra trong một gia đình tương đối khá giả, được học hành đến nơi đến chốn. Đến năm 16 tuổi, bố mất cộng với khó khăn trong gia đình, qua sự rủ rê của một người bạn gái tên là Bình (hiện nay bà Bình đang sống cùng con cháu tại phường Hà Huy Tập-TP Vinh) mẹ tôi đã phải lên thị trấn Nam Đàn học và trở thành thợ dệt. Dần dà trở thành thợ dệt giỏi và được bình bầu là Chiến sỹ Thi đua. Vào thời gian này mẹ tôi ở với bà chị cả. Mỗi tháng mẹ tôi phải nộp 15 kg gạo và tiền ăn, ngoài ra đi làm về phải gánh nước, giặt giũ, quét nhà…nhưng bà chị Cả không hiểu sao thường hay gắt gỏng, chửi rủa. Một lần bà buột miệng chửi “Tiên sư cha mi…”, vốn là người khái tính, mẹ tôi liền nói: “Em và chị sinh ra cùng một cha, chị chửi như vậy là chửi cha mình rồi đó”. Bà chị nổi xung lên và đuổi mẹ tôi ra khỏi nhà. Mẹ tôi đến ở nhờ nhà một người tên là Lành. Bà Lành vốn là bạn của cháu gái mẹ tôi (tức là bà Lệ Vinh, diễn viên đoàn văn công Nghệ An, nay ngoài 80 tuổi, nghỉ hưu tại Phú Vang, Huế. Bà Lệ Vinh là con gái đầu lòng của bà chị cả mẹ tôi, tiếng là dì cháu nhưng bà Lệ Vinh chỉ thua mẹ tôi vài tuổi ). Chính biến cố này đã dẫn tới việc mẹ tôi quyết định lấy cậu tôi, mặc dù lúc đó mẹ tôi là con gái trinh trắng, còn cậu tôi đã trải qua một đời vợ và có một đứa con trai. Cuộc tình giữa cậu mẹ tôi ra sao, xem đến hồi sau sẽ rõ hé hé hé…Còn bây giờ chúng ta lướt qua tiểu sử gia đình cậu tôi một chút đã nhé

Cậu tôi tên gọi là Nguyễn Ninh, sinh năm 1921, là con trưởng trong một gia đình có 5 người con là Nguyễn Ninh, Nguyễn Thị Chúc, Nguyễn Văn Vượng, Nguyễn Thị Loan và Nguyễn Văn Giáp. Ông bà nội tôi tương đối khá giả trong giới thượng lưu thị xã Vinh thời bấy giờ. Thực ra gốc gác tổ tiên tôi ở Thanh Hoá, nhưng do ông tôi lưu lạc vào thành phố Vinh cùng bà chị gái từ thuở ấu thơ, nên không nhớ bản quán chính xác của mình, vì vậy lấy Vinh làm quê, từ đó con cháu chúng tôi trong lý lịch đều ghi quê quán ở thành phố Vinh cho đến nay. Hoàn cảnh lưu lạc của ông tôi cũng rất đáng thương. Ông sinh ra trong một gia đình chài lưới ở Thanh Hoá, nhà có bốn anh em, gồm bác Cả, bác Học, Bác Hạ (gái) và ông nội tôi.  Ông tôi sinh thứ tư, do đó có tên là Nguyễn Văn Tư. Do mẹ mất sớm, ở với cha, nhưng trong một lần đi biển, một trận cuồng phong nổi lên đã nhấn chìm cố nội tôi cùng mấy người anh của ông tôi. Do hoàn cảnh dân vạn chài thời bấy giờ rất nghèo, họ hàng không thể cưu mang. Thế là bà bác tôi và ông nội tôi lúc đó chừng 10 tuổi phải dắt díu nhau tha phương cầu thực lưu lạc vào thị xã Vinh. Ban đầu bà chị bán hàng rong ở khu vực phà Bến Thuỷ, gần núi Quyết để nuôi em khôn lớn. Năm ông tôi 20 tuổi, bà chị mất. Ông phải sống một mình, thời gian này ông quen một cô gái tên là Lê Thị Viết người xã Hưng Thuỷ, huyện Hưng Nguyên (nay là phường Bến Thuỷ, TP Vinh) sau này trở thành vợ ông và là bà nội tôi. Cũng vào thời gian này, sau khi trải qua nhiều ngành nghề, ông tôi đi học lái xe và làm sốp phơ cho một ông đốc tờ người Pháp. Sau này ông đốc tờ về nước có ngỏ ý muốn ông tôi theo cùng. Nhưng lúc này ông tôi đã có người yêu nên không muốn đi và quyết định ở lại. Ông đốc tờ về nước. Ông tôi làm việc cho ông Phê rê. Ông này là cai thầu gỗ hết sức giàu có, có lâm trường khai thác ở huyện Tân Kỳ, Phủ Quỳ…sau này do tranh giành làm ăn, ông bị đối thủ giết chết. Do cao lớn, khỏe mạnh, điển trai lại hết sức cần cù, ông nội tôi được ông Phê rê rất yêu mến. Cảm tài năng chàng trai trẻ, ông Phê rê đã truyền nhiều kinh nghiệm làm ăn cho ông nội tôi. Sau khi ông Phê rê chết, ông nội tôi bỏ nghề lái xe quay sang kinh doanh gỗ và phất lên từ đó. Ngoài việc có một gia sản khá lớn, ông còn tậu được căn nhà gạch, có của chìm của nổi, kẻ ăn người làm…

Cậu tôi sinh ra và lớn lên trong một môi trường  thuận lợi, nên được ăn học khá đến nơi đến chốn, lại khéo tay, đặc biệt là viết và vẽ khá đẹp, chữ viết và nét vẽ của ông mềm mại, bay bướm và rất có hồn. Thời thanh niên, ông thuộc dạng công tử thành Vinh, lúc nào cũng ăn mặc chải chuốt, sáng sáng ông ngồi bên li cà phê sóng sánh, miệng ngậm thuốc thơm, dáng vẻ thư sinh, mặt mũi lại sáng sủa nên lọt vào mắt xanh của không ít cô gái đương thời. Công việc ông làm khá sáng giá, đó là làm nghề nhiếp ảnh, đây là một nghề vào loại thời thượng nhất thời bấy giờ. Có thể nói vào cuối thập niên 40, đầu thập niên 50 của thế kỷ trước, cậu tôi có một cuộc sống phong lưu, an nhàn tự tại với một công việc sáng giá. Năm 1945, ông lập gia đình với một phụ nữ tên là Bình (Bà Bình nay khoảng 85 tuổi, hiện còn sống với con cái người chồng sau tại Hà Nội), năm 1946 bà Bình sinh cho ông một đứa con trai, đặt tên là Nguyễn Ngọc Cương. Nhưng vì nhiều nguyên nhân (tôi không biết rõ) hai người li dị, bà Bình ra Hà Nội sinh sống và lấy chồng, để lại người con trai mới hơn 2 tuổi. Kháng chiến chống Pháp bùng nổ, thành phố Vinh tiêu thổ kháng chiến, cậu tôi sơ tán lên Rạng (Đô Lương).  Tại đây, cậu tôi đã gặp và quen mẹ tôi. Cuộc tình của họ bắt đầu từ đây.

Muốn biết cuộc tình của cậu mẹ tôi diễn biến thế nào, xem hồi sau sẽ rõ. He he….

51 bình luận to “Cuộc phiêu lưu của Mô Tê Răng Rứa – 5”

  1. hl said

    Me Mô đẹp gái hè?
    Ua răng nhà Mô hơi giống nhà tui. Ông ngoại tui khá giả nhưng đánh bạc hết, đến đời mẹ tui thì khổ ơi là khổ. Ông ngoại tui cũng có hình ảnh như ông ngoại Mô đó, dáng phương phi, đĩnh đạc, khi nào cũng mặc quần áo cánh trắng, sạch bong….
    Tạm rứa hè, không những Mô tái hiện lịch sử của Mô mà còn có tác dụng gợi nhớ cho người đọc nữa đó….

    • Coi chừng không khéo anh em họ hàng chi cũng nên O hè? Hai nhà mình dúng chi mà dúng rứa!
      Mô chỉ tái hiện lịch sử một phần thôi, vì đi sâu vào xã hội thời đó thì dài lắm.
      Linh nói đúng, chủ yếu là Mô chỉ gợi nhớ thôi.

  2. hl said

    Nói chung gia đình bên nội tui cũng có lịch sử thăng trầm lắm. Ôi nhưng mà thôi..đầu tuần vui nha Mô!

  3. Đọc chuyện kể về nguồn gốc gia đình anh mà em cứ tưởng đang xem phim dã sử của Trung Quốc. Hay là anh viết thêm về mảng này đi. Bài viết chỉ xoay quanh cuộc sống gđ nhưng đã cho người đọc liên tưởng đến một giai đoạn của xã hội đương thời. Chúc anh một tuần vui vẻ nhé.

    • Hà Bắc :

      Đọc chuyện kể về nguồn gốc gia đình anh mà em cứ tưởng đang xem phim dã sử của Trung Quốc. Hay là anh viết thêm về mảng này đi. Bài viết chỉ xoay quanh cuộc sống gđ nhưng đã cho người đọc liên tưởng đến một giai đoạn của xã hội đương thời. Chúc anh một tuần vui vẻ nhé.

      Một số người cũng muốn anh viết sâu về bối cảnh xã hội đương thời, nhưng anh sợ viết thế sẽ dài và dễ lạc đề, vì câu chuyện này chủ yếu nói về những thăng trầm trong cuộc đời anh mà thôi. Tuy vậy, theo góp ý của em và bạn bè, những phần sau anh sẽ cố gắng nói kỹ hơn tí nữa. Cảm ơn em đã theo dõi câu chuyện đời Mô! he he
      Chúc em một tuần vui vẻ và thành công!

  4. Dạ Thảo said

    Anh Mô giống mẹ như đúc !
    Tới giờ Út đi lụm bọc òi !
    Tối Út về chong đèn đọc hồi ký anh Mô nha !

    • Dạ Thảo :

      Anh Mô giống mẹ như đúc !
      Tới giờ Út đi lụm bọc òi !
      Tối Út về chong đèn đọc hồi ký anh Mô nha !

      Nguy to nguy to, Út có nghe câu thành ngữ ni không “Con gái giống cha giàu ba cửa họ/ Con trai giống mẹ khốn khó ba đời”. Không trách đến chừ anh Mô vẫn khốn khó. Hu hu…Út phải thường cho anh Mô thui…!

      • Dạ Thảo said

        Hí hí, đọc lén hồi ký dòng tộc anh Mô. Út hổng biết nói gì hơn ngoài cảm ơn tấm chân tình anh đã bộc bạch qua hồi ký này với bạn bè!

      • Dạ Thảo :

        Hí hí, đọc lén hồi ký dòng tộc anh Mô. Út hổng biết nói gì hơn ngoài cảm ơn tấm chân tình anh đã bộc bạch qua hồi ký này với bạn bè!

        Cảm ơn Út nhiều nhen!

  5. Small said

    Bác gái xinh quá! thời trẻ xinh và ngay bây giờ bác vẫn còn đẹp lão lắm.
    Thời này đối với thế hệ Small chỉ còn là lịch sử, cảm ơn những bài viết của anh Mô giúp chúng em hiểu rõ hơn về “một thời đã xa”.

    • Small :

      Bác gái xinh quá! thời trẻ xinh và ngay bây giờ bác vẫn còn đẹp lão lắm.
      Thời này đối với thế hệ Small chỉ còn là lịch sử, cảm ơn những bài viết của anh Mô giúp chúng em hiểu rõ hơn về “một thời đã xa”.

      Cảm ơn lời động viên của Small, anh Mô sẽ cố gắng viết tốt hơn để khỏi phụ lòng Small và mọi người!

  6. QuêBác said

    Gia đình nào cũng có biến cố, tự thân hoặc ngoại cảnh tác động. Vấn đề là con cháu sau xem xét dưới góc nào nhưng không nên cực đoan trong phê phán.Em thấy anh đang kể chuyện, chưa có “phán xét” gì. Nếu có( đoạn sau chẳng hạn) cũng xuất phát từ tấm lòng biết ơn sâu nặng thôi.
    Họ Hà ở Hương Sơn, gốc không phải Hà, mà là Hồ anh Mô ạ.( Không chỉ ở Hương Sơn, mà là Hà Tĩnh nói chung).Vốn là Hồ Huy, một trong bốn nhánh Hồ đại tôn từ Thanh Hóa vào Nghệ. Hồ Viết, Hồ Huy, Hồ Sỹ và Hồ Ngọc. Riêng Hồ Ngọc vào miền Thuận-Quảng…
    Anh liên hệ với nhà thơ Nguyễn Duy để biết thêm họ của anh ở Thanh Hóa xem sao?
    Mấy cuốn “gia phả quốc gia” mà em có được là do ông cậu chuyên sưu tầm, dịch thuật. Hồi em gặp nạn về nhà, ăn rồi toàn biên tập lại cho cậu em. Có dịp về Vinh gặp anh, em sẽ liên hệ xem thế nào nhá.

    • Cảm ơn sự góp ý của QuêBác! Thực ra anh Mô không có ý định phê phán các bậc tiền bối, vì suy cho cùng đó cũng là lịch sử, dù chỉ ở góc độ gia đình. Mà anh Mô chỉ kể về cuộc đời mình thôi, nghĩa là những gì mình trải qua từ lúc còn nhỏ cho đến trưởng thành và cho tới tận ngày hôm nay. Dĩ nhiên trong đó có tất cả ái, ố, hỷ, nộ của mọi người và của bản thân đã tác động lên cuộc đời mình và không thể không nhắc đến một số biến cố xã hội đương thời nữa. Tuy vậy, sự góp ý của QuêBác cũng làm cho anh Mô “giật mình” vì nếu không cẩn thận sẽ rơi vào trạng thái cực đoan. QuêBác thật là một con người tinh tế!
      Còn về nguồn gốc thì họ của mẹ anh Mô (họ ngoại) ở Hương Khê chứ không phải Hương Sơn, và chính xác là họ Hà, vì mẹ anh Mô nay vẫn còn sống, minh mẫn đã kể lại để anh Mô viết mà. Hiện nay gia tộc đằng ngoại vẫn sinh sống chủ yếu ở Hương Khê, chỉ có nhánh ông ngoại của anh Mô mới ở Vinh thôi.
      Còn họ đằng nội thì như anh Mô đã kể trong chuyện. Anh Mô viết điều này cũng với một mong muốn là nếu có ai quê Thanh Hoá đọc được, đối chiếu trong gia phả mà giúp anh Mô tìm được họ tộc thì hạnh phúc nào bằng!
      Ngày càng thấy QuêBác học vấn thật uyên thâm. Hy vọng sẽ được gặp QuêBác trên quê hương mình nhé!
      Chúc QuêBác một tuần làm việc vui vẻ và thành công!

  7. QuêBác said

    Gia phả họ Lê ta từ buổi nhà Lê niên hiệu Cảnh Hưng (1740- 1786) có ông huyện thừa Lê Đình Vỵ thuộc chi ở Hoàng Mai, dòng dõi ông Lê Tá đã chép một quyển.
    Xưa cụ Lê Kinh Tế, án sát sứ hiệu Hương Đình kiếm được cuốn gia phả ấy ở Hoàng Mai. Ngài định chép nối thêm nhưng chưa kịp làm thì đã mất.
    Đến đời cụ Lê Kinh Hạp là quan Quang Lộc Tự Thiếu Khanh, hiệu Xuân Đình lại trở ra Hoàng Mai và Quỳnh Đôi để đối chiếu so sánh với các chi ngoài đó rồi mới chép nối thêm.
    Việc làm trên đã được Ngài thuật lại trong: “Lời dẫn giải truyện ký về ngài tiến sĩ họ Lê” đã được khắc vào bia đá đặt tại đền thờ cụ Lê Quỳnh ở Quỳnh Mai, Quỳnh Lưu, Nghệ An. Trong đó có đoạn viết: “… Mùa xuân năm Tân Dậu (1861) Hạp cũng đã có dịp tới đây thăm. Bấy giờ có người già làng thuộc chi họ cụ Nguyễn Xứng đưa gia phả cho tôi xem, nhưng không tìm được gốc tích. May mà sau đó có người họ Lê thuộc chi khác là Tú tài Lê Xuân Đoàn ở Quỳnh Đôi đưa gia phả ra xem thì mọi băn khoăn đều được giải quyết. So với gia phả mà nhà Hạp đang giữ được thấy không có gì khác.
    Ôi( Bấy lâu nay, trong lòng Hạp vẫn mang một nỗi niềm canh cánh như một lẽ thường tình; Chim Việt đậu cành Nam, Ngựa Hồ hí vang trong gió Bắc, cây có gốc, nước có nguồn, ấy mà(”
    Nhưng cuốn gia phả ấy ngài làm bằng chữ Hán. Về sau nhiều người không biết chữ Hán nên cụ Tú tài hàn lâm đãi chiếu Lê Kinh Ba mới dịch ra quốc ngữ để con cháu đời sau đọc và hiểu được.
    Thật sung sướng biết bao( các đấng tiền nhân của họ Lê ta đã lo xa cho con cháu đời sau như vậy đó.
    Ngài Quang Lộc Lê Kinh Hạp còn mong muốn đời sau con cháu chép nối bổ sung tiếp gia phả dòng họ nên ngài dạy rằng: “Nếu chúng mình không viết lại được thì quá khứ có đẹp đẽ đến đâu cũng không sao sáng tỏ được. Nếu không viết lại được thì đời sau dù có phồn thịnh cũng mơ hồ không rõ cội nguồn”.
    Chính vì lẽ đó nên ban liên lạc họ Lê (Sơn An) tại Hà Nội trong những năm cuối thập kỷ 80 đã nhận thấy: Từ sau cách mạng Tháng Tám và qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ việc chép nối gia phả của dòng họ đã bị lãng quên nên đã có chủ trương viết tiếp cuốn gia phả của dòng Họ.
    (Gửi anh Mô đoạn Lời nói đầu của họ Lê Hương Sơn, nếu cụ bà ở Sơn An,Hương sơn, mà từ họ Hà đổi sang Lê, thì em có thể khẳng định cụ bà là người họ Hồ Huy.)

  8. Oa. Mẹ anh Mô đẹp ghê ta ơi!

  9. Lưu Giao said

    Mô giỏi thật, có nhiều tư liệu về gia đình và họ hàng. Mình mang danh tộc trưởng họ Lưu ở vùng Nghệ tĩnh mà không biết gì cả và quan trọng là không hiểu sao mình không mặn mà với chuyện họ tộc.Một phần có lẽ do mang họ Nguyễn ( Công nuôi to hơn công đẻ )và mình suốt đời lang bạt, sống ở Nghệ tĩnh không được bao nhiêu thời gian, mọi việc ỷ lại cho chú em( Mình hay đùa là anh giao luôn chức Tộc trưởng cho chú)
    Xem ra mới thấy,cái phần lịch sử gia đình và dòng họ thôi cũng rối rắm và phức tạp nhỉ. Đợi Mô cho đọc tiếp nha !

    • Mô rất vui khi được anh khen ngợi động viên. Tư liệu về gia đình và họ hàng Mô phải hỏi mẹ và các O chú của Mô hiện nay đều ngoài 80 tuổi và ghi chép lại. Mô viết Cuộc phiêu lưu này thực ra cũng là cách làm “giả phả” đời mới he he.. trước là để anh em bè bạn blog đọc chơi, sau là để con cháu sau này dễ đọc mà biết về dòng tộc và cuộc đời của Mô, đồng thời cũng điểm xuyết một phần vài nét về những vấn đề xã hội đương thời.
      Mô thấy có vẻ như cuộc đời của Anh Giao cũng rất li kỳ, nếu anh viết lại chắc cũng ly kỳ lắm đấy. Nếu có thể thì anh viết đi nha!

  10. Hạnh Duyên said

    Chào Mô,
    HD cũng đang theo dõi Cuộc phiêu lưu của Mô nè.
    Mô viết kỹ thật đấy, cứ như đang được xem phim vậy! hì hì.
    Cho HD gửi lời kinh chúc sức khỏe Mẹ của Mô nhé.

    • Cảm ơn Hạnh Duyên, Mô sẽ chuyển lời chúc của HD tới Mẹ!
      Mô cũng thường xuyên qua blog của HD nhưng chưa thấy bài mới. Có gắng post bài thường xuyên nha. Không có gì vui hơn khi đọc các tác phẩm của nhau và gặp nhau để chia sẻ những vui buồn trong cuộc sống trên blog.
      Mô chúc HD vui và có nhiều tác phẩm mới nha!

  11. Small said

    Em có đôi lời muốn nói thêm về tác phẩm này của anh Mô:)
    Đó là: anh Mô viết rẫt kỹ, nhớ rõ chi tiết về dòng tộc- điều mà ko phải con cháu nào cũng làm được- em phục anh Mô thêm ở điểm này.

    • Anh Mô ghi chép từ các cụ kể lại thôi Small à. Có điều những cái mình viết phải trung thực, chính xác và như QuêBác nói là phải tránh cực đoan trong phê phán. Anh Mô cũng đang vừa viết vừa nghiên cứu để hài hoà mọi mặt.
      Cảm ơn nhận xét của Small nhé! Nhưng anh Mô cũng đề nghị là chỗ mô không ổn thì chê tơi tới cho anh Mô sửa chữa nha!

    • Dạ Thảo said

      Ừ ! Tớ cũng thấy ảnh rất kĩ lưỡng và chân thành khi viết tác phẩm này (kể tên các bà dì rất rõ, hé hé ), điều mà chúng mình bây giờ chẳng mấy ai làm được. Thật là một tấm lòng.

  12. Small said

    Lưu Giao :
    Mô giỏi thật, có nhiều tư liệu về gia đình và họ hàng. Mình mang danh tộc trưởng họ Lưu ở vùng Nghệ tĩnh mà không biết gì cả và quan trọng là không hiểu sao mình không mặn mà với chuyện họ tộc.Một phần có lẽ do mang họ Nguyễn ( Công nuôi to hơn công đẻ )và mình suốt đời lang bạt, sống ở Nghệ tĩnh không được bao nhiêu thời gian, mọi việc ỷ lại cho chú em( Mình hay đùa là anh giao luôn chức Tộc trưởng cho chú)
    Xem ra mới thấy,cái phần lịch sử gia đình và dòng họ thôi cũng rối rắm và phức tạp nhỉ. Đợi Mô cho đọc tiếp nha !

    Coi bộ cái vụ này của anh Mô khá giống với chồng em nhe! mang tiếng là người sẽ kế ngôi “trưởng họ” tương lai nhưng việc họ hàng đều do chú thứ đảm nhận hết vì chồng em ở xa. Chức vụ giao cho chú đảm nhận có phải là “trưởng giả” ko anh? hôm rồi có một anh nói thế, em vẫn chưa tin lắm 🙂

    • Small said

      Đính chính tý: anh Lưu giao chứ ko phải anh Mô nhe! chết em rồi, dạo này mở miệng ra là cứ anh Mô thế này thì chết với chị cả, he he

    • Thực ra anh Mô cũng giống anh Giao và chồng Small. Anh Mô không phải là tộc trưởng, nhưng ông anh Cả mất, con trai của ông anh Cả nay mới 27 tuổi, nhưng nó cũng không để ý gì đến dòng họ lắm, nên anh được cử gánh vác thay, vì rứa có lẽ anh cũng thuộc hàng “trưởng giả” hé hé

  13. hl said

    Ngoài lề tí chơ: dạo ni kiên quyết để quả ảnh “gườm gườm” lâu hè? Đúng kiểu bắn phát một, phát mô trúng phát nấy, không trúng thì bắn tiếp hầy?

    • Nếu O muốn thì Mô gỡ ngay quả ảnh ni xuống, thay quả ảnh khác vác tên lửa đạn đạo, mắt không gườm gườm nữa mà trừng trừng, mồm đang hô to “I Love Emmô”…OK?

  14. Small said

    hl :
    Ngoài lề tí chơ: dạo ni kiên quyết để quả ảnh “gườm gườm” lâu hè? Đúng kiểu bắn phát một, phát mô trúng phát nấy, không trúng thì bắn tiếp hầy?

    Ôi giời ơi, chị làm em cười quá, đang cười ngắc ngoẽo đây nè! em cá cược nếu anh Mô đọc xong lời phê bình này của chị mà ko cười nức nở là trời sẽ mưa to luôn 🙂 (ko biết dùng cái gì để minh họa, thôi cứ dùng trời mưa vậy vì hôm qua dự báo thời tiết rằng hôm nay ko có mưa)

    • Anh Mô đang nức nở đây Small à, dưng nỏ phải nức nở cười mà nức nở mếu, vì bên blog của Small anh Mô đòi kiện O nớ cướp Tem của anh Mô, thì O lại nói là người trong nhà kiện nhau chi cho khổ. Còn ở đây thì O nớ khiêu khích anh Mô còn hơn Bắc Hàn khiêu khích Nam Hàn…anh Mô vốn liễu yếu đào tơ bị O nớ hiếp đáp ri, răng Small không gửi công hàm phản đối mà còn cười ngắc ngoẽo trên nỗi đau người khác rứa…

      • hl said

        Mô chắc nghĩ vượt quá điều tui muốn nói rùi, đơn giản chỉ nhìn thấy cái ảnh ni mà trêu rứa thôi Mô nờ! khiêu khích mô mà khiêu khích hè!

      • Rứa à rứa à không phải khiêu khích à, rứa thì Mô thôi không tập trận chống tàu ngầm như Mỹ với Nam Hàn đang mần nữa.
        Dưng mà Mô hay xấu hổ, trêu là Mô tìm chỗ nấp để trốn là O nỏ chộ Mô mô nữa mô nha!

      • hl said

        Ui choi cai com tra loi com ni han chay tuot len cho tren anh QB rui!

      • hl :

        ua troi, treu nhau ti cho vui, ban be chu co phai hop chi bo mo he!

        Mô chuyển xuống giúp cho O đó nha!
        Mà viết chữ nỏ có dấu là Mô lại suy diễn lung tung theo kiểu họp chi bộ đó hé hé

  15. QuêBác said

    Như đã nói trước với anh Mô. Em sẽ “hạ phím” bằng 6/8 câu chuyện “phiêu lưu” này.Nhưng vì hôm qua trót “nhạy cảm”, nói như nhà văn, thơ báo Văn công Hùng bảo em là:” Chú hay “độc mồm độc miệng” lắm đó nha!”. He he…
    Em mới biết lốc anh chưa tròn tháng. Nhưng mày mò đọc gần như hết, thậm chí thuộc nhiều đoạn anh viết. Phải “phán” ngay rằng.Lối viết “không giống ai” làm em “khó thở”. Một thứ logic văn chương khác lạ.Không hề gọt giũa ngôn từ, không đại ngôn, ít thành ngữ, trích dẫn và khuôn sáo. Cái chuẩn mực làm em thích là gần gũi. Hàn lâm tuyệt đối nhưng dân gian vô cùng. Em nói trước với anh, Mỗ em là thằng kiêu ngạo nổi tiếng. Không ưa nịnh thối và chả nịnh ai bao giờ.Em có một điều học được từ “thợ chữ” Lê Đạt và “sư chữ” Nguyễn Tuânlà, chê sai mang tội vu cáo, khen sai cũng thế. Vu cáo người khác là tội to.
    Ví dụ, kể cả lối “khẩu văn”, anh nói thẳng “mùi cứt không phải mùi cứt” thì chỉ có anh! Thằng rảnh như em, đọc nhiều sách đến mụ đầu, chợt tỉnh ra. À, còn có lối viết “phóng khoáng” thế này nữa cơ à? Bởi thế, hôm qua em “ngại ngại” sợ rằng đoạn sau, anh “sa” vào chỗ “phán xét” thì he he, thậm nguy. Không có ý “dạy ngược” nhưng em sợ chính em phải cảm nhận dòng viết đó. Cái mà em kị gặp nhất trong những cuốn tạm gọi là tự truyện. Ý là em sợ chính em mắc lỗi anh Mô à, chứ không có ý gì khác.
    Hai cuốn em ví dụ để anh rõ ý em.
    Tự truyện của Lê Vân.Xin lỗi anh Mô, cho em văng tục nha. Mịe, đứa nào chấp bút cho con mất dạy kia là NGU!
    Tiểu thuyết “Biết đâu địa ngục thiên đường”. Em có cảm nhận như là tự truyện của Nguyễn Khác Phê hơn là tiểu thuyết.Với sự cao tay của thầy Phê, em mà cảm được thế thì nên gọi là thấp tay.
    Hồi trước, em hay đọc của Chu Lai( gần như hết). Thoạt đầu, kính nể vị đại tá đặc công tóc xoăn này kinh khủng. Càng về sau, thấy sự xuống tay( Bỏ qua lí do hoàn cảnh lịch sử) ghê gớm. Và càng ngày, em càng thấy sự giấu diếm của ông Lai lộ rõ. Lộ cả khi nói chuyện văn chương.
    Với anh, em đọc chưa nhiều, em nhận thấy ở anh có chữ CHÂN, hy vọng anh giữ chữ đó nghe anh.
    Mạo muội mấy lời, mong anh hiểu thằng Mỗ “hoắng” bất tài lại hay múa mép!
    Âu cũng là cái nghiệp anh ơi!

    • Khé khé khé…cho anh Mô cười một phát cho đã khi đọc còm của QuêBác. Được QuêBác khen anh phổng mũi, nỏ bù cho anh Giao lại chê anh không được nói “cứt” mà chỉ được nói “phân” cho lịch sự. Dưng mà anh Mô là người theo chủ nghĩa hiện thực đành mắc lỗi với anh Giao để bảo lưu ý kiến. Chừ được QuêBác mần đồng minh thì còn chi sướng bằng!
      Thực ra anh Mô nghĩ răng viết rứa thôi, không theo một trường phái mô hết, vì anh Mô muốn mọi cái đều tự nhiên như tự thân nó phản ánh. Nhưng nhận xét của QuêBác càng làm cho anh cần rút kinh nghiệm hơn để viết sao cho gần gũi với đời thường hơn nữa và điều quan trọng là phải vẽ lại một cách trung thực bức tranh của một thời quá vãng.
      Anh Mô cũng muốn ngoài được khen ra thì cũng được nghe QuêBác chửi tơi bời nếu viết “NGU!” (Lời QuêBác) để anh rút kinh nghiệm.
      Điều mà anh nghiêm túc hứa với QuêBác và bạn bè yêu mến blog moterangrua rằng không riêng gì “Cuộc phiêu lưu…” mà bất cứ entry nào anh cũng vẫn giữ chữ CHÂN! QuêBác tin cho anh Mô điều đó nha, nhưng mà nhỡ lúc mô quên thì nhắc cho anh Mô với!
      Mỗ nỏ “hoắng” mô, cái mà Mỗ gọi là “thằng kiêu ngạo nổi tiếng” hoá ra lại đáng yêu hết sức!

      • hl said

        Tui thì mong sao Mô mãi mãi vẫn là Mô thôi!

      • hl :

        Tui thì mong sao Mô mãi mãi vẫn là Mô thôi!

        Thì Mô hứa rùi còn chi, cho dù hoàn cảnh mô thì Mô khi mô cũng là Mô O à!
        Mỗ là tên “cúng cơm” của QuêBác đó O nờ. Cũng rất tình cờ là Mô tên là Mô, còn Mỗ tên là Mỗ…hay hè hay hè hay hay hè

  16. Mẹ anh xinh đẹp quá. Chị Lan cũng có nhiều nét giống mẹ anh nhỉ. Cuộc phiêu lưu của anh lần này đã để lại cho người đọc nhiều ấn tượng, có những nhận xét đánh giá rất đáng khâm phục như QuêBác. Nghe tên QuêBác mà HB chưa dám lên tiếng vì sợ mang tiếng thấy người sang bắc quàng làm họ. Em chúc mừng anh đã có thêm nhiều người bạn tâm giao.

  17. Thành said

    Nhân duyên cũng khéo vẽ vời anh nhỉ

Gửi phản hồi cho moterangrua Hủy trả lời