MÔ TÊ RĂNG RỨA

Là nơi cung cấp nước chè xanh và kẹo cu đơ

Cuộc phiêu lưu của Mô Tê Răng Rứa – 8

Posted by CU MÔ trên 04.10.2010

Cuộc đời tôi là một chuyến phiêu lưu đầy mạo hiểm. Nếu một nửa sự thật là giả dối như người ta thường nói, thì một trăm phần trăm câu chuyện này giả dối như chính cuộc đời tôi!

(8)

Lại nói chuyện sau trận lụt kinh hoàng năm 1953, cậu mẹ tôi đã thoát hiểm nhờ một ngư phủ cứu đưa lên bờ đê ở tạm, sau đó ông quay lại đưa đi nơi khác vừa lúc đê vỡ nên không bị chết đuối, lại được một người đàn bà tên là bà Đĩ Sáu cho một rá cơm cầm hơi mấy ngày nên không bị chết đói, một người bán cá giúp đỡ đưa cậu tôi về Cửa Hội chụp ảnh cho cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc. Nhưng việc này không thành vì chính quyền ở đó không cho chụp ảnh để bảo đảm công tác phòng gian bảo mật.

Lúc này nước cũng đã rút. Cậu mẹ tôi quyết định trở về nhà. Sau một thời gian khôi phục nhà cửa, nạo vét bùn đất cuộc sống dần trở lại ổn định. Nhưng một nguy cơ khác lại xuất hiện. Sau trật lụt, phần lớn những người dân ở chợ Tràng nói riêng, huyện Hưng Nguyên nói chung đều bị mất trắng tài sản, cuộc sống của họ rơi vào cảnh túng quẫn, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, do đó những thú chơi xa xỉ như chụp ảnh hầu như không ai ngó ngàng tới.

Vì thế, hiệu ảnh Nguyễn Ninh của cậu tôi gần như bị đóng cửa, có khi cả tháng trời không hề có một người khách nào lai vãng. Nguy cơ đứt bữa đã bắt đầu lộ diện. Mỗi bữa, cậu mẹ tôi chỉ dám ăn chút ít cơm và thức ăn để cầm cự với hũ gạo ngày càng vơi. Đã vậy căn bệnh đau dạ dày tá tràng của cậu tôi lại thừa cơ trỗi dậy. Vậy nên, tiền ăn đã thiếu lại còn phải bớt đi để mua thuốc nên bữa ăn ngày càng đạm bạc hơn. Đúng vào lúc nguy nan này, một cơ hội mới lại cứu thoát cậu mẹ tôi thoát khỏi nạn đói. Đó là mùa Đông đang tới.

Cũng cần phải kể thêm về thời tiết ở đây để bạn đọc không phải là người xứ Nghệ rõ. Nghệ An nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, có 4 mùa rõ rệt: xuân, hạ, thu, đông. Từ tháng 4 đến tháng 8 dương lịch hàng năm, chịu ảnh hưởng của gió phơn (hay còn gọi là gió Lào) tây nam khô và nóng. Vào mùa đông, chịu ảnh hưởng của gió mùa đông bắc lạnh và ẩm ướt. Xuất phát từ đặc điểm này, nên về mùa hạ Nghệ An rất nóng, với những cơn gió Lào thổi ràn rạt suốt mấy tháng ròng, khiến cho cây cối nhiều khi bị khô cháy, còn con người thì sạm đi vi nắng và gió. Mùa đông thường rất rét và mưa nhiều. Những cơn mưa dầm dề tháng này sang tháng khác khiến muôn vật như cóng lại trong một màu ảm đạm, độ ẩm nhiều khi lên tới trên 80% khiến người ta cảm giác rằng cả đất trời trở nên nhão nhoét.

Nhưng chính cái sự nhão nhoét ẩm ướt và lạnh lùng đó đã trở thành cứu tinh cho gia đình tôi. Vốn xuất thân từ thợ dệt, nên việc đan len đối với mẹ tôi không mấy khó khăn. Nhận thấy người dân trong vùng đang thiếu áo ấm, mẹ tôi đã quyết định mua sợi về đan áo bán. Thế là, ngày ngày cậu tôi ở nhà trông con, mẹ tôi gánh đôi bồ hàng xén đi chợ, những khi vắng khách mẹ tôi lại đem sợi ra đan. Tối về, sau khi cơm nước xong, mẹ tôi lại cặm cụi đan áo. Quả đúng như dự tính, đan được chiếc áo nào bán được ngay chiếc đó, thậm chí mẹ tôi không đủ sức để đan theo đặt hàng ngày càng nhiều nữa.

Lúc này, chiến dịch Điện Biên Phủ đã vào hồi quyết liệt, lớp lớp thanh niên lên đường chiến dịch. Vừa ra trận, họ vừa hát vang bài ca rực lửa từ thời Xô viết Nghệ Tĩnh của những năm 30-31 “Hỡi công nông binh Nghệ An ta ơi/Đời ta cực khổ đã nhiều rồi/Trường Thi Bến Thuỷ hận còn sôi/Toàn dân ta nay đã quyết/Quyết vùng lên tháo hết xích xiềng/Ta đã vùng lên tháo hết xích xiềng…” hoặc những bài hát sáng tác trong thời kỳ này Đoàn Vệ quốc quân một lần ra đi/ Dù có gian nguy nhưng lòng không nề/ Ra đi ra đi bảo tồn sông núi/ Ra đi ra đi thà chết chớ lui…”

Để yên lòng các chàng trai ra trận, các cô thôn nữ lại tiếp tục tặng người yêu những chiếc khăn tay thêu những đôi chim bồ câu quấn quýt và những lời thề hẹn ước. Nhiều cô còn tặng cả những chiếc áo do mẹ tôi đan. Chắc rằng dưới lớp áo trấn thủ kia, chiếc áo sợi đó cũng làm thêm ấm lòng chiến sỹ. Nhưng có điều ít ai biết là những chiếc khăn đó, những chiếc áo sợi đó đã cứu một gia đình qua cơn khốn khó.

Trận chiến Điện Biên Phủ kết thúc huy hoàng với chiến thắng thuộc về quân đội của Tướng Võ Nguyên Giáp vào ngày 7/5/1954, để buộc Đế quốc Pháp ngay ngày hôm sao đã phải ngồi vào bàn tiếp tục thực hiện cuộc đám phán tại Giơ – ne – vơ  (Thuỵ Sỹ). Tính ra phải trải qua 75 ngày thương lượng, có 8 phiên họp rộng và 23 phiên họp hẹp cấp trưởng đoàn rất căng thẳng; hai đồng chủ tịch Mô-lô-tôp – Ngoại trưởng Liên Xô, Ê-đen – Ngoại trưởng Anh, thay phiên nhau làm chủ tọa hội nghị; chỉ sau chiến thắng Điện Biên Phủ; Hiệp định Giơ-ne-vơ về lập lại hòa bình ở Đông Dương đã được ký kết vào ngày 21 tháng 7 năm 1954. Theo Hiệp định đã ký kết, nước Việt Nam bị chia cắt thành hai miền qua vĩ tuyến 17, mặc dù sự thận trọng của các bên tham gia Hội nghị nhấn mạnh rằng “Dù bất cứ trường hợp nào, không thể coi đó là biên giới chính trị hay lãnh thổ”. Sự chia cắt đó chỉ là tạm thời. Hai miền phải thống nhất trước tháng 7 năm 1956 bằng tổng tuyển cử “tự do và dân chủ”. Nước Pháp phải rút quân khỏi miền Bắc và Việt Minh rút khỏi miền Nam trong thời hạn 300 ngày; thường dân có quyền lựa chọn muốn ở miền Bắc hay miền Nam, trong thời gian đó, họ được tự do đi lại. Nghiêm cấm quân đội nước ngoài xâm nhập lãnh thổ Việt Nam. Một Ủy ban Giám sát quốc tế gồm có Ba Lan, Ấn Độ và Canada sẽ giám sát việc thi hành các điều khoản của Hiệp định.

Cuộc kháng chiến của nhân dân ta chống thực dân Pháp xâm lược bắt đầu từ ngày 23-9-1945, kết thúc ngày 20-7-1954 như thế đó.

Sau khi hiệp định Giơ – ne – vơ được ký kết, Nhà nước có chủ trương cho những người dân ở các thành phố, thị xã được phục hồi. Thế là, sau chín năm tiêu thổ kháng chiến, mùa thu năm 1954; những thị dân đi tản cư ở khắp mọi nơi bắt đầu lục tục trở về. Cậu mẹ tôi cũng nằm trong số đó.

Lúc này, thị xã Vinh chỉ là một đô thị bé nhỏ tiêu điều xơ xác. Thay vì những công sở, nhà xây mái ngói trước kia giờ chỉ còn những đống đổ nát hoang tàn, cây cỏ rậm rì. Để xây dựng lại cuộc sống mới, người dân thị xã đã mạnh ai nấy tìm cho mình một mảnh đất để dựng nhà. Cậu mẹ tôi cũng đã tìm được một mảnh đất hình tam giác được tạo bởi hai con đường (…) nằm tại Cổng Chốt,  khu phố 2, nay thuộc phường Cửa Nam (TP Vinh). Sau đó cậu mẹ tôi đã thuê người dỡ ngôi nhà tranh vách nứa ở chợ Tràng về dựng lại. Thợ làm nhà cho cậu mẹ tôi là những người nông dân chất phác ở một xã cửa ngõ thị xã Vinh về phía nam thuộc huyện Hưng Nguyên.

Lúc này mẹ tôi vừa phải nuôi con nhỏ, vừa phải chăm chồng ốm đau lại đang mang thai đứa con thứ hai, nên cuộc sống vô cùng vất vả. Do vậy trong khi dựng lại nhà, số tiền kiếm được chỉ đủ để chi dùng sinh hoạt hàng ngày. Cậu mẹ tôi rất lo lắng, không biết xoay xở đâu ra tiền để trả công cho thợ. Một lần hai vợ chồng than thở với nhau về điều này, không hiểu sao những người thợ kia nghe được. Họ bàn bạc với nhau và một người thợ nói với cậu mẹ tôi đại ý là không nên lo lắng gì cả, miễn sao làm được nhà ở, còn tiền công khi nào có trả sau cũng được.

Cậu mẹ tôi rưng rưng trước tấm chân tình của những người thợ nông dân. Họ cũng rất nghèo, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, nhưng trước hoàn cảnh gian khó của đồng loại, họ đã không ngần ngại sẻ chia, thậm chí còn an ủi động viên để cậu mẹ tôi an tâm vững dạ.

Nhà vừa làm xong, chưa kịp vui mừng thì tai hoạ lại ập tới. Mùa thu năm 1954, một trận bão lớn quét qua thị xã Vinh. Cơn cuồng phong mạnh đến nỗi chính quyền thị xã phải ra thông báo khẩn, kêu gọi người dân tìm nơi tránh bão, đồng thời cho ô tô chạy khắp các nẻo đường để cứu dân. Trong  đám người nhốn nháo hoảng loạn đó có gia đình cậu mẹ tôi. Một tay bế con thơ, một tay dìu người chồng đau ốm, mẹ tôi đã cố gắng bươn bả trong hỗn độn để leo lên một chiếc xe tải và cả gia đình được đưa tới tránh bão tại Nhà thờ Cầu Rầm. Đây là nơi thờ Chúa của bà con giáo dân thuộc giáo xứ Cầu Rầm, được xây dựng từ thời Pháp trên một khuôn viên rộng rãi (nay thuộc phường Cửa Nam – TP Vinh) nằm trên đường Phan Đình Phùng . Khuôn viên gồm nhà thờ với đầy đủ các công trình phụ trợ của một Giáo hạt lâu đời. Nhà thờ Cầu Rầm không chỉ là niềm tự hào của bà con giáo dân ở đây mà còn là niềm tự hào của người dân thị xã Vinh. Tiếng chuông nhà thờ Cầu Rầm thời bấy giờ nay vẫn còn ngân vang trong trái tim, khối óc của những ai sinh ra và lớn lên ở thị xã Vinh, nó lại càng được tôn vinh hơn khi trở thành nơi ẩn náu cho hàng nghìn người dân cả lương lẫn giáo trong trận bão này.

Sau khi bão tan, cuối ngày hôm đó vợ chồng con cái gia đình cậu mẹ tôi lại cùng người dân thị xã dắt díu nhau về nhà. Ngôi nhà tranh tre nứa lá mới dựng của cậu mẹ tôi xiêu vẹo, xác xơ trong phong ba bão táp. Trước uy lực của thiên nhiên, cậu mẹ tôi chỉ biết thở than không biết phải làm cách nào khi trong túi không còn một xu, ngay đến tiền công cho thợ cũng chưa có trả.

Trong lúc bối rối trước cảnh hỗn mang thì những người thợ làm nhà xuất hiện. Cậu mẹ tôi rất lo lắng vì nghĩ rằng họ tìm đến để đòi tiền công. Nhưng không! Những người thợ đã tìm đến gia đình tôi bằng tất cả tấm lòng nhân ái. Biết rằng trận bão thể nào cũng làm ngôi nhà hư hỏng, họ đã đến để tự nguyện dựng lại ngôi nhà và kèm theo đó là những lời động viên chia sẻ. Sau khi ngôi nhà được dựng lại xong, họ lại ra về với lời an ủi cậu mẹ tôi khi nào có tiền thì trả cho họ cũng được. Khi viết tới đây, trong tôi lại rưng rưng một niềm cảm xúc và lòng biết ơn vô hạn đối với những người thợ nông dân thuần phác, vô tư ấy!

Một dịp may đã cứu cậu mẹ tôi thoát khỏi khó khăn sau ngày phục hồi. Đó là vào thời gian này, ở miền Bắc nói chung và thị xã Vinh nói riêng dấy lên phong trào di cư vào Nam của bà con công giáo. Tại thị xã Vinh nhiều bà con cũng nô nức lên đường theo tiếng gọi của Thiên Chúa. Vì thế, vào dịp này, hiệu ảnh Nguyễn Ninh của cậu mẹ tôi nườm nượp khách chụp ảnh. Mẹ tôi kể vào lúc này gần như không còn thời gian để nghỉ, để ăn nữa. Cậu tôi thì chụp ảnh liên tục hết đợt người này đến đợt người khác. Còn mẹ tôi, một tay bế con, một tay ghi hoá đơn, tiền chụp ảnh ấn đầy một chiếc hộp lớn, đến cuối ngày mới có thể đếm để cất đi.

Chắc chắn rằng bây giờ ở nhiều gia đình gốc Vinh và các vùng phụ cận thị xã Vinh hiện đang sống trong và ngoài nước, trong những cuốn album của gia đình họ vẫn còn lưu giữ những bức ảnh đen trắng hoặc tô màu do cậu mẹ tôi chụp, ở góc ảnh có đóng dấu nổi dòng chữ “Photo Nguyễn Ninh”.

Với số tiền kiếm được qua việc chụp ảnh cho đồng bào di cư, cậu mẹ tôi đã cải thiện được phần nào cuộc sống, mua sắm được một số tiện nghi sinh hoạt gia đình và phương tiện hành nghề, ngoài ra có đủ tiền để trả nợ cho những người thợ làm nhà…

Muốn biết cuộc sống của cậu mẹ tôi tiếp diễn ra sao, xem tiếp hồi sau sẽ rõ he he


65 bình luận to “Cuộc phiêu lưu của Mô Tê Răng Rứa – 8”

  1. hl said

    Ua cha trời, răng có cái tem ngon ri hè/

  2. Hà Bắc said

    Em xếp hàng chiều đọc nhé. Chúc anh một tuần mới vui vẻ.

  3. hl said

    đoạn ni hay lắm Mô, thật đấy.
    Người ta nói còm thì k nên nói chỉ hay k phải phân tích ra nhưng mà cũng khó, chỉ biết rằng có nhiều âm thanh: âm thanh của chiến tranh và chiến thắng, của thiên nhiên bão giông, âm thanh của tiếng chuông nahf thờ, âm thanh của đục đẽo, cưa xẻ cho dựng xây, âm thanh của những bước chân hối hả bươn chải với cuộc sống..và âm thanh êm ái nhất của tình người thời gian khó..Đọng lại là hình ảnh bà mẹ vĩ đại của Mô tần tảo dưới ánh đèn dầu lo đan lát, thêu thùa…Người mẹ đó là điểm tựa cho cả gia đình..
    Cám ơn Mô!

    • Cảm ơn lời nhận xét của Linh! Những vấn đề trên Mô đều ghi lại một cách chân thực từ lời kể của bà mẹ Mô. Rất may là nay đã 83 tuổi nhưng cụ vẫn hết sức minh mẫn. Hôm qua cụ còn bảo để hôm nào cụ sẽ kể cho Mô nghe câu chuyện tình của ông bà ngoại Mô, cụ còn nói thêm một câu nữa là “hay lắm”. Không biết hay đến mức mô, để bữa mô Mô nghe cụ kể lại rồi Mô “rỉ tai” cho O và mọi người cùng nghe nhé!

  4. Cún said

    Câu chuyện xúc động lòng người vì thấy mọi người trước đây sống với nhau nhân ái quá.

  5. Small said

    Sao bao ngày chờ đợi được đọc phần tiếp theo, giờ có rồi, hehe. Small sẽ đọc lại lần nữa rồi ý kiến sau. Chúc anh một tuần mới mạnh khỏe và nhiều thành công nhe anh!

  6. Hà Bắc said

    Đúng là phong ba bão táp, cuộc đời của cậu mẹ anh ba chìm bảy nổi nhưng lúc nào cũng có quý nhân phù hộ anh nhỉ.

    • Có lẽ đúng như thế thật Hà Bắc à! Để rồi anh Mô sẽ kể dần dần những trường đoạn cuộc đời tiếp theo nhé!
      Chúc HB một tuần làm việc thật vui, hiệu quả!

  7. Lưu Giao said

    Ua ua ! Té ra Mô dân Cổng Chốt. Đúng ngay ngã năm đó có nhà Thành Diệm, Mô có biết không? Mình cũng dân Cửa Nam nhưng mãi 72 mới lên đó. Trước ở 179 Phan ĐÌnh Phùng nhưng bị Bí thư khu phố 1 chơi đẹp chiếm mất( Gần đối diện với nhà ông Phú Nguyên,lối vào đền Đức Ông),phải lên mua lại trạm y tế Cửa Nam.Nhà mình cùng một cụm với nhà Ngọc chó và ông Tam cắt tóc.Theo như Mô kể thì chắc chắn là hai nhà biết nhau hầy. Hẹn gặp thêm suất ở Vinh nha !

    • hl said

      em nói rùi, ngày xưa có khi đánh khăng chơi chuyền với nhau rùi??

    • Nhà ông bà nội em trước ở 75 Phan Đình Phùng đó anh Giao. Bữa mô anh em mình gặp nhau sẽ nói chuyện nhiều hơn anh nhé!

      • hl said

        Ui chời dân Vinh chính cống hè? ngày xưa bạn em được một anh dân Vinh cưa mà cả thị trấn lác mắt, răng mà hắn oai rứa chơ, răng mà hắn cao xa rứa chơ…

      • hl :

        Ui chời dân Vinh chính cống hè? ngày xưa bạn em được một anh dân Vinh cưa mà cả thị trấn lác mắt, răng mà hắn oai rứa chơ, răng mà hắn cao xa rứa chơ…

        Ừa mà chính Mô cũng không biết tại sao? Không phải một lần mà nhiều lần Mô đi làm việc, người ta hỏi “Anh quê ở mô?” Mô nói Mô quê ở Vinh. “Anh quê ở Vinh thật à?”, Mô gật và nói thêm quê gốc của Mô ở khu phố 2. Rứa là họ chỉ trỏ cho nhau và nói vẻ trân trọng “Này, ông Mô là người Vinh thứ thiệt đó!”. Có lẽ tâm trạng của họ cũng giống như ở “Hà Lội” hiện nay, do nhiều người địa phương khác về ở và làm việc nên khi nghe ai nói mình là người “Hà Lội” gốc là người ta lại mắt tròn mắt dẹt.
        Nhưng mà đối với Mô thì thấy bình thường thôi, vì dân ở địa phương nào cũng con cái của một Bà Mẹ có tên là Việt Nam!

      • hl said

        Thì người Vinh hay chơ răng, ngày xưa Vinh là tỉnh lị của Nghệ Tĩnh mà. tui mơ ước mãi đến năm lớp 10 mới được ra Vinh đó Mô.Cũng là lẽ tự nhiên thôi vì Vinh là thành phố lâu đời và nó k phải là một cái làng như bao làng bình thường khác…Mô chộ bình thường là bởi Mô là người Vinh, chơ tui thì chộ Mô lừng lững sáng rực cả góc trời he hehehe..
        Thôi phải đi muối cà cái đã hôm nay thẳng lợi vẻ vang tự nhiên có bạn cho 2kg cà pháo VN! khổ rứa ro Mô nờ, cà cũng là thứ mơ chứ k phải dễ có mô nha!

      • Mô chộ bình thường là bởi Mô là người Vinh, chơ tui thì chộ Mô lừng lững sáng rực cả góc trời he hehehe..

        Bữa ni bên VN vừa khánh thành tượng đài Thánh Gióng. Coi chừng O mần Mô phổng mũi quá cũng thăng theo Ngài luôn đó hé hé
        Thôi phải đi muối cà cái đã hôm nay thẳng lợi vẻ vang tự nhiên có bạn cho 2kg cà pháo VN! khổ rứa ro Mô nờ, cà cũng là thứ mơ chứ k phải dễ có mô nha!

        Ở bên nớ mà có cà mói thì nói mần chi nữa. Chỉ cần một đọi cà, dịa rau muống lọc, bát nác rau nặn chanh rứa là xơi cả chục đọi cơm là cấy chắc!

      • hl said

        Bựa qua tui mói 2 “vại” cà rùi, bạn nớ gửi cho mớ rau muống cọng nhỏ kiểu VN miềng( rau muống NB mỗi cọng to như là cái ống điếu, lá như lá dong!!), tui xào lên, rùi mua ít tim gan về luộc ăn với rau thơm bạn nớ gửi, chời ơi pha ruốc với tỏi+ớt+dấm+đường lên ngồi chén tì tì hậu quả là bị đau dạ dày huhu đúng là nhiều khi con người ta chết k phải vì chiến tranh lửa đạn mà vì tham!

  8. Trà Hâm Lại said

    Hahaha, Trà Hâm Lại có cái ảnh lúc nhỏ, phải lục lại coi có chữ ” Photo Nguyễn Ninh ” không hè !
    @Mô viết mà cứ tưởng đọc Ngô Tất Tố hay Nam Cao vậy đó ! Pha hơi hướng Tô Hòai ! Nhưng có lẽ thời đó thì cả đất nước chứ không riêng chi Nghệ An.

    • Ua rứa anh Trà cũng người Vinh à?
      Mô nỏ biết mình viết giống ai cả, vì mẹ của Mô kể thế nào thì Mô “thư ký” lại y chang như rứa.

      • Trà Hâm Lại said

        Hihihi, mình sinh ra, lớn lên ở Nghệ An ( Nghĩa đàn ), đến năm lên 6 thì ra hà Nội học lớp 1 và ở HN từ đó đến ngày ra trường ( 1979 ) thì vào Nam công tác và ở lì trong Nam đến giờ.

      • Ua, rứa Nghĩa Đàn thì anh Trà ở mô, thị trấn hay xã mô?
        Mô cũng ở Nghĩa Đàn từ 1968-1978 hồi sơ tán đó anh Trà!
        Ừa, nỏ trách lâu ni có chi như thần giao cách cảm, thấy anh Trà ni có cái chi mà mình cứ thấy gần gần mến mến!

      • Trà Hâm Lại said

        vào năm ấy thì mình đã ở HN rồi. Mình sinh ra tại Nghĩa đàn và chỉ ở đó đến năm lên 6 tuổi thôi. Nghĩa là Năm 1962 là đã ra HN rồi, cả nhà theo Bố mình chuyển công tác từ Nông trường 6/1 ( sau này là nông trường 3/2, không biết nay còn không và tên là gì ? )ra công tác tại Bộ Nông trường ( bây giờ là Bộ NN&PTNT )

      • Giờ người ta vẫn gọi là Nông trường 3/2.
        Thế thì có lẽ mọi hình ảnh ở Nghĩa Đàn hồi đó đã phai mờ trong tâm trí anh Trà rồi nhì?
        Nếu thế thì trong “Cuộc phiêu lưu của moterangrua” những kỳ tới, Mô sẽ tái hiện lại Nghĩa Đàn vào thập kỷ 60-70 cho anh Trà hình dung lại nhé!

      • Trà Hâm Lại said

        Cảm ơn @Mô trước. Mình còn nhớ không nhiều lắm về tuổi thơ trên đất Nghĩa đàn,… chỉ nhớ nhất là lũ trẻ rủ nhau vào rừng ăn cà phê chín ( nông trường cà phê mà ) rồi lạc làm các cô chú đi tìm. Một kỉ niệm nữa là những chiếc xe cứu hỏa chạy vào rừng mỗi khi rừng cháy vào mùa gió lào.
        Và cả khi vào nhà đồng bào dân tộc ăn trái nhót rừng ( xanh và chua ghê lắm ) ….
        Ước gì có một ngày về thăm lại ” chiến trường xưa ” …
        ngày xưa đẹp thật !

      • CÚN said

        moterangrua :
        Ua, rứa Nghĩa Đàn thì anh Trà ở mô, thị trấn hay xã mô?
        Mô cũng ở Nghĩa Đàn từ 1968-1978 hồi sơ tán đó anh Trà!
        Ừa, nỏ trách lâu ni có chi như thần giao cách cảm, thấy anh Trà ni có cái chi mà mình cứ thấy gần gần mến mến!

        Anh Trà ở Hà nội ạ, thảo nào em thấy anh TRà có cái gì gần gần, mến mến!

      • hl said

        Mô nói thì em cũng mới dám nói chứ hóa ra anh Trà sinh ra ở Nghệ-Tĩnh nên em nhìn hình anh Trà cứ thấy quen quenm mến mến!hhi

      • @Cún: Nói nhỏ với Cún là Mô cũng từng sống ở “Hà Lội ba xáu” phố phường 13 lăm có nẻ đấy nhé! Mô trước ở cạnh Văn Miếu đó. Có lẽ rứa nên thấy O Cún ni có cái chi gần gần, mên mến! hi hi

      • hl :

        Mô nói thì em cũng mới dám nói chứ hóa ra anh Trà sinh ra ở Nghệ-Tĩnh nên em nhìn hình anh Trà cứ thấy quen quenm mến mến!hhi

        Rứa là anh Trà đắt sô rồi đó nha!

      • hl said

        tui thấy mọi người ai cũng quen quen, mến mến!

      • Rứa là bốn phương vô sản hay có sản chi cũng đều là anh em cả hí!

  9. Hà Bắc said

    Mô cũng nói với O rùi, đánh khăng thì có thể có, chớ chơi chuyền thì không, vì đàn ông đàn ang ai lại chơi trò đờn bà đó hé hé.

    Rứa thì anh Mô không có giai đoạn trẻ con rồi, bọn em chơi khăng, nhảy dây, bịt mắt bắt dê, chơi chuyền, ăn quan, chơi chạm cột … cả con trai, con gái chơi chung cả có sao đâu. Tự nhiên lại ôn lại thời “con lít” hay thiệt.

    • Là anh Mô nói chơi cho vui thôi! Hồi nhỏ anh Mô chơi đủ thứ từ trò chơi con trai như đánh khăng, đánh đáo, chơi gụ (quay), uýnh nhau…cho đến các trò chơi con gái như đánh chuyền, ô ăn quan…thậm chí đan len nữa…hé hé…thì cứ để anh Mô kể dần dần trong “Cuộc phiêu lưu…” chớ khi mô cũng bắt anh Mô “khai” một lúc tuốt tuồn tuột ra thì còn chi là “phiêu lưu” nữa. Hà Bắc đúng là thật thà như đếm! hé hé

  10. Hà Bắc said

    “…cho đến các trò chơi con gái như đánh chuyền, ô ăn quan…thậm chí đan len nữa…hé hé…”

    Ua Ua! Phục anh Mô đó, biết cả đan len khéo như mẹ anh thế này thì con gái theo mệt lắm. Đúng là mẹ nào con nấy khéo không ai bằng. Bao giờ gặp nhau ta đan thi chiếc găng tay nhé, mỗi người một chiếc nha.

    Thôi em lỏ bắt anh khai ra những cái đang cần bí mựt nựa mô, em lỏ thật thà như đếm nựa mô, anh Mô hài lòng chưa. Khửa khửa.

  11. Small said

    Ở Nghệ An có bị lũ ko anh? quê em- Quảng Bình- lũ khủng khiếp quá! em liên tưởng đến trận lũ năm 1953 ở quê anh mà bố mẹ anh đối mặt.Em vừa viết xong về lũ năm nay ở quê em đó, anh đọc để biết thêm nhé!

  12. Small said

    Tuy viết về gia đình anh Mô nhưng người đọc đều nhìn thấy được đời sống của người dân thời ấy đó anh! đúng là mỗi người cần hành trang cho mình đó là một cái nghề. Khi có cái nghề trong tay rồi thì dù hoàn cảnh nào, sống ở đâu cũng tự bươn chải được, nghề nghiệp là việc mà ai cũng cần phải có, đúng ko anh? mẹ anh có nghề đan len, ba anh có nghề chụp ảnh, khi cơ hội đến cái nghề này sẽ cứu sống được gia đình…

    • Small nói đúng đó, cũng chính nhờ có nghề, nên sau này chiến tranh gia đình anh Mô chạy khắp nơi nhưng nhờ có nghề nên vẫn cầm cự được cho tới ngày trở lại quê hương!

  13. Dạ Thảo said

    Miền Trung mình đang lụt lội dữ quá anh Mô ơi ! Út trong miền Nam cũng xót cái ruột ! Đồng cảm và thương quá miền Trung, anh Mô hén !

  14. CÚN said

    moterangrua :
    Rứa là bốn phương vô sản hay có sản chi cũng đều là anh em cả hí!

    Bác Mô ạ, em với anh Trà, Hà Linh, có nói điều chi không phải mong bác góp ý nhẹ nhàng bỏ qua cho. Chứ bảo lại trù ẻo cả 3 anh em là “vô sản” thì chết toi chứ còn gì. Sự thật là vẫn “có sản… sinh” đó ạ!

  15. domlua said

    a viết ngày một hay hơn đấy. cái cuộc phiêu lưu này nhất định phải chuyển thành kịch bản phim.

  16. Thành said

    Như một thiên cổ tích hòa quyện nước mắt của khổ đau và hạnh phúc viết trên trang giấy tình người!

Gửi phản hồi cho moterangrua Hủy trả lời