Từ nỗi đau của ông, Võ Văn Kiệt
Posted by CU MÔ trên 26.04.2011

Để làm nên chiến thắng 30.4.1975, những người con đất Việt không chỉ hi sinh xương máu. Có những sự hiến dâng không thể đặt tên. Có những nỗi đau không thể nói bằng lời. Và những mất mát, đau thương cũng có hàng ngàn diện mạo…. Trong đó có nỗi đau chia ly của những gia đình phải phân cách cùng dòng sông Bến Hải trong hơn 20 năm. Kể cả khi giang sơn thống nhất rồi thì vết cắt chia ly vẫn chưa hẳn đã được lành lặn. Trong số đó, có những người con tập kết, họ đã vượt lên trên nỗi đau riêng tư để từng bước cùng đất nước hồi sinh và vươn dậy.
…Hôm qua, 15-6 – ( 15 -6 -2008 – bài viết được đăng tải trên Sài gòn Tiếp thị vào dịp Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt mất. Để giữ nguyên tính chân thực của câu chuyện, chúng tôi xin giữ nguyên những chi tiết liên quan tới thời gian trong bài – Bee.net.vn) – ông đã “phục tùng tổ chức” để về yên nghỉ tại nghĩa trang thành phố. Trong thâm tâm, ông muốn tro của mình được rải xuống khúc sông mà hai người con và người vợ yêu quý nhất của ông đã mãi nằm lại đó.
![]() |
Đồng chí Võ Văn Kiệt tại vùng căn cứ U Minh |
Đầu năm 1966, khi người con trai út, Phan Chí Tâm, vừa được sanh ra ít lâu, vợ ông, bà Trần Kim Anh, muốn cho ông biết mặt con, đã bế Tâm và dắt theo cô con gái Phan Thị Ánh Hồng, sinh năm 1958, ra chiến khu thăm chồng. Từ Sài Gòn, bà Tư Cách, một cơ sở của ông dẫn bà Kim Anh đi theo đường sông, lên tới đoạn, bên này là Củ Chi, bên kia là Bến Cát thì chuyến tàu khách của họ bị ném bom. Họ chết mà chưa bao giờ tìm thấy xác.
Đầu năm nay, ông viết, “tôi có cảm giác như vợ và các con đang đợi tôi”. Bác sĩ riêng thời chiến tranh của ông, ông Huỳnh Hoài Nam, kể: “Trong suốt những năm ở trong rừng, ông luôn mang theo một tấm hình và hai bộ đồ của vợ”. Sau ngày 30.4, khi tình hình tạm ổn, ông đã tìm đến khúc sông ấy, đứng nhiều giờ để cố tìm xem, vợ và các con ông đang thực sự yên nghỉ ở đâu. Bác sĩ Nam nói: “Trên đường về, hàng giờ, ông không nói một lời nào cả”.
Sau khi nghe tin mẹ mất, con trai lớn của ông là Võ Dũng, sinh năm 1951, khi ấy đang cùng với em gái, Võ Hiếu Dân, sinh năm 1955, học ở Hà Nội, nằng nặc đòi được vào Nam. Trung ương có điện thoại cho ông. Ông đồng ý. Trong thâm tâm, ông cũng muốn có chút ruột rà máu mủ ở bên mình.
Võ Dũng là một thanh niên ngang bướng, làm lính cơ quan “Khu bộ” thì rất “ngứa chân, ngứa tay”. Dũng nói: “Con đâu phải vào đây để đào hầm cho ba”. Bác sĩ Nam tâm tình: “Dũng, em về đây làm gì?”. Dũng trả lời: “Chiến đấu”. “Em không thấy bọn anh cũng đang chiến đấu sao?”. “Có, nhưng cứ toàn chiến đấu trong xó không à”. Bác sĩ Nam đành phải nói lại với ông Kiệt. Ông đồng ý. Về đơn vị chiến đấu, Võ Dũng nhất quyết đòi phải được bổ vào bộ phận trinh sát. Sáu tháng sau, trong một lần trinh sát một đồn địch nằm trong vùng quê mẹ, Rạch Giá, Võ Dũng hy sinh. Năm ấy, anh chỉ mới vừa tròn 20 tuổi.
Không ai biết được ông đã chịu đựng mất mát ấy như thế nào. Trước ba quân, ông vẫn mạnh mẽ như không có chuyện gì. Nhưng, đêm về, bác sĩ Nam kể, thì nỗi cô độc không thể nào kể xiết. Ông lặng lẽ một mình, kêu bác sĩ Nam, “Cho tao ly chà và”, từ ông dùng để chỉ cà phê đen. Bác sĩ Nam nói: “Tôi đưa cà phê cho ông và biết, lại thêm một đêm ông không ngủ”.
![]() |
Bà Trần Kim Anh |
![]() |
Võ Dũng |
Nhưng, theo bác sĩ Nam, “hình như trời đất vẫn còn ngó tới ông ấy”. Qua năm sau, 1972, Trung ương hội Phụ nữ điện vào báo cho ông là đã tìm được người con trai sinh năm 1952, Phan Thanh Nam. Đây là người con trai mà ông có được trong lần ra Bắc hồi năm 1951. Trở lại miền Nam, ông Võ Văn Kiệt kể: “Tôi nói hết với vợ. Bà ấy nghe, cũng buồn nhưng không trách móc gì. Bà ấy thỉnh thoảng lại nhắc, phải tìm được thằng Nam về”.
Mỗi lần cứ có người ra, ông Võ Văn Kiệt lại nhắn nhờ tìm Phan Thanh Nam. Năm 1972, bà Bảy Huệ, phu nhân của cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, người năm 1959 đưa Võ Dũng và Hiếu Dân ra Bắc và chăm sóc, đã tìm được Nam về cho ông. Ngày cha con gặp nhau, ông đang ở một căn cứ gần kênh Biện Nhị, xã Khánh Lân, Cà Mau. Ông đợi con, lâu lâu lại hỏi: “Nó tới đâu rồi?”. Gặp nhau, bác sĩ Nam kể: “Hai cha con ôm nhau nửa tiếng, không nói một lời, rồi cả hai cùng khóc. Chúng tôi, cũng ra phía sau, ngồi khóc”.
Ông Võ Văn Kiệt kể: “Tôi kể cho Nam về vợ tôi. Nó nghe rồi nói, “con nhận mẹ của Hiếu Dân và anh Dũng làm mẹ”. Tôi cũng nói rõ với Hiếu Dân nhưng chủ yếu là để cho hai đứa hiểu nhau một cách tự nhiên. Tôi rất mừng, giờ tụi nó quý nhau lắm”. Sáng 15-6, khi đọc lời cảm tạ của gia đình, con trai ông, Phan Thanh Nam, đã không quên nhắc đến những người đã khuất: “Chúng con xin cám ơn Má, anh Hai và các em, đã vĩnh viễn ra đi trong cuộc chiến tranh, để lại tình thương yêu vô bờ bến”.
Tôi đã không ít lần gặp chị Võ Hiếu Dân, người con duy nhất còn lại của bà Trần Kim Anh, hy vọng nghe từ chị những ký ức về mẹ mình. Nhưng, chưa bao câu chuyện có thể tiếp tục. Cho tới tận bây giờ, chị Hiếu Dân vẫn không thể nào cầm được nước mắt mỗi khi nhắc về mẹ.
Gần đây, ông đã có rất nhiều nỗ lực giúp đỡ việc tìm lại hài cốt của những người chết trong thời gian học tập cải tạo; gặp gỡ lãnh đạo hai địa phương, Bình Dương và TP.HCM để bàn về vấn đề nghĩa trang của những người lính Sài Gòn cũ. Mấy năm trước, khi cô cháu ngoại mang về cho ông mấy cuộn phim do người Việt ở nước ngoài làm về những thuyền nhân vượt biên trong những năm sau 1975, ông xem, xúc động và có rất nhiều trăn trở.
Khi ông nói, “yêu nước có thể bằng nhiều con đường”, là ông nói bằng chính từ nỗi đau của mình. Không phải ngẫu nhiên mà ông nhấn mạnh: “Tổ quốc là của mình, dân tộc là của mình, Việt Nam là của mình, chứ không phải là của riêng bất cứ tôn giáo hay phe phái nào cả”.
Từ năm 1995, ông đã kiến nghị: “Trên chặng đường mới này của đất nước, hơn bao giờ hết cần giương cao ngọn cờ dân tộc và dân chủ”. Trong buổi làm việc cuối cùng, chiều 23.5, ông nói với tôi về ý định sẽ viết chung một cuốn sách với một người đã từng là quan chức cao cấp trong chế độ Sài Gòn. Ông coi đó như là một biểu tượng của tinh thần hoà giải. Năm 1997, khi vừa nhận chức, trong một cuộc phỏng vấn dành riêng cho tôi, Thủ tướng Phan Văn Khải nói: “Về bản lĩnh chính trị, tôi không thể nào so sánh với đồng chí Võ Văn Kiệt”.
Từng là một nhà lãnh đạo chiến tranh xuất sắc, đúng như lời Thủ tướng Phan Văn Khải, ít ai có thể so sánh bản lĩnh chính trị với ông. Tuy nhiên, bản lĩnh chính trị của Võ Văn Kiệt không phải là những giá trị giáo điều. Chính trị “tối cao” đối với ông là “Dân”. Điều gì có thể đoàn kết mọi người dân Việt Nam. Điều gì có thể nhanh chóng đưa lại cơm no áo ấm cho mọi người Việt Nam là ông chủ trương. Ông Võ Văn Kiệt đề nghị “giương cao ngọn cờ dân tộc” không phải từ một ý tưởng xuất hiện tình cờ.
Ông đúc kết điều đó qua sự trải nghiệm bằng máu của chính ông, của những đứa con, của người vợ mà ông vô cùng yêu dấu.
trà hâm lại said
Tem !
Mô said
Vàng thứ thiệt đó bác 😀
trà hâm lại said
Nói chung chúng ta nên ở xa và không nên biết gì về mấy ngài lãnh đạo, như thế mới có được sự kính trọng cần thiết.
Giống như đá gà, ở ngoài người ta la hét :” gà, chỗ nào cũng gà, cứ đá đi … ”
Nghĩa là chỗ nào cũng là con gà mà thôi, cứ đá vào nó là được, không cần lựa chọn, miễn đá chết đối phương .
Còn về mấy ông ni, ông nào cũng vậy thôi, ông mô cũng đảng viên cộng sản cả, có chỗ mô không cộng sản ?
….
….
Chúng như nhau thôi Mô@ ạ, chẳng thấy mô , tê chi hết !
cuadong2010 said
Nhất trí và đồng thuận với bác Trà!
trà hâm lại said
Đồng thuận cao chứ nhỉ ?
Mô said
Dạ! Nhân cận ngày 30/4 ngày có triệu người vui và cũng có triệu người buồn, nên Mô cũng sưu tầm và post lên đây để mọi người xem và tự suy ngẫm theo quan điểm riêng của mình thôi anh Trà nờ!
ha linh said
Nhân 30-4 tui tưởng nhớ tất cả những người đã ngã xuống! Tui không có phân biệt bên nào hết, cái chết nào cũng là cái chết, nhưng cái chết, những mất mát không đáng có. Gia đình nào có người thân ra đi thì đều đau thương như nhau!
trà hâm lại said
Cho anh hùn với. Những người ngả xuống đều là con dân nước Việt phải không O, họ chân lấm tay bùn quanh năm nghèo khó, côi cút làm ăn,… ai đã gây ra cảnh chia lìa cha mẹ vợ con, ông bà dòng họ ,… thì kẻ đó phải hứng chịu mọi trừng phạt của Tổ tiên lạc Hồng !
Mô said
Nhất trí với anh Trà!
Mô said
Quan điểm của Mô cũng rứa. Dù bên nào ngã xuống thì cũng đều con dân nước Việt hết!
ha linh said
rứa 3 anh em mình đứng mặc niệm nhé!
Mô said
Nghiêm! Mặc niệm..mặc 😀
ha linh said
Có phải một thời khi hô mặc niệm thì mình hô vậy không Mô? buồn cười nhỉ? chắc khác gì: mặc niệm…mặc kệ
Mô said
Hi hi
Hà Bắc said
Hi hi! HB thấy người ta hô: Một phút mặc niệm… bắt đầu chớ @HL và @Mô?
Mô said
Rứa thì hô lại: Một phút mặc niệm bắt đầu….bắt 😀
ha linh said
bắt đầu bắt..bắt ai?
Mô said
hi hi bắt ai cũng được, miễn là cứ bắt đầu…bắt 😀
cú đỉn said
Bài viết hết sức xúc động.Khi mô Mô rảnh, sưu tầm nốt chuyện bà vợ sau của đc Võ Văn Kiệt cho bà con xem nhé.Có lẽ cũng là 1 bài….hay
Mô said
Hi hi…chuyện bà vợ sau không khéo lại “rúng động” chớ không phải là xúc động mô anh Cú nờ!
Choitre said
Chuyện mấy bác tập kết năm 54 có nhiều bác cưới vợ hai đều bị/được khai trừ đảng. Không biết bác Kiệt, bác Thanh … thế nào hở anh Mô?
Mô said
Thì cũng giống như cái vụ Vinacho chừ thôi mừ. Anh nào bắt được thì “cạo”, anh mô không bắt được thì tha 😀
cú đỉn said
quần chúng mà tín nhiệm Mô, cử Mô mần cái chức “trưởng ban bắt được” thì chẳng có đc mô nào thoát..kể cả t…iên đế.
Mô said
Dạ thôi, cho Mô giữ cái chân trưởng…quần là được rùi 😀
levinhhuy said
Điều gì có thể nhanh chóng đưa lại cơm no áo ấm cho mọi người Việt Nam là ông chủ trương.
* * *
Hồi sau giải phóng miền Nam vài bữa, ở gần chợ Biên Hòa có nhà chú cảnh sát ngụy nọ chơi nguyên câu đối đúc xi măng trên tầng một: “Độc lập tự do nhờ ơn Đảng/ Cơm no áo ấm nhớ Bác Hồ”. Ba mươi mấy năm rồi mà em vẫn còn nhớ câu đối ấy vì nó đối quá dở và nịnh quá hay! Mỗi lần đi ngang nhà đó là em thủ cục đá xanh, canh vắng người là ném lên lầu một nhà đó, he he!
Giờ đọc bài này em mới biết mình được cơm no áo ấm thì ngoài bác ra còn phải nhớ thêm chú Sáu; em cảm ơn anh Mô và tác giả bài báo nhiều!
À quên, sau khi chơi đôi vế đối đó lên vài tuần thì chú cảnh sát chủ nhà đi học tập cải tạo, còn câu đối nọ cũng được hạ xuống, tới giờ em vẫn thắc mắc: hổng biết tại sao kỳ vậy ta!
Mô said
Chuyện tay CS “nguỵ” đó mần được một entry đó Ly 😀
Dân cổng chốt said
Sao mọi người lại có những ý kiến như thế với cụ Võ văn Kiệt nhỉ?
Vì sắp đến ngày kỉ niệm 30/4,các báo muốn nhắc đến Cụ,người có câu nói về hòa giải,hòa hợp dân tộc:Kỉ niệm ngày 30/4,”có hàng triệu người vui,nhưng cũng có hàng triệu người buồn”.Để chống chủ nghĩa lý lịch,cụ Kiệt cũng đã nói,đại ý:Không ai chọn cửa để mình sinh ra.Từ hồi còn chống Mỹ,khi cấp trên bảo”hoặc là đ/c chịu làm bí thư,hoặc là nhận kỹ luật nếu không chịu nhận nhiệm vụ”(Do cấp trên muốn thay người bí thư cũ có xuất thân là địa chủ).Ông Kiệt khẳng khái là thà mình nhận kỉ luật,chứ đ/c bí thư Nhơn kia rất tốt,không có saiphạm gì cả.Tôi đọc tình tiết này mà phục cụ Kiệt quá vì cụ nói điều ấy với chính ông Lê Đức Thọ(khi ấy đang hoạt động trong Nam bộ,là cấp trên của ông Kiệt).
Mô said
Cảm ơn anh Dân cổng chốt đã cung cấp thêm những tư liệu quý về TT Võ Văn Kiệt!
Nhân vô thập toàn, nên những ý kiến khác nhau có lẽ cũng bình thường. Điều quan trọng là công lao của Cụ đối với đất nước là đáng trân trọng và ghi nhận anh nhỉ!
levinhhuy said
Em bạo gan xin thưa với anh Dân Cổng Chốt, có gì sái quấy mong anh bảo ban thêm: về phần em thì qua tình tiết khẳng khái thà nhận kỷ luật của Võ Văn Kiệt mà anh đã nêu, em cũng rất phục ông – là phục nhân cách của một cá nhân, chứ không phải khâm phục vị thủ tướng…
Dân cổng chốt said
Tôi thấy nhiều người đánh giá rất cao ông , Thủ tướng Võ Văn Kiệt, mặc dù khi ông nhận trọng trách này,ông đã rất già(1991-1997).Nhiều trí thức nổi tiếng không chỉ khâm phục mà còn tìm thấy ở ông Kiệt sự thân thiên.Chẳng hạn các ông Ngô Viết Thụ,Nguyễn Xuân Oánh,Nguyễn văn Hảo,Chu phạm Ngọc Sơn,Nguyễn Quang A v..v..
“hiện tượng Võ Văn Kiệt”-Ông đã được người ta nhìn nhận như thế.
Vừa có tài,vừa có đức;dược nhân dân yêu mến,tin cậy;được đối phương nể trọng;biết gác nỗi đau của cá nhân mà phụng sự đất nước.Hỏi,có bao người lãnh đạo làm được như ông?
Tôi khâm phục!Tùy bạn thôi.
Small said
Em chỉ có thể nói được 1 câu: bác Kiệt là một lãnh tụ đáng kính của người dân VN!
Mô said
Nhất trí với Small!
À mà mấy hôm vắng em, tưởng là “vỡ bầu” rồi chớ 😀
Khi mô có tin vui nhớ báo liền cho anh Mô với mọi người trong xóm biết với nha!
Small said
Chưa anh ạ! thằng bé có vẻ lì lợm lắm, em vẫn chờ đợi ngày vượt cạn đây. Chắc chắn lúc ấy sẽ báo tin vui cho cả nhà rồi 🙂
Hà Bắc said
Sinh con trai có lẽ phải sang đầu tháng âm lịch em ạ. Con trai sinh về đầu tháng nhiều, con gái sinh về cuối tháng nhiều. Chị thấy các cụ vẫn bảo thể Small à.
Mô said
Hi hi, Small thử cược với HB một phát coi sao. Anh Mô làm trọng tài chia phần thua thắng như trong câu chuyện ngụ ngôn bác gấu chia bánh cho thỏ và sóc 😀
Mô said
Lì rứa chứng tỏ cực thông minh!
Khi mô có tin vui nhớ a lô cho cả xóm liền đó nha!
mamchauson said
Theo miềng con người nhỏ. Dân tộc lớn nhưng nỗi đau mất mát thì không phân biệt lớn nhỏ.
Xin các Bác đừng vì vô tình hay cố ý làm cho nỗi đau hằn khía sâu thêm ạ.
Kính
Mô said
Nhất trí với ý kiến của mamchauson!
Hà Bắc said
Em đọc bài viết này mà cảm động quá, đúng là những mất mát quá lớn anh Mô ạ.
Thủ tướng Võ Văn Kiệt quả là người đáng kính anh Mô nhỉ?
Mô said
Đúng vậy! Trong cuộc chiến tranh này, mất mát đau thương quá lớn, mà gia đình TT Võ là một trong muôn vàn ví dụ HB ạ!
Dạ Thảo said
Chúng ta dành một khoảnh khắc để tưởng nhớ những người đã khuất. Chiến tranh đã lùi xa, mọi người đang góp sức vào công cuộc hiện đại hóa nước nhà. Mong là những con sâu rồi sẽ chết bớt để nồi canh được xanh trong, mong là con người Việt Nam biết nhún nhường một chút để lấy đà bật cao hơn, xa hơn, ngang tầm với bạn bè Quốc tế!
Mô said
Nhứt trí cái rụp với Út!
huongbuoi said
niềm tự hào cho thế hệ sau. thế nhưng đáng buồn cho những gì của hiện tại.
Mô said
Đúng là buồn hè!