MÔ TÊ RĂNG RỨA

Là nơi cung cấp nước chè xanh và kẹo cu đơ

KHÔNG CÒN GÌ ĐỂ NÓI (Truyện phim)

Posted by CU MÔ trên 21.09.2010

Truyện phim “KHÔNG CÒN GÌ ĐỂ NÓI” được Moterangrua viết theo gợi ý của NSND Khải Hưng, nguyên Giám đốc Trung tâm sản xuất phim Truyền hình Việt Nam. Sau đó truyện đã được NSND Khải Hưng dựng thành bộ phim cùng tên và đoạt giải Vàng trong liên hoan phim năm 2002.

(6)

Một cảnh trong phim Không còn gì để nói

Chiếc xe chở ông Cường vẫn chạy với tốc độ trung bình trên phố. Khanh vẫn tỏ ra chỉn chu, nhẫn nại điều khiển vô lăng, nhưng ánh mắt của anh ta thỉnh thoảng vẫn liếc vào chiếc gương treo ở nóc xe để quan sát thái độ của ông Cường.

Vẫn với nét mặt trầm tư nghĩ ngợi, ông Cường ngắm nhìn khuôn mặt trông nghiêng của Khanh, trong ông những lời tự sự lại vang lên:

-“Kể cũng lạ…cái cậu Khanh này…từ bao năm nay làm lái xe…khi ta đang là trưởng phòng kế hoạch, cậu ta đã cầm lái…ta lên phó giám đốc…vẫn thế, rồi ta làm giám đốc…cậu ta vẫn thế…chỉ có thay xe, còn vị trí chiếc ghế thì vẫn giữ nguyên…đôi tay cậu ta thì vẫn đặt lên vô lăng ấy… cần số ấy…còn ta…thay chiếc ghế này, để chuyển lên ngồi chiếc ghế kia…thay đổi…thay đổi…thay đổi…để rồi hôm nay là thứ tư, ngày mai là thứ năm…ngày kia là thứ sáu…”

Chiếc xe vẫn đều đều chạy. Khanh liếc nhìn vào chiếc gương phản chiếu gắn trên nóc xe, và thầm nghĩ một cách thích thú:

-“Ông đang nghĩ gì đấy ông bợm già ? Ông lo sợ chứ gì ? Sợ quá đi chứ…Tôi còn lạ gì nữa…hôm nay ông là thủ trưởng của tôi…ngày mai…có thể ông vẫn là thủ trưởng của tôi…nhưng ngày kia thì…quên đi nhé…ông đi đường ông, tôi đi đường tôi. Biết đâu có dịp gặp lại…ông chả lại phải cung kính chào tôi. Chà…đến lúc đó…tôi phải gọi ông là cái gì nhỉ…thủ trưởng à…quên đi ! Gọi là chú à…cũng không ổn…thôi thì tôi sẽ vẫn gọi là ông…nhưng phải kèm theo tên cho tôi đỡ bị xúc phạm…tôi sẽ gọi ông là ông Cường…phải rồi…ông Cường…không thủ trưởng, không chú cháu…không gì gì hết…”

Nghĩ tới đây, nét mặt Khanh thể hiện một thái độ như là sự mỉa mai, như là sự chế diễu…nhưng bất chợt, anh ta nhìn thấy ánh mắt của ông Cường đang nhìn mình trong gương, nét mặt của Khanh lại dịu xuống, trở về với thái độ thường ngày, ngoan ngoãn, chỉn chu…

-“Tôi thèm vị trí của cậu đấy, anh bạn trẻ ạ ! – Tự sự trong ông Cường lại vang lên – Suy cho cùng…cậu hơn tôi nhiều lắm…Trước tôi, có thể cậu phải nhún nhường chịu đựng, vì tôi là thủ trưởng của cậu…Cậu phải thực hiện bất kỳ điều gì tôi muốn, phải chấp hành bất kỳ việc gì khi tôi ra lệnh cho cậu… ly cà phê đắng như thế, mà cậu còn phải nhắm mắt để uống nữa là…kể như sáng nay cũng vậy…lẽ ra vào giờ này, tôi đã uống xong cà phê lúc bảy giờ ba mươi phút, không sai một phút, không lệch một giây và cậu đưa tôi về công ty làm việc lúc tám giờ, hoặc đi bất kỳ nơi nào tôi muốn…nhưng tôi chưa muốn về, và cậu phải đưa tôi đi…còn ngày mai…ngày mai…cậu vẫn là một lái xe nhẫn nại, nhún nhường và chấp hành những gì thủ trưởng của cậu muốn…còn tôi…ngày mai…hay ngày kia…cậu vẫn là cậu…người ta vẫn gọi cậu là lái xe, là bác tài…chà, bác tài…cái tên gọi mới trang trọng làm sao, hay vui hơn, người ta gọi cậu là “cán bộ đường lối”…còn tôi…người ta sẽ gọi tôi là gì nhỉ…là…bác tù à ? Dứt khoát là không thể rồi…là anh tù à ? Cũng không ổn…đúng rồi…người ta sẽ gọi tôi là thằng tù…như  cách gọi xưa nay thường dành cho những kẻ phạm tội…Lúc đó, người ta sẽ gọi tôi bằng một cái tên cộc lốc, hoặc là một bằng một dãy số dài dằng dặc 4830 hay 4038 gì đó…nói chuyện với ai, tôi sẽ phải tự  xưng là “con” hay là “em”…biết đâu…lúc đó gặp cậu, tôi cũng phải xưng hô như thế…nhưng dù sao thì hôm nay vẫn là thứ tư…ngày mai… là thứ năm…còn ngày kia mới là thứ sáu…”

Chiếc xe chở ông Cường dừng lại trước trụ sở một cơ quan. Ông bước xuống xe rồi đi vào…Khanh ngồi lại trên xe, ngả lưng ghế xuống khoan khoái nhìn theo ông Cường đang ủ rũ leo từng bước một lên các bậc tam cấp, lưng ông còng xuống, đầu cúi gằm…cứ thế, ông bước từng bước một…

*

*               *

Phó Giám đốc Doanh ngồi ở ghế trước bàn làm việc của mình, anh ta đang nói chuyện với vị lãnh đạo của Bộ ở bên kia đầu dây. Nét mặt anh ta rất phấn khởi, tươi rói nhưng xu nịnh:

-Thế ạ..thế ạ…lúc nãy ông ta có tìm đến anh, nhưng anh từ chối không tiếp à…anh cho người nói là đã bay sang Pháp rồi à…chà…anh đúng là Gia Cát thời nay đấy…à không…đời nào em lại đi nói chuyện này với ai…

Trong khi Doanh đang nói tới đây, thì có tiếng gõ cửa rụt rè, rồi cánh cửa mở, Công ló mặt định bước vào, nhưng Doanh hơi khẽ nhăn mặt, tay xua xua…Công hiểu ý thụt trở ra, rồi khép chặt cửa lại. Doanh vẫn bằng giọng nói lễ độ và vẻ mặt xu nịnh nói với người ở đầu dây bên kia:

-Dạ…thế khi nào thì có quyết định bổ nhiệm hở anh ? Em nghe bảo…trên còn cử người về thăm dò, lấy ý kiến tín nhiệm của cán bộ công nhân viên công ty phải không ạ?

-Hình thức thôi…cho nó đủ thủ tục ấy mà. Chủ yếu là do bọn mình quyết định chứ…Tiếng vị lãnh đạo từ đầu dây bên kia – Ban đầu cũng có ý kiến định điều động người ở nơi khác về…nhưng mình đứng ra giới thiệu cậu, nên không ai có ý kiến gì nữa…

-Dạ..em cảm ơn anh !

-Này…khoan đã nói với ai đấy nhé…để chờ xử lý xong tay Cường đã…nói ra sớm, tạo tâm lý hoang mang trong công ty là không được đâu đấy…

-Dạ…em hiểu…em hiểu chứ ạ ! Nhưng cũng mong anh xúc tiến, để công ty sớm ổn định tổ chức ạ !

-Ừ…cũng ngày mai, ngày kia thôi…không lâu nữa đâu. Thế nhé !

-Dạ vâng ạ ! Em cảm ơn anh ! Em chào anh !

Doanh buông điện thoại xuống, thở phì một cái tỏ vẻ khoan khoái, nét mặt anh ta biểu lộ thái độ của một kẻ bề trên, rồi anh cất cao giọng:

-Vào đi !

Nghe tiếng Doanh, Công lập tức xoay tay nắm, rụt rè đẩy cửa bước vào:

-Anh hỏi em ?

-Ừ ! Ngồi đi…Doanh ngả người về sau, chờ cho Công ngồi xuống ghế xong, mới hỏi:

-Thế nào ? Cậu nghe ngóng ra sao ?

-Dạ…em thấy mọi người có vẻ thương giám đốc…à…ông Cường lắm ạ ! Ai cũng bảo xưa nay ông ấy sống đạo đức, biết thương công nhân…

-Biết rồi…Doanh cau mày ngắt lời Công – Việc công an bắt thằng Quýnh và tin ông Cường mất chức…người ta nói sao ?

-Thì…người nói thế này, kẻ nói thế nọ…người ta đang bàn nhau quyên góp tiền để giảm tội cho họ…

Doanh nhếch mép:

-Hừ ! Có giảm gì thì cũng không thoát khỏi tù tội…Đến nước này rồi thì có mà trời đỡ…thế anh em người ta có nói gì về tôi không ?

-Dạ…họ phán đoán…Phó giám đốc sẽ trở thành giám đốc ạ !

Doanh nghe Công nói vậy, nở một nụ cười thoả mãn:

-Từ nay trở đi…tôi giao cho cậu phải bám sát mọi người, nhất là…mấy đứa ở phòng Sản xuất kinh doanh…chỗ tay Quang, tay Trung, với cái Lý…nghe chưa ?

-Dạ…

Doanh nhìn Công với cái nhìn đầy hứa hẹn:

-Cố gắng giúp anh đi…rồi cậu cũng có phần đấy…Tôi mà lên, thì cái ghế này dành cho ai hả…Doanh chỉ chỉ vào chỗ mình ngồi. Cả hai người cùng cười mãn nguyện.

-Dạ…em đi ạ ! Công cóm róm nói, rồi rụt rè đi ra, đóng cửa phòng lại.

Chờ Công đi khuất, Doanh bấm điện thoại gọi cho lái xe Khanh…

*

*               *

Trong Văn phòng cơ quan Bộ, ông Cường đứng lặng lẽ, với vẻ mặt nhẫn nại chờ đợi. Trong khi đó người cán bộ văn phòng một tay cầm tấm danh thiếp của ông, một tay cầm điện thoại nói chuyện với vị lãnh đạo:

-Dạ…vâng ạ ! Thưa anh…thế khi nào thì tiếp anh Cường được ạ ? Không hẹn trước được à ? Có thể là tuần sau à…Vâng…vâng…em nói lại ngay…Nói tới đây, người cán bộ văn phòng gác máy và quay sang nói với ông Cường bằng giọng cảm thông – Thế này anh Cường ạ ! Hôm nay đồng chí ấy bận một công việc hết sức quan trọng, nên không thể tiếp anh được. Anh thông cảm…có lẽ…để tuần sau…khi nào đồng chí ấy giải quyết xong công việc, tôi sẽ gọi điện mời anh…

Nghe người cán bộ văn phòng nói vậy, ông Cường lặng lẽ lấy lại tấm danh thiếp trong tay anh ta, rồi lầm lũi quay đi. Người cán bộ văn phòng thấy vậy, ngạc nhiên gọi lại:

-Ơ ! Anh phải để danh thiếp lại, tôi mới biết số máy mà gọi chứ…

-“Không cần nữa đâu …Những lời tự sự của ông Cường lại vang lên, khi ông nặng nhọc bước từng bước xuống bậc tam cấp – hôm nay là thứ tư…ngày mai là thứ năm…ngày kia là thứ sáu…lúc đó tấm danh thiếp ghi đầy đủ tên tuổi, chức danh, với những dãy số điện thoại bàn, điện thoại di động, số fax của tôi nào có giá trị gì nữa…Sao anh lại từ chối tiếp tôi…sao anh lại nỡ quay lưng khi tôi lâm nạn…”

Trong ông chợt hiện lên hình ảnh trong một bữa tiệc sang trọng, vị lãnh đạo nọ một tay khoác vai ông, một tay cụng ly rượu với ông, nét mặt ông ta hết sức thân thiết, và lời nói của ông ta cũng rất đỗi thân tình “…Nào, tôi với ông uống cạn ly này…kể từ nay… sinh cùng sinh, tử cùng tử…hả ! Hà…hà…hà…”.

Nhớ lại tới đây, nét mặt ông Cường nhăn lại bởi một nỗi đau đớn tuyệt vọng… “Cũng vì tin lời anh, nên bao năm nay, tôi đã không tiếc tiền của, công sức để xây đắp cho tình cảm này. Những lúc đó, anh đối xử với tôi thật thân ái, chân tình…Vậy mà…sao bây giờ anh lại không sinh tử cùng tôi…anh hẹn tôi tuần sau mới gặp ư…chính anh cũng thừa biết rằng…nếu không có sự giúp đỡ, cưu mang của anh ngày hôm nay…thì tôi làm gì còn cái tuần sau ấy nữa…”. Bước chân ông Cường loạng choạng, ông phải cố vịn vào trụ cổng cho khỏi ngã…định thần một lúc, ông mới lảo đảo tiếp tục bước về phía chiếc xe đang đợi.

*

*        *

Chiếc xe ô tô vẫn nổ máy, rung nhẹ. Khanh vẫn nửa nằm, nửa ngồi trong xe, hay tay vòng ra sau, tai lắng nghe một bản nhạc điên loạn xập xình từ chiếc máy cát sét gắn trong xe, vừa nghe anh ta vừa dẫm chân đánh nhịp, mắt lim dim khoái trá hướng về phía ông Cường đang nặng nhọc lần từng bậc tam cấp đi xuống. Mọi cử chỉ hành vi của ông Cường đều không lọt qua khe mắt nhắm hờ của Khanh, kể cả lúc ông Cường lảo đảo suýt ngã, nhưng nét mặt anh ta vẫn thản nhiên, thậm chí còn khoái trá…chợt có tiếng chuông điện thoại di động réo…Khanh vội mở máy, nhìn vào bảng hiện số thấy dòng chữ: DOANH – PGĐ, anh ta càu nhàu:

-Cái đếch gì đây không biết ? Tuy nói vậy, nhưng anh ta vẫn bấm nút OK và lắng tai nghe, nói với vẻ thờ ơ – A lô …vâng…Khanh đây…à…anh Doanh đấy à…gì thế…

Tiếng Doanh:

-Cậu đang ở đâu đấy ?

-Dạ…em đang đưa giám đốc đi công việc…Khanh trả lời, và liếc mắt nhìn về phía ông Cường đang dò dẫm từng bậc tam cấp đi xuống…

-Công việc cái gì mà nhạc nhặng xị lên thế ? Đang hát à ? Tiếng Doanh có vẻ gắt gỏng.

-Đâu…em đang ngồi chờ, mở nhạc nghe cho vui ấy mà !

-Cậu đánh xe về cơ quan ngay…tôi đang có việc gấp, cần đi bây giờ…

-ấy…không được…thế còn giám đốc thì sao ạ ?

-Giám…giám cái gì…ông ấy đi bằng gì mà chả được…

-Sao anh lại nói thế…để ông ấy đuổi việc em đi à ?

-Đuổi là đuổi thế nào…tôi không đuổi việc cậu thì thôi chứ ai dám đuổi. Nói cho cậu biết, ông ấy mất chức rồi…à quên…ông ấy sắp bị cách chức rồi, chỉ vài ba ngày nữa thôi…cậu có chấp hành lệnh tôi không hả ?

-Dạ…Nhưng dù sao bây giờ ông ấy vẫn…Chợt Khanh thay đổi thái độ một cách nhanh chóng…Dạ…em làm gì dám cưỡng lại lệnh của thủ trưởng. Vâng ! Em đánh xe về ngay bây giờ đây ạ…Nói tới đây, Khanh liếc mắt nhìn về phía ông Cường một cách ranh mãnh…Nhưng …mà anh ơi…ông ấy đi ra rồi kìa…em phải làm sao bây giờ…Hay là…em cứ mặc ông ấy nhé…

Phía bên kia, Doanh ngập ngừng một lát, rồi nói:

-Lão ra rồi à…hừm…thôi được…cứ để cho lão dùng xe…thế nhé…

Khanh cho điện thoại vào túi, lắc đầu nói vẻ chán chường nhưng đầy sự căm ghét:

-Hừ ! Chịu các bố ! Được mỗi cái xe…bố nào cũng muốn dành đi…sao không mua lấy vài chục cái, phát cho mỗi bố vài ba cái, đi cho sướng…

Thấy ông Cường đi tới gần xe , Khanh vội tắt nhạc, lấy chiếc chổi lông quét lia lịa chỗ ghế lát nữa ông Cường sẽ ngồi. Soạn lại bộ mặt ngoan ngoãn, chỉn chu rồi chui ra khỏi xe mở cửa cho ông Cường. Với dáng điệu mệt mỏi, ông Cường ngồi vào xe, lấy khăn tay lau từng những giọt mồ hôi lăn dài trên khuôn mặt ủ rũ, buồn rầu. Khanh liếc mắt nhìn thấy tất cả, nhưng không nói gì. anh ta chui vào xe đóng cửa lại:

-Trời nóng, nên cháu vẫn nổ máy cho mát xe…chú ngồi đỡ mệt…Khanh nói bâng quơ rồi tháo băng nhạc anh ta vừa nghe lúc nãy, thay bằng một băng nhạc khác, rồi ấn nút. Ngay lập tức, chiếc xe được bao trùm bởi một làn điệu dân ca ngọt ngào: “Bèo dạt mây trôi…chốn xa xôi…anh ơi…em vẫn đợi…í ơ…vẫn chờ…” Chiếc xe rùng mình, rồi chuyển bánh hoà vào dòng đời đang ngược xuôi trên phố.

Ông Cường hơi ngả về phía sau, hình như bài hát đã làm cho nỗi lòng ông dịu lại đôi chút, ông lim dim mắt lắng nghe: “…Mây ư ừ ư trôi…” Tiếng tự sự trong ông lại vang lên:

-“Bài hát này…ta đã nghe bao lần rồi nhỉ…một trăm lần…hay một ngàn lần ? Cứ lần nào ta lên xe ngồi, là cậu Khanh lại mở cho ta nghe, không cần phải nhắc…dường như điều đó đã trở thành một thói quen bất biến…ừ nhỉ…ngoài li cà phê ra, băng nhạc này cũng gắn bó với ta và từ bao giờ biến ta thành tín đồ của âm nhạc…Người mộ đạo thì cầu kinh, còn ta mê đắm những làn điệu dân ca này…nên mỗi lần lên xe, cậu Khanh lại mở…ta đã nghe bao lần rồi nhỉ…Làm sao mà nhớ được…cũng như biết bao nhiêu biến cố xảy ra trong đời…ta làm sao mà nhớ hết được…Nhưng…ngày mai…ngày kia…ta có còn được nghe những làn điệu dân ca trong chiếc xe này nữa không ? Bởi lẽ…hôm nay là thứ tư…ngày mai là thứ năm…ôi chao…lời bài hát sao mà da diết thế…”

Chiếc xe vẫn chạy với tốc độ trung bình, và lời bài hát vẫn vang lên: “…Dù đi xa có nhớ…là nhớ…”

(Còn nữa)

16 bình luận to “KHÔNG CÒN GÌ ĐỂ NÓI (Truyện phim)”

  1. Tem mới nì.

  2. “Sông sâu còn có kẻ dò. Lòng người nham hiểm ai đo cho cùng”. Sống sao cho có đức nhân. Trách ông Cường một, trách quân thần kia hai. Lúc đang đương chức phát tài. Lắm lời xu nịnh bùi tai khó lường. Trời cao xanh có tỏ tường, chi bằng ta hãy tự thương lấy mình… hehe

    • Rứa đo rứa đo, các quan mà cứ nghe lời xu nịnh thì sẽ đến lúc phải trả giá rứa đo!
      Ừa, mà Hà Bắc dạo ni thức thơ, ngủ thơ, ăn thơ hay răng mà khi mô cũng có thể mần ra thơ rứa hè? Bái phục, bái phục!

  3. hl said

    Nói chung các ổng mà chủ quan nghe nịnh thì chít thôi! không phải hả hê cho các ông nhưng mà bỗng nhiên được đặt vào một vị trí nào đó, rồi cứ bị đẩy tít lên cao, cao quá không nhận ra những giá trị chân thực nữa…rồi…” không còn gì để nói”…

  4. Hà Bắc said

    Rứa đo rứa đo, các quan mà cứ nghe lời xu nịnh thì sẽ đến lúc phải trả giá rứa đo!
    Ừa, mà Hà Bắc dạo ni thức thơ, ngủ thơ, ăn thơ hay răng mà khi mô cũng có thể mần ra thơ rứa hè? Bái phục, bái phục!

    Trời! Anh làm em cười ngất. Em đâu được thức thơ, ăn thơ, ngủ thơ mà còn bao nhiêu việc ấy chứ, nhưng quả thực từ hôm mò vào nhà anh thấy vui nên bây giờ ngày nào cũng phải lướt mấy vòng vòng cho khỏi nhớ. Trước đây em viết thư cho bạn cũng bằng thơ, em trả lời lời tỏ tình của họ cũng … bằng thơ, bởi vậy nó thành thói quen mất rồi. Thơ thì nỏ hay nhưng mà cứ hay thơ. Chỉ tiếc rằng những lá thư đó không lưu lại nên lâu ngày không còn nhớ nữa. Rứa đo. Anh thông củm đừng cười nha.

  5. Hà Bắc said

    R­ứa thì em phải cảm ơn mọi người đã ưu ái em rồi. Hahaha

  6. Hà Bắc said

    Rứa mà O nỏ bày cho Mô chọn cuộc sống nớ với. Chừ Mô cũng thấy chán ngắt cái nghề ký giả mà nỏ được ký thật ni.

    Anh là ký thật đó chớ, nếu ký giả thì phải viết chuyện giả chứ em đọc chuyện của anh viết em thấy anh toàn viết những câu chuyện y chang ngoài đời rứa thì mần răng mà giả được.

Bình luận về bài viết này