MÔ TÊ RĂNG RỨA

Là nơi cung cấp nước chè xanh và kẹo cu đơ

KHÔNG CÒN GÌ ĐỂ NÓI (Truyện phim)

Posted by CU MÔ trên 26.09.2010


Truyện phim “KHÔNG CÒN GÌ ĐỂ NÓI” được Moterangrua viết theo gợi ý của NSND Khải Hưng, nguyên Giám đốc Trung tâm sản xuất phim Truyền hình Việt Nam. Sau đó truyện đã được NSND Khải Hưng dựng thành bộ phim cùng tên và đoạt giải Vàng trong liên hoan phim năm 2002.

(8)

Một cảnh trong phim Không còn gì để nói

Trong phong sản xuấtkinh doanh, Cúc đang rấm rứt khóc. Trên bàn, chiếc bảng ghi chức danh “ Hoàng thị Cúc – Trưởng phòng SXKD” không rõ vô tình hay cố ý nằm chỏng chơ. Bên cạnh đó là tờ quyết định đề bạt “Đồng chí Trần Trung Công chức vụ: Thư ký. Nay được giữ chức trưởng phòng SXKD, thay thế đồng chí Hoàng Thị Cúc nghỉ chế độ”.  Mấy nữ thanh niên ban nãy đang hồ hởi nghe Cúc kể chuyện kế toán Quýnh bị công an bắt, bây giờ lảng ra ngồi ở phía xa…người cắn móng tay, người vờ hí húi làm một việc gì đó. Nhưng thỉnh thoảng họ lại lấm lét liếc mắt nhìn về phía Cúc.

Người phụ nữ ban nãy cãi nhau với Cúc, nét mặt có vẻ hả hê. Chị ta liếc nhìn về phía Cúc, rồi nói bâng quơ:

-Cười người chớ khá cười lâu…cười người hôm trước…hôm sau người cười…

Cúc nghe vậy, ngoái lại nhìn chị này bằng một ánh mắt căm phẫn, nhưng không nói gì, chỉ lấy giấy xì mũi rột roẹt. Người đàn ông lúc nãy mắng hai người cãi nhau, nghe chị kia nói vậy, liền lớn tiếng:

-Im đi…rồi cũng đến lượt nhà cô đấy…

Chị phụ nữ kia bị mắng, nhưng không dám cãi, chỉ “hứ” một tiếng rồi ngúng nguẩy nhìn đi nơi khác. Người đàn ông rót một cốc nước đưa đến cho Cúc:

-Em uống nước đi !

Cúc nhìn ông ta với ánh mắt biết ơn, rồi đỡ cốc nước:

-Em xin…

-Thôi…chuyện đã thế, có khóc cũng vô ích thôi em ạ ! Ai rồi cũng đến lúc phải nghỉ thôi mà.  Anh đây này, năm nay mới năm tám, còn hai năm nữa mới nghỉ, nhưng họ cho nghỉ lúc nào cũng nên, ai biết được…

-Nhưng em không ngờ thằng Công nó lại trở mặt với em như thế…Cúc ấm ức nói..Tháng trước nó còn ngọt nhạt với em, bảo là sẽ nói giúp cho em sang năm mới nghỉ…để em làm xong cái nhà đã…thế mà bây giờ…đùng một cái…em nghỉ rồi, là cái chất gì nữa…nhà cửa đang dở dang thế…bây giờ đi xin, ai lại cho cái kẻ đã nghỉ hưu…

-Chịu khó thôi em ạ…người đàn ông vỗ về.

-Thật không ngờ nó xử tệ với em như thế…Cúc vẫn tiếp tục ấm ức…chính em là người xin cho nó về phòng sản xuất kinh doanh này để dìu dắt nó, rồi cũng chính em…nói với ông Cường cho nó làm thư ký giám đốc…đời nó được như hôm nay, cũng là nhờ em…thế mà…hư…hư…hư…

-Đời nó thế đấy em ạ ! Thôi…can đảm lên…đừng khóc nữa…Người đàn ông động viên Cúc. Nhưng trông nét mặt và giọng nói của ông thấy buồn…thật buồn…

*

*        *

Bà Trâm ngồi sau một chiếc xe ôm, nét mặt bà trông buồn rầu, lặng lẽ…cứ chạy được một quãng, bà lại bảo lái xe dừng lại để hỏi thăm. Theo tay của những người chỉ đường, một lát sau bà dừng lại trước nhà Phương ( nhân viên tiếp thị, bồ nhí của ông Cường, chồng bà ). Trả tiền cho người xe ôm xong, bà tần ngần đứng trước cổng ngôi nhà. ánh mắt bà thể hiện một cái gì đó vừa thôi thúc, vừa do dự, vừa kiên quyết lại vừa rụt rè…Sau vài lần đắn đo, bà mím môi đưa tay lên nút chuông ở cổng nhấn mạnh. Sau vài ba lần nhấn chuông, người giúp việc của Phương đi ra. Bà ta nhìn bà Trâm với ánh mắt dò hỏi xét nét:

-Thưa…bà hỏi ai ?

-Chị cho tôi hỏi…đây có phải là nhà cô Phương làm ở công ty tiếp thị không ạ ?

-Thưa phải ! Bà là…

-Tôi có một món hàng…muốn đến nhờ cô Phương môi giới giúp…ư

Bà Trâm nói với vẻ mặt và giọng nói thuyết phục để gây lòng tin với người giúp việc của Phương. Nhìn cách ăn mặc đàng hoàng của bà Trâm, nhất là nhìn khuôn mặt phúc hậu, hiền lành của bà, người giúp việc không một mảy may nghi ngờ. Chị ta liền vội vàng mở cổng:

-Mời bà vào…

Bà Trâm đi theo người giúp việc vào phòng khách. Sau khi rót nước mời bà, người giúp việc nói:

-Bà xơi nước…đợi một lát, tôi đi báo cô chủ…

Nói đoạn, người giúp việc đi lên cầu thang…Trong khi chờ đợi, bà Trâm tranh thủ quan sát ngôi nhà. Đó là một căn nhà hai tầng lầu. Phòng ngoài tầng dưới dùng làm nơi tiếp khách, bày biện một bộ bàn ghế xa lông bọc da, một bộ nghe nhìn hiện đại, những bức tranh phong cảnh hoạ theo lối cổ. Phía sau là phòng bếp ăn. Tầng hai dùng làm nơi nghỉ ngơi…Nói chung ngôi nhà và những vật dụng bày biện trong phòng nói lên một điều gia chủ còn sống độc thân, chưa có gia đình, con cái…

Phòng ngủ trên tầng lầu: Phương đang thay bộ đồ làm việc bằng trang phục ở nhà, cô tháo bỏ những trang sức trên người xuống và thay quần áo. Tiếng đồng hồ thong thả điểm 12 tiếng, cô nhìn lên đồng hồ rồi nhìn xuống bàn trang điểm, ở đó có đặt một bức ảnh bán thân lồng khung kính của ông Cường…Cô cầm tấm ảnh lên xem, rồi khẽ thở dài đặt xuống.

Người giúp việc đứng ở cửa phòng ngủ, nói vào:

-Thưa…cô có khách !

-Ai vậy, chị Hảo ?

-Bà ấy nói muốn nhờ cô môi giới bán hộ cho một món hàng…

-Được rồi…bảo bà ấy, tôi xuống ngay…

Lát sau, Phương từ trên tầng lầu đi xuống. Trông thấy cô, bà Trâm thầm nghĩ:

-“Cô ta trẻ trung, xinh đẹp quá…chả trách mà ông ấy không muốn về nhà…nhưng dù sao ông ấy vẫn là chồng ta…ta yêu ông ấy…ta phải dành lại bằng được ông ấy…”

Nghĩ tới đây, bà Trâm hơi nhổm người dậy, ánh mắt bà phóng thẳng về phía Phương với một cái nhìn quyết liệt:

-Chào cô ! Phương vẫn vô tư không biết điều gì, hồn nhiên chào khách. Rồi cô ngồi xuống chiếc ghế đối diện với bà Trâm – Cô uống nước đi…xin lỗi…cô tìm gặp cháu có việc gì ?

-Cô là cô Phương ?

-Phải ! Thì sao ạ ? Phương mở to mắt ngạc nhiên.

Bà Trâm suy nghĩ giây lát, rồi nhìn thẳng vào mắt Phương, nói với giọng căm uất:

-Tôi…đến đây để gặp cô và nói cho cô biết, tôi là vợ của ông Cường…

-Trời…vậy ra là…

Phương bị bất ngờ quá đỗi. Cô mở to mắt, há hốc miệng…giây lát sau định thần lại, nhìn thấy vẻ mặt và ánh mắt của bà Trâm, Phương sực tỉnh, từ chỗ ngạc nhiên chuyển sang nỗi sợ hãi, cô nhổm người dậy, mắt dáo dác như muốn tìm kiếm sự cầu cứu, trốn chạy. Bà Trâm thấy vậy, đưa tay ngăn lại:

-Cô đừng trốn chạy vô ích…cũng cần để nói cho cô biết…tôi không thèm đánh ghen cô đâu…Bà Trâm dằn lòng nói – Dù có đánh cô, cắt tóc cô, xé nát quần áo cô hay tạt a xít huỷ hoại thân thể cô…thì tôi cũng chẳng lấy lại được những gì mà chồng tôi đã đánh mất…nhưng tôi căm thù cô…

Nghe bà Trâm nói vậy, Phương chỉ biết ngồi há hốc miệng lắng nghe. Vì quá xúc động bà Trâm nghẹn lại, hai tay bà vuốt ngực, run rẩy…

-Cô chỉ bằng tuổi con tôi thôi…cô là bạn học cũ của thằng con tôi có phải không ? Vậy…sao cô lại phá hoại gia đình tôi…sao cô lại cướp mất chồng tôi…

-Thưa cô…cháu…Phương nghẹn ngào nói…Nhưng bà Trâm đưa tay ngăn lại, bà nói tiếp:

-Cô trẻ trung, cô xinh đẹp…cô lấy cái vẻ trẻ trung, xinh đẹp đó để quyến rũ một lão già bằng tuổi bố cô mà không biết nhục à…hả…đồ khốn nạn…

-Cô ơi…cháu xin cô…cô hãy cho cháu nói…Phương nấc lên…Cháu có lỗi với cô…cháu ngàn lần xin lỗi cô…cô muốn đánh mắng, chửi rủa thế nào…cháu cũng xin chịu…nhưng…cháu…cháu yêu anh…ơ…cháu yêu chú ấy … cô ạ…

-Ơ…bà Trâm tròn mắt nhìn Phương – Cô…cô mà dám nói điều đó trước mặt tôi à ?

-Cô ơi ! Cháu biết nói vậy là xúc phạm cô…nhưng xưa nay cháu không biết nói sai về những gì mà cháu cho là thiêng liêng, những gì mà cháu yêu kính…dù cô có giết cháu…thì trước khi chết cháu vẫn nói rằng cháu yêu…chú ấy…

-Thật chẳng còn gì để nói nữa ! Bà Trâm kêu lên –Cô đúng là đồ…yêu…hừ…cái ngữ tiếp thị như cô thì yêu tiền, yêu của…chứ yêu cái gì…

-Thật đấy cô ạ ! Phương nghẹn ngào nói trong nước mắt –Có lẽ..cô nghĩ rằng cháu yêu…chú ấy là vì chú ấy có địa vị, lại giầu có…điều đó đúng một phần…nhưng là trước kia thôi cô ạ…còn sau này…cháu yêu với tất cả tấm lòng mình…cháu sẵn sàng đánh đổi cuộc đời cho tình yêu của cháu…Chắc cô sẽ nghĩ rằng ngoài tiền bạc, địa vị …thì ở tuổi của chú ấy…có gì để cháu yêu nữa…nhưng quả thực…ở chú ấy…có những điều mà thanh niên bây giờ ít người có được…chú ấy là một người nhân hậu,vị tha…chú ấy có một tấm lòng độ lượng, bao dung…không nghiện ngập, không rượu chè cờ bạc như tuổi trẻ bây giờ thường vấp phải…chú ấy là thần tượng để cháu tôn thờ…cô ạ…

-Nhưng cô có biết…tôi cũng rất yêu chồng tôi không…

-Cháu biết…cô ạ ! Nhưng…cô ơi…cháu cũng chỉ là một phụ nữ…cô ạ…

Nghe Phương nói, bà Trâm càng lúc càng sững sờ. Bà nhìn cô với ánh mắt như thương hại, như oán trách:

-Cô có biết…chồng tôi sắp vào tù không ?

-Dạ…cháu có biết…chính cháu là người môi giới cho chú ấy bán chiếc máy nghiền bột đá cho nước ngoài…cũng vì nghĩ mình được quyền hưởng số tiền lãi chênh lệch giá do bán máy…nên chú ấy bao cho cấp trên, chia cho cấp dưới và tự hưởng…cháu biết…hiện nay công an đang khởi tố…kế toán trưởng đã bị bắt giam…chú ấy cũng nay mai thôi…cháu biết…mấy lâu nay chú ấy đang chạy chọt…nhưng bạn bè của chú ấy ai cũng đều quay lưng…bỏ mặc chú ấy…

-Cô biết vậy..mà sao…

-Cháu nghĩ…cháu không thể bỏ rơi chú ấy trong hoàn cảnh như thế này được…nói tới đây, Phương chỉ bao quát căn nhà…cháu đang tìm khách để bán ngôi nhà này với những tài sản trong đó… cũng chẳng được là bao…nhưng được chừng nào…hay chừng đó. Vẫn biết rằng…mọi cố gắng cũng không thể làm cho chú ấy thoát khỏi tù tội…nhưng những gì có thể làm được…thì cháu sẽ làm…

Một lần nữa, bà Trâm lại sững sờ. Mãi sau, bà mới nói:

-Cô…Ông ấy không cần sự giúp đỡ của cô. Đã có vợ con ông ấy lo điều đó…tôi chỉ cần cô trả lại ông ấy cho tôi. Cũng vì chồng tôi hoạn nạn, nên tôi phải đi tìm để đưa ông ấy về…tôi chỉ yêu cầu cô chừng đó…

Nói đoạn, bà Trâm đứng dậy đi ra…được vài bước, bà suy nghĩ giây lát rồi nói:

-Cô hãy buông tha ông ấy ra…nếu không…cô đừng trách !

Nói xong, bà quay lưng đi thẳng. Phương ngồi chết lặng nhìn theo bà, lát sau cô gục mặt xuống, hai vai rung lên theo tiếng nấc…

*

*        *

Lý đang đạp xe trên đường về nhà. Trông nét mặt chị có vẻ như đang đăm chiêu, suy nghĩ. Chị thong thả đạp xe, vòng bánh xe với những chiếc nan hoa như loé lên dưới ánh sáng mặt trời…

Lý về tới nhà, chị dựng xe rồi đi ngay về phía mẹ đang nằm. Bà cụ trông thấy con về tỏ ra mừng rỡ, nhưng trong đôi mắt cụ như muốn dò hỏi điều gì. Lý xếp vài ba thứ hoa quả lên bàn, rồi quay sang hỏi mẹ:

-Cái Lệ, con gì Lành không sang hở mẹ ?

-Có…nó sang từ sáng…mẹ thấy trưa rồi, nên dục nó về thổi cơm…

Lý bóc một quả cam, rồi đến ngồi bên bà cụ:

-Mẹ ăn cam cho đỡ đắng miệng ! Nói đoạn, chị bóc từng múi cam đút cho bà cụ.

Tuy ăn cam, nhưng ánh mắt bà cụ vẫn theo dõi thái độ của Lý. Nét mặt chị vẫn thể hiện sự đăm chiêu suy nghĩ và có pha cả nét buồn rầu.

-Con có chuyện gì không vui à ? Bà cụ hỏi.

-Dạ…không đâu mẹ ạ ! Lý bối rối trả lời.

-Thế…bác giám đốc có bị làm sao không con ?

-Dạ…Lý ngập ngừng một lát…cũng chưa biết mẹ ạ. Sáng nay…công nhân các phân xưởng đang quyên góp nhau, mỗi người một ít, góp vào để chú ấy bù vào số tiền thất thoát, được đồng nào, hay đồng ấy cho bớt tội…

-Được nhiều không con ?

-Gần hai chục triệu…chẳng bõ bèn gì…Lý nói giọng buồn rầu.

-Thế các con định làm gì ?

-Thì được thế nào, đưa cho chú ấy thế…công nhân, ai cũng nghèo cả…

-Thật tội…bác ấy tốt thế…ai mà chả có lúc sa chân..lỡ bước…bà cụ lẩm bẩm.

-Thôi, mẹ nằm nghỉ …để con đi nấu cơm…

Nói đoạn, Lý đứng dậy đi ra. Bà cụ nhìn theo con, rồi gọi:

-Lý này…

Lý quay lại:

-Mẹ bảo gì ạ ?

Bà cụ luồn tay xuống gối, lục lọi một lát rồi lấy ra một chiếc hộp nhỏ:

-Mẹ có hai chỉ vàng dành dụm được từ tiền bán rau…mẹ định khi nào con lấy chồng…thì cho con làm vốn… mẹ nghĩ…dẫu rằng bác giám đốc ấy có tội…nhưng…đừng vì thế mà làm ngơ khi người ta đang hoạn nạn…con cầm lấy số vàng này…đưa cho bác ấy…bảo rằng…nếu có nhiều…thì mẹ cũng đưa hết…nhưng mẹ chỉ có chừng này thôi…bác thông cảm…

-Mẹ…Lý ngỡ ngàng kêu lên, trong đôi mắt chị ngân ngấn nước.

-Con đừng từ chối…hãy cầm lấy mà đưa cho bác ấy…đừng làm mẹ buồn thêm…con người ta sống là phải trọn tình, vẹn nghĩa, mới là con người…con ạ…

Lý xúc động cầm lấy số vàng từ tay mẹ. Chị không nói thêm được câu gì, chỉ đứng lặng, mặc cho nước mắt tuôn trào…

*

*        *

Chiếc xe Mercedes chở ông Cường đi trên đường phố vào buổi chiều tà. Đây đó các cửa hiệu đã bắt đầu lên đèn, thành phố với những dòng người chảy dài như bất tận.

Khanh liếc nhìn ông Cường với cái nhìn nửa như thương hại, nửa như chế nhạo. Tuy vậy, anh ta vẫn đưa tay ấn nút…trong chốc lát, trong xe tràn ngập những làn điệu dân ca: “Bèo dạt…mây trôi…chốn xa xôi…anh ơi…em vẫn đợi ý a vẫn chờ…”

Nghe tiếng lời ca, nét mặt ông  Cường như dịu lại đôi chút:

-“Sao tự dưng…ta nhớ nhà đến thế…hình như…đã lâu lắm rồi ta không về nhà…vào giờ này…chắc bố và vợ con ta đang ăn cơm…ôi chao…sao ta thèm một bữa cơm gia đình đạm bạc đến thế…một đĩa cà muối giòn tan…một bát canh rau láo nháo nấu với hến…vài con cá bống kho tộ…sao ngon thế…mà đã lâu lắm rồi, hình như ta không được ăn những món ăn dân dã đó…những món ăn cao lương mĩ vị, những bữa tiệc tùng thâu đêm suốt sáng…đã làm ta quên món cá bống kho, đĩa cà muối, bát canh rau…những món mà mỗi khi ở nhà, cô ấy vẫn nấu cho ta ăn…vì cô ấy biết ta thích những món đó…những món ăn gắn với bao kỷ niệm của tuổi thơ ta…nhưng…ta không đủ can đảm để về lại ngôi nhà đó nữa…”

Trong khi ông Cường tự sự, lời ca của bài hát vẫn vang lên da diết: “…Dù đi xa có nhớ…là nhớ…”. Khanh, mặc dù vẫn cố tỏ ra ngoan ngoãn, chỉn chu, nhưng thỉnh thoảng anh ta lại liếc nhìn ông Cường, cái nhìn nửa như thương hại, nửa như chế nhạo… Chiếc xe chở ông Cường vẫn chạy trên phố, lời ca vẫn ngọt ngào vang lên…

-“Thế là hết ngày thứ tư rồi…ngày mai là thứ năm…ta muốn về nhà…ta muốn được ngủ một giấc ngủ thật say trong ngôi nhà thực sự là của ta. ở đó có bố…có vợ con ta…những con người thân yêu mà…đã có lúc ta ruồng bỏ họ…Ta muốn được nằm lên chiếc giường mà vợ chồng ta đã từng gối ấp, tay kề…trời ơi…sao bây giờ ta thèm muốn được sống một cuộc sống giản dị đến thế…mỗi buổi đi làm về…được quây quần bên gia đình, ăn cơm cùng nhau, nói chuyện cùng nhau, vui đùa cùng nhau…đã bao lâu rồi…hình ảnh đó không còn trong gia đình ta nữa…nhưng…ta cũng yêu Phương…ta không muốn rời bỏ cô ấy…ta yêu cô ấy và ta biết cô ấy cũng yêu ta…”

(Còn nữa)

25 bình luận to “KHÔNG CÒN GÌ ĐỂ NÓI (Truyện phim)”

  1. Tem tẻm tèm tem. Chúc anh một tuần vui vẻ va thành công.

  2. Anh Mô cũng chúc HB luôn vui tươi, phấn khởi và một tuần toàn là may mắn!

  3. hl said

    Tem nha!

  4. hl said

    đọc kịch bản ni nhớ hồi di học, cô bạn cùng phòng khi vào nawmt hứ 1 thì bố là Giám đốc, sướng lắm nha, hàng thàng bố ra công tác khi nào cũng đến đón đi ăn đi chơi bằng ô tô, các cô chú nhân viên chăm sóc ồn ào. sang năm thứ 2 bố đang xây nhà to thì làm sao đó mất chức, thế là cái nhà xây đến đâu thì dừng lại đến đó..Không còn ồn ào đưa đón con gái bằng ô tô mỗi chuyến công tác nữa…cuộc đời bạn lại trở vể gian khó y như bao bạn khác …
    Danh lợi ở đời nhiều khi bạc bẽo ghê..nếu như không phải là tự mình làm nên…

    • Rứa đo rứa đo! Rứa mà bây chừ người ta tìm mọi cách để mần quan. đương nhiên là cũng phải tìm mọi cách để kiếm tiền mua quan. Mua được quan rồi lại tìm mọi cách để hoàn vốn tiền mua quan. Hoàn được vốn rồi lại tìm mọi cách để kiếm lãi chức quan…nhân tình thế thái buồn rứa đo!

      • hl said

        Thôi vịn nỗi buồn đứng dậy đi Mô!

      • Lưu Giao said

        ” Thôi vịn nỗi buồn đứng dậy, đi mô?”
        Hehehe…..

      • hl :

        Thôi vịn nỗi buồn đứng dậy đi Mô!

        Mô phải vịn nỗi buồn để đứng dậy, chứ nếu không thì gục lâu rồi O à.
        O theo dõi những phần sau “Cuộc phiêu lưu của moterangrua” thì sẽ thấy Mô phải “vịn nỗi buồn đứng dậy” ra răng!

      • Lưu Giao :

        ” Thôi vịn nỗi buồn đứng dậy, đi mô?”
        Hehehe…..

        Em nghe tiếng anh cười mà sao trong đó vẫn chứa đựng một nỗi buồn hè!

      • hl said

        HÌ hì anh Giao hóm nha!
        Biến câu mệnh lệnh thức thành câu hỏi hè!
        Mô tìm chỗ mà đi sau khi đã vịn nỗi buồn đứng dậy nhé anh Giao dặn rứa!
        Chắc vô với anh Giao thôi!

      • hl :

        HÌ hì anh Giao hóm nha!
        Biến câu mệnh lệnh thức thành câu hỏi hè!
        Mô tìm chỗ mà đi sau khi đã vịn nỗi buồn đứng dậy nhé anh Giao dặn rứa!
        Chắc vô với anh Giao thôi!

        O đừng xui dại nha. Mô mà vô với anh Giao, vừa gặp ảnh liền hỏi ngay “Mô đi mô?” thì mần răng?


  5. Thực hư ở chốn phong trần.
    Oan oan tương báo muôn phần đúng thay.
    Trách chi cái kết cục này.
    Gieo oan trái, gặt đắng cay cho mình.
    Hai người phụ nữ chân tình.
    Cùng yêu say đắm tình trong ngọt ngào.
    Tình như một giấc chiêm bao.
    Tỉnh ra mới biết phận đào nơi đâu.
    Oan khiên lỡ một nhịp cầu.
    Đắng cay chia sẻ chút sầu tương tư.
    Làm sao xua hết mây mù.
    Chồng chung nếu có xin chờ kiếp sau…


  6. Tình người nhân nghĩa bền lâu.
    Bởi trong ông ấy có bao ân tình.
    Mong rằng luật pháp nghiêm minh.
    Cũng nên cân nhắc trong từng hành vi…
    Rất tiếc em chưa xem bộ phim này nên bây giờ mạo muội mấy câu thơ cho vui. Hé hé

    • Pháp luật có cân nhắc chứ, nhưng mà ông ấy vừa đáng trách vừa đáng thương, đúng không HB?

      • hl said

        Pháp luật dựa trên tình tiết tội phạm thôi, chứ cân nhắc chi chi! Vì nền pháp luât cân nhăc được nên mới kém hiệu quả!
        Anh tốt mấy thì tốt nhưng có tội thì vẫn phải chịu thôi!

      • hl :

        Pháp luật dựa trên tình tiết tội phạm thôi, chứ cân nhắc chi chi! Vì nền pháp luât cân nhăc được nên mới kém hiệu quả!
        Anh tốt mấy thì tốt nhưng có tội thì vẫn phải chịu thôi!

        Ua, quên mất là O Linh nhà ta vốn là dưn Luật ra!
        Dưng mà bên Dựt thì dựa trên tình tiết tội phạm, còn bên ni thì dựa cả tình và lý, nhưng nhiều khi tình lấn át mất lý đó O nờ!

      • hl said

        Ua răng nghị tui dưn lựt hè?

      • hl :

        Ua răng nghị tui dưn lựt hè?

        Thì nghe O nói giọng đặc mùi tư pháp nên Mô đoán rứa.

  7. Phải rồi. Ông ấy vừa đáng trách vừa đáng thương. Những người có trái tim nhân hậu sẽ cảm thấy đau lòng và xót xa cho số phận một con người. Rứa đo rứa đo.

    • Có một điều là mấy ông lãnh đạo nhà ta đều biết rứa cả, nhưng đang tại chức thì các ông cứ lờ đi, coi như cấp dưới trung thành tuốt để mà dùng họ. Sau về hưu hẵng hay…

      • hl said

        Tui ghét nhất về hưu rồi nói to ơi là to, mà nói to thì to chứ ai ngeh cho!
        sao khi đang có quyề thì k làm, đến khi về nhà rồi cứ ngồi nói, mệt quá đi!

      • Vì nói to chừ không ai cúp lương, giáng chức, đuổi việc nữa chơ răng!
        Nhưng Mô cũng nghĩ rứa, hưu rùi thì nghỉ cho khoẻ xác, chừ to giọng người ta lại còn cười cho vào mũi đó chơ.

Bình luận về bài viết này