MÔ TÊ RĂNG RỨA

Là nơi cung cấp nước chè xanh và kẹo cu đơ

KHÔNG CÒN GÌ ĐỂ NÓI (Truyện phim)

Posted by CU MÔ trên 30.09.2010

Truyện phim “KHÔNG CÒN GÌ ĐỂ NÓI” được Moterangrua viết theo gợi ý của NSND Khải Hưng, nguyên Giám đốc Trung tâm sản xuất phim Truyền hình Việt Nam. Sau đó truyện đã được NSND Khải Hưng dựng thành bộ phim cùng tên và đoạt giải Vàng trong liên hoan phim năm 2002.

(9)

Một cảnh trong phim Không còn gì để nói

Chiếc xe đưa ông Cường dừng lại trước cổng nhà Phương. Ông Cường xuống xe. Lập tức Khanh với tay tắt vụt bài hát dân ca, rồi thay vào đó là một bản nhạc điên loạn, rồi phóng xe vụt đi. Ông Cường đưa mắt nhìn theo, khẽ lắc đầu, rồi đưa tay bấm chuông. Lát sau, cùng đồng thời người giúp việc và Phương đều ngó ra. Người giúp việc định ra, nhưng Phương đã dành lấy chìa khoá từ tay bà, rồi đi ra mở cổng đón ông. Cô nói với ông như dỗi hờn trách móc nhưng cũng không dấu nỗi nhớ nhung:

-Anh đi đâu suốt cả ngày nay…em họp ở công ty về, chờ anh về ăn trưa…nhưng chờ mãi cũng không thấy…gọi điện thoại di động thì anh tắt máy, gọi tới công ty thì người ta lại bảo anh vừa đi xong…em lo quá…

Nói đoạn, cô cầm chiếc cặp giúp ông. Cả hai người đi vào nhà. Phương cất chiếc cặp lên giá, rồi lục tủ lấy cho ông bộ quần áo – Anh thay đồ đi…anh ăn cơm chưa…( ông Cường gật gật đầu ) rồi hả…để em đi pha cho anh cốc nước…

Lát sau, khi ông Cường đã thay xong quần áo, thì cũng vừa lúc Phương vào, trên tay cô là một cốc nước còn bốc khói:

-Anh uống nước đi ! Nói đoạn, cô ngồi xuống bên ông, nhìn sâu vào mắt ông, và nói với ông bằng một giọng thật buồn – Trưa nay…chị Trâm có đến tìm em…chị ấy yêu cầu em phải trả anh cho chị ấy…Nói tới đây, giọng Phương nghẹn lại…Em không muốn trả…em không muốn mất anh…nhất là khi anh đang hoạn nạn… Phương gục đầu vào vai ông Cường nức nở. Ông Cường nhìn trân trối vào bức tường trắng xoá trước mặt:

-“Trâm đến tìm ta…cô ấy tha thứ cho ta…cô ấy vẫn còn yêu thương ta sao…Phương cũng không muốn mất ta…Phương cũng muốn giành giật ta từ tay Trâm…hai người phụ nữ vì ta trong lúc hoạn nạn này…trời ơi…ta thật có lỗi…chính ta là người đã gây nên mọi chuyện…ta thật đáng bị phỉ nhổ và lên án…”

Đêm đã về khuya, Ông Cường và Phương đã lên giường. Phương gối đầu lên tay ông, say sưa ngủ. Trong cơn mơ, cô nhoẻn miệng cười. Ông Cường nhìn trân trân lên trần nhà, đôi mắt ông bất động, không chớp…lát sau…ông khẽ nâng đầu Phương khỏi tay mình rồi nhổm dậy. Ông tới bàn và cặm cụi viết:

-“Phương !

Lúc em thức dậy, thì tôi đã rời khỏi ngôi nhà này rồi, rời khỏi em, rời khỏi những kỷ niệm êm đềm mà em dành cho tôi trong suốt những ngày qua. Tôi biết, em sẽ buồn, sẽ đau khổ khi tôi nói lời chia tay với em. Không ! Tôi xin khẳng định để em hiểu rằng tôi không lừa dối em, tôi không ruồng bỏ em. Sự ra đi này của tôi là một sự giải thoát cho em, và cả cho tôi. Em còn quá trẻ, phía trước còn có biết bao cơ hội tốt đẹp cho em làm lại cuộc đời. Còn tôi…bây giờ đã rạng sáng của ngày thứ năm rồi em ạ ! Tôi chỉ còn rất ít thời gian để giải quyết nốt những gì còn lại…Tôi cảm ơn em với những gì em đã dành cho tôi.

Sự ra đi này của tôi có thể là mãi mãi. Nhưng, nếu em thực sự yêu tôi, sẵn sàng hy sinh vì tôi…thì xin em đừng đi tìm tôi !

Vĩnh biệt em !

Cường”

Viết xong thư, ông để nó lên bàn trang điểm của Phương. Ông lặng lẽ mặc quần áo, ngắm nhìn Phương lần cuối, rồi cầm lấy chiếc cặp, khẽ lách mình bước ra ngoài…

*

*        *

Ông Cường cắm cúi đi trên hè phố. Thành phố vào đầu giờ làm việc, người xe qua lại bắt đầu tấp nập, nhưng dường như ông không chú ý tới điều đó nữa…ông vẫn cắm cúi đi. Chợt tiếng còi xe ô tô cáu kỉnh, gắt gỏng khiến ông giật mình nhìn lại. Chiếc xe quen thuộc của ông rà sát bên. Khanh ló đầu ra cửa xe, nói như gắt:

-Chú lên xe đi !

Ông Cường lưỡng lự giây lát rồi lên xe. Ở chỗ ông thường ngồi, chiếc chổi lông nằm chỏng chơ. Ông thở dài gạt nó sang bên, rồi ngồi xuống.

Khanh liếc mắt nhìn ông một cái rất nhanh rồi nói:

-Lần sau…nếu chú muốn đi bộ, thì phải điện báo…làm cháu cứ phải đi tìm loanh quanh khắp nơi…

Nói đoạn, anh ta dẫm ga, cài số, chiếc xe giật lên một cái khiền đầu ông Cường gật về phía sau…chiếc xe vút đi. Khanh đưa tay ấn nút băng nhạc. Thay vì bài hát dân ca quen thuộc, từ chiếc loa vang ra tiếng nhạc cuồng loạn, dậm dật và to tới mức ông Cường phải nhăn mặt lại, ông định đưa tay ra hiệu cho Khanh, nhưng nghĩ sao ông lại thôi và đành phải nhìn ra ngoài phố để quên tiếng nhạc:

-“Sao thái độ của cậu ta hôm nay lại thế…bình thường cậu ta ngoan ngoãn lắm kia mà…à …ta hiểu rồi…hôm nay đã là thứ năm…ngày mai là thứ sáu…thứ sáu…thứ sáu…”

Chiếc xe vẫn lao vút đi, tiếng nhạc vẫn loạn xạ…khi đi qua tiệm cà phê, ông Cường liếc nhìn đồng hồ gắn ở xe, vừa đúng bảy giờ…chiếc xe như ngập ngừng một chút, rồi lại tiếp tục lao vút đi. Ông Cường liếc mắt nhìn Khanh rồi thở dài ngao ngán. Trong khi đó qua tấm gương gắn ở nóc xe, Khanh đang liếc nhìn ông với ánh mắt hả hê, bất chấp việc anh ta biết rằng ông Cường cũng đang nhìn mình:

-“Ông tưởng tôi sẽ dừng lại để uống cà phê chứ gì ? Quên đi ! Tôi căm ghét cái thứ nước đen xì, đắng nghét đó…mà ông cũng cần phải đến công ty ngay…ông cần phải biết cái gì đang chờ ông ở đó…ha…ha …ha…”

*

*        *

Chiếc xe chở ông Cường chạy về công ty. Khi chiếc xe tới nơi, một người bảo vệ lạ mặt, trung tuổi, vận quân phục bạc màu ra mở cổng. Ông Cường thầm nghĩ:

-“Ai thế nhỉ…ông già Tấn bảo vệ đâu… à…ta nhớ ra rồi…đây là bảo vệ mới…anh trai của cậu Khanh mà ta mới ký quyết định hôm qua…”

Người bảo vệ đứng nhìn theo chiếc xe. Có lẽ do kính xe màu, anh ta không nhìn thấy ai ở trong, nên cái nhìn của anh ta trông tò mò, ngơ ngác…

Chiếc xe dừng lại ở sân, khi ông Cường vừa bước xuống, lập tức nó lao vút đi về phía ga ra. Ông Cường lại dò dẫm từng bước lên cầu thang. Những bước đi của ông chậm chạp, nặng nề…ông đi tới đâu vài người đang đi ở hành lang chợt trông thấy, họ vội tạt vào một phòng nào đó để lánh mặt ông…Trong phòng sản xuất kinh doanh, người ta đang nấp sau những cánh cửa khép hờ để quan sát ông. Trên bàn làm việc của trưởng phòng có tấm biển đề “TRẦN TRUNG CÔNG – TRƯỞNG PHÒNG SXKD”. Chủ nhân của nó đang ngồi chễm chệ. Thấy mọi người nhìn ngó, chỉ trỏ, anh ta liền cau mày quát:

-Mọi người vào làm việc đi ! Chỉ trỏ cái gì ? Lạ lắm hả…

Nghe tiếng quát của trưởng phòng, ai nấy vội quay về chỗ của mình, còn Công ngả người trên ghế xoay, tay sờ cằm, mắt lim dim tỏ vẻ khoái trá lắm.

*

*        *

Ông Cường mở cửa phòng, rồi bước vào ngồi ủ rũ trên chiếc ghế của mình:

-“Ta còn được ngồi trên chiếc ghế này bao lâu nữa nhỉ…một tiếng…hai tiếng…giỏi lắm cũng mươi tiếng nữa là cùng…vì bây giờ đã là bảy giờ ba mươi của ngày thứ năm…ngày mai là thứ sau…”

Có tiếng gõ cửa. Những tiếng gõ cách quãng, đều nhau nhưng lễ độ:

-“Ai vào tìm ta giờ này …cấp trên à…làm gì có kiểu gõ cửa đó…cấp dưới à…ta quen nghe kiểu gõ cửa khác kia mà…”

Nghĩ vậy, nhưng ông Cường vẫn đứng dậy ra mở cửa. Trước mặt ông là Lý, Hồng và một số công nhân. Trông thấy mọi người, ông mở to mắt ngạc nhiên và làm một động tác như để mời mọi người vào. Nhưng Lý đã nói nhanh:

-Thưa chú ! Chúng cháu không dám làm phiền chú…đây là số tiền hai mươi bảy triệu, năm trăm ba nhăm nghìn đồng của công nhân các phân xưởng góp lại để thêm cho chú lo công việc…còn đây…Lý đưa ra một gói nhỏ – Là hai chỉ vàng của mẹ cháu gửi tặng chú…

Ông Cường đứng chết lặng, mắt rân rấn nước. Khi ông định thần thì mọi người đã đi về cuối hành lang phía xa. Trên tay ông là chiếc phong bì đựng tiền và gói vàng Lý vừa trao. Ông thẫn thờ quay trở vào ngồi xuống ghế, mắt đăm đăm nhìn vào món quà bất ngờ:

-“Tôi có lỗi…tôi có lỗi với mọi người…với gia đình…với anh chị em công nhân…trời ơi…sao bây giờ tôi mới nhận ra điều này…sao bây giờ tôi mới hiểu rằng những gì giản dị nhất, lại là những điều thanh cao, trong sáng nhất…Tôi quen ở trên cao nhìn xuống…tôi quen được người khác chiều chuộng, tôi quen nghe những lời xun xoe…và bây giờ…tôi nhận ra rằng sự mộc mạc, chân thành…mới là điều tôi cần nhất…nhưng…điều đó đối với tôi liệu có ý nghĩa gì…bởi bây giờ đã là thứ năm…và ngày mai…thứ sáu…”

Lại có tiếng gõ cửa. Tiếng gõ nhanh, gấp nhưng lại có vẻ nhát gừng, hách dịch. Đang cúi đầu, chợt nghe tiếng gõ cửa. Ông Cường ngẩng phắt đầu lên, mắt nhìn trừng trừng về phía cửa. Nhưng ông vẫn ngồi yên, mặc cho tiếng gõ hách dịch, gấp gáp…Một lát sau, tiếng gõ chấm dứt, ông nhìn thấy người ta đùn qua khe cửa vào một chiếc phong bì công văn. Chờ cho tiếng chân phía ngoài đi khuất, ông mới từ từ đứng dậy, tiến lại nhặt chiếc phong bì lên và chậm rãi mở ra. Trong phong bì có hai tờ quyết định, một tờ là quyết định cách chức giám đốc Nguyễn Mạnh Cường và tờ kia là quyết định bổ nhiệm Phó giám đốc Lê Đăng Doanh giữ chức giám đốc công ty LUVICO. Nhìn thấy mấy tờ quyết định, nét mặt ông Cường vẫn không có biểu hiện gì đáng kể, ông hờ hững buông mấy tờ quyết định lên bàn, rồi lại gục đầu suy nghĩ. Một lát sau, ông với tay cầm điện thoại bấm số…

*

*        *

Trong phòng chờ của lái xe, Khanh đang ngồi ngả ngốn xem một quyển tạp chí có đăng hình những cô gái ăn mặc hở hang, uốn éo. Chợt có tiếng chuông điện thoại di động réo, anh ta móc túi lấy điện thoại ra xem. Trên màn hình hiện dòng chữ: CƯỜNG – GĐ. Trông thấy vậy, Khanh nhếch mép:

-Rách việc…thích rên thì cứ cho mày rên…

Đoạn, anh ta để mặc chiếc điện thoại rền rĩ, lại tiếp tục thích thú ngắm nhìn những cô gái hở hang trong cuốn tạp chí.

*

*        *

Không thấy Khanh trả lời, ông Cường thở dài buông máy, ngồi thẫn thờ. Lát sau, ông đứng dậy cầm mấy túi quà, nhặt tất cả các phong bì đựng tiền, kể cả số phong bì của công nhân tặng ông và mấy chỉ vàng của mẹ Lý, cho tất vào túi rồi đi ra.

Ông Cường xách túi quà, lủi thủi bước xuống cầu thang. Trên đường đi, những người phát hiện ông từ đằng xa đều lánh mặt, sau các phòng ban với những cánh cửa khép hờ lại tái diễn cái cảnh nhìn ngó, chỉ trỏ…Ông Cường như không hay biết điều đó, vẫn cắm cúi đi ra cổng:

-Này, ông kia ! Một tiếng quát giật giọng khiến ông giật mình ngẩng lên. Người gác cổng đứng sừng sững trước mặt ông, anh này đang nhìn ông với vẻ mặt cảnh giác cao độ – Ông qua cổng khi nào, mà trở ra đây…tay ông cầm cái gì kia…đưa kiểm tra xem…

Ông Cường ngoan ngoãn đưa túi quà cho tay bảo vệ. Anh này lục lọi, trông thấy toàn đô là và tiền, vàng liền quát to:

-A…ônh vào công ty để ăn cắp phải không ?

Ông Cường ngơ ngác lắc đầu. Đoạn ông móc túi lấy ra tấm thẻ ra vào công ty có dán ảnh của mình. Người bảo vệ cầm lấy săm soi, chợt anh ta giật nảy mình, vội đứng nghiêm:

-Chết ! Báo cáo đồng chí giám đốc ! Tôi nhầm…đồng chí tha lỗi…Tôi…tôi không biết..ban nãy xe chở đồng chí vào, nhưng kính tối quá…tôi…tôi nhìn không ra…đồng chí thông cảm…

Nói đoạn, anh ta đứng lánh sang bên để nhường đường. Ông Cường bước ra khỏi cổng, thầm nghĩ

-“Đồng chí giám đốc ! Ta vẫn được gọi như thế à ? Nếu biết ta đã bị cách chức, thì anh ta sẽ gọi ta là gì nhỉ, anh ta còn có cái dáng điệu sợ sệt như thế nữa không…?”

Một chiếc xe ôm chạy tới, ông Cường leo lên ngồi đằng sau, chiếc xe chạy vụt đi. Còn người bảo vệ nhìn theo ông, ngơ ngác…

6 bình luận to “KHÔNG CÒN GÌ ĐỂ NÓI (Truyện phim)”

  1. hl said

    Tình yêu trong nhiều tình huống cũng trớ trêu hè. Ông Cường còn may là có người yêu,người thương và thông cảm.
    Những tình tiết về Khanh, về cái chức GD bị lôi tuột đi..mà thấy sự bạc bẽo của người đời, và sự cô đơn của kẻ có quyền lực phút chốc bị đẩy ra rìa…

    • Tình yêu trong nhiều tình huống cũng trớ trêu hè. Ông Cường còn may là có người yêu,người thương và thông cảm.
      Mô cũng mong mần răng mình kiếm được một O như O Phương trong truyện ni để mà được yêu thương, chia sẻ rứa đó hé hé
      Những tình tiết về Khanh, về cái chức GD bị lôi tuột đi..mà thấy sự bạc bẽo của người đời, và sự cô đơn của kẻ có quyền lực phút chốc bị đẩy ra rìa…
      Thì đó đo, đó chính là vấn đề mà truyện ni muốn nói tới đo!

Bình luận về bài viết này