MÔ TÊ RĂNG RỨA

Là nơi cung cấp nước chè xanh và kẹo cu đơ

KHÔNG CÒN GÌ ĐỂ NÓI (Truyện phim)

Posted by CU MÔ trên 02.10.2010

Truyện phim “KHÔNG CÒN GÌ ĐỂ NÓI” được Moterangrua viết theo gợi ý của NSND Khải Hưng, nguyên Giám đốc Trung tâm sản xuất phim Truyền hình Việt Nam. Sau đó truyện đã được NSND Khải Hưng dựng thành bộ phim cùng tên và đoạt giải Vàng trong liên hoan phim năm 2002.

(10)

Một cảnh trong phim Không còn gì để nói

Ông Cường đang ngồi trong phòng khách của một vị lãnh đạo. Trên bàn là túi quà. Tiếp ông là một người phụ nữ có tuổi, trông phốp pháp, đài các. Bà ta nhìn ông bằng ánh mắt thương hại:

-Chú Cường uống nước đi ! Bà ta chép miệng – Kể ra hoàn cảnh của chú bây giờ cũng thật tội…chú quả là không may…anh nhà tôi lại sang Pháp chưa về…nhưng…nếu có ở nhà thì chắc gì đã giúp chú được. Thôi…chuyện đã rồi…gắng chịu một chút sẽ qua thôi chú ạ…để rồi, khi nào anh nhà tôi về…tôi sẽ nói lại…Hoài đâu…tiễn khách nhé…

Ông Cường lảo đảo đứng dậy đi ra. Khi tới đường, người giúp việc tên Hoài chạy vội ra dúi vào tay ông túi quà ban nãy. Ông tần ngần một lát rồi cắm cúi đi.

Ở trong nhà, bà chủ nhà nhìn theo với ánh mắt thương hại nhưng xua đuổi. Một cái đầu ló ra ở gian bên:

-Đi rồi hả ?

-Vâng ! Bà vợ nói giọng âu yếm – anh ta đi rồi…bố ra đi…

*

*        *

Ông Cường cắm cúi đi trên hè phố. Qua hồ nước, một lũ trẻ đánh giày lẵng nhẵng bám theo:

-Bác ơi ! Đánh giày đi…

-Giày bác bẩn rồi, đánh đi, bác ơi 1

Ông Cường vẫn lủi thủi bước. Một bên cánh tay cầm quà của ông nặng trĩu. Ông dơ túi quà lên nhìn, cái nhìn của ông vừa thờ ơ, xa lạ, lại vừa khinh bỉ, rồi bất giác ông vung tay, túi quà tung lên cao…những thứ trong đó bay tung toé rồi rơi lả tả, nổi lềnh bềnh trên mặt hồ. Đoạn, ông lại quay lưng cắm cúi đi. Trong khi đó những cậu bé đánh giày quá đỗi ngạc nhiên cứ đứng há hốc mồm nhìn theo ông.

Cứ vậy, ông Cường lảo đảo bước, những cơn gió cuối thu cuốn những đám lá vàng rơi xào xạc. Thành phố đã bắt đầu lên đèn…trên đường dòng đời vẫn ngược xuôi hối hả. Đang đi, chợt một chiếc xe sang trọng chạy vượt lên trước mặt ông, rồi một cái đầu bạc thò ra:

-Cường đấy hả ! Này…lại đây mình bảo…

Cường thẫn thờ bước tới với một khuôn mặt vô cảm:

-Mình đã nghe anh em báo cáo vụ việc của cậu…nhưng trong giai đoạn này…cậu thông cảm…có gì, anh em mình nói chuyện sau…thôi, mình có công chuyện, đi trước nhá…

Một bàn tay thò ra vẫy vẫy rồi thụt nhanh vào. Ông Cường đứng nhìn cho đến khi chiếc xe hoà vào dòng người, ông mới tiếp tục cúi đầu lủi thủi bước…

*

*        *

Bà Trâm ngồi lặng lẽ một mình trong phòng ăn. Trên bàn là một mâm cơm được đậy lồng bàn. Bà cứ ngồi như vậy, lặng câm như hoá đá. Chỉ có đôi mắt bà thật buồn. Bà đăm đăm nhìn vào một vật gì không cụ thể, nhưng mỗi khi có tiếng động dù nhỏ, bà lại giật mình ngóng ra…nhưng đó chỉ là tiếng động của chú chó bông gây nên, hoặc tiếng xe máy, xe ô tô của ai đó lướt nhanh qua cổng…biết đó không phải là tiếng chồng về…bà  thở dài, ngồi lặng câm, đôi mắt thật buồn lại nhìn đăm đăm vào một vật gì không cụ thể.

Lát sau, bà Trâm linh cảm như chồng mình về, bà nghe ngóng, rồi lật đật đứng dậy đi ra…

Ông Cường đang đi vào nhà, bước đi của ông lầm lũi, chậm chạp, đầu ông cúi xuống, mái tóc đã điểm bạc rung rung:

-“Nhà ta đây rồi…mà sao yên lặng thế…bố đâu? vợ ta đâu ? Thằng Lộc con trai ta đâu…cả con chó BiBi nữa…tất cả đâu cả rồi…hồi trước, mỗi khi thấy ta đi làm về, cả nhà ra đón, nhộn nhạo vui vẻ như thể vắng ta một ngày là mọi người nhớ không chịu nổi…vậy mà bây giờ…cả nhà đi đâu hết, mà vắng lặng thế này…”

Hình ảnh quá khứ dội về khiến ông ngẩn ngơ: Ông bước vào nhà, cả nhà ùa ra đón, bố ông cười vui vẻ, thằng Lộc lao ra ôm chầm lấy ông, còn vợ ông âu yếm nhìn ông, niềm vui tràn trề ánh mắt.

-Mình !

Đang lầm lũi bước, chợt tiếng bà Trâm vang lên. Ông Cường giật mình, định thần rồi ngẩng lên trông thấy vợ mình đứng nơi ngưỡng cửa. ánh mắt bà Trâm buồn…thật buồn…trách móc….nhớ nhung tràn đầy trong ánh mắt bà, trên nét mặt bà…

-“Vợ ta đấy…đúng là vợ ta rồi…đâu phải cơn mơ…nhưng sao cô ấy nhìn ta với ánh mắt lạ đến thế…ngày trước mỗi khi thấy ta trở về sau ngày làm việc…cô ấy ríu rít hỏi han, cười nói như trẻ nhỏ…cô ấy giúp ta cởi áo, giúp ta tắm gội, rồi luôn ở bên cạnh chăm cho ta từng miếng ăn, giấc ngủ…”

Tự sự trong ông Cường lại vang lên, và những hình ảnh hạnh phúc từ quá khứ dội về: Ông bước vào nhà, vợ ông tươi cười ra đón, bà đỡ lấy chiếc cặp từ tay ông, hai vợ chồng vào nhà, vừa giúp ông cởi áo ngoài, bà vừa vui vẻ hỏi han, họ nhìn vào mắt nhau và cười. Bà ngồi gần ông âu yếm nhìn ông ăn cơm, gắp thức ăn cho ông…Trong phòng ngủ, ông say sưa ngắm bà chải đầu, thay áo…rồi họ đam mê cùng nhau về nơi nguyên thuỷ loài người…

-Mình…bà Trâm nhắc lại – Cả tháng nay mình đi đâu…biền biệt không thấy tin tức gì cả…ngay cả điện thoại mình cũng chẳng gọi về…

Thấy ông Cường ủ rũ, bà Trâm không nỡ nói tiếp, bà đỡ lấy chiếc cặp từ tay chồng. Ông Cường chậm rãi đi vào nhà. Ông đứng ở phòng khách nhìn ngó như lạc vào một nơi xa lạ. Ông nhìn bàn thờ tổ tiên, nhìn những tấm bằng khen, huân huy chương ông được tặng thưởng, nhìn những tấm ảnh treo trên tường, bố ông trong quân phục trung tá quân đội, ngực áo gắn đầy huân chương, đang như nhìn ông mỉm cười, vợ chồng, con cái ông quây quần bên nhau tươi cười, hạnh phúc… Trong khi ông Cường nhìn ngắm gian phòng khách, bà Trâm đứng lặng phía sau, không nói không rằng…Chợt nghe tiếng ho húng hắng, ông Cường sực nhớ vội vào phòng bố. Cụ Thịnh trở mình vào tường, húng hắng ho rồi lại nằm yên:

-Để yên cho thầy ngủ…cả tháng nay vết thương của thầy lại tái phát…bà Trâm đứng bên ông lúc nào, khẽ nói – Mỗi ngày…thầy chỉ ăn được lưng cơm, ngủ được một lúc đầu hôm, rồi lại thức đến sáng…thầy chờ mình về đấy !

-“Thầy yếu quá rồi…Tự sự trong ông Cường lại vang lên – Ta thật là có lỗi…lo làm ăn…lo bầu bạn…chẳng đoái hoài gì đến cha mình…đến gia đình mình…nhưng…bây giờ…cũng đã muộn rồi…hôm nay là thứ năm…ngày mai đã là thứ sáu…”

Ông Cường lặng lẽ quay ra, đi về phòng của hai vợ chồng. Chiếc giường trải đệm rộng rãi. Trên giường để một chiếc gối đôi, nhưng chiếc gối chỉ lõm một phía, còn phía bên kia vẫn phồng căng…Thấy chồng đứng tần ngần, bà Trâm mở tủ lấy ra bộ đồ pijama:

-Mình đi tắm gội, thay đồ…rồi ăn cơm…tôi nghĩ hôm nay thể nào mình cũng về, nên đang đợi…

Ông Cường đón bộ quần áo từ tay vợ, rồi chậm rãi đi vào phòng tắm…

Lát sau, ông Cường trở ra xúng xính trong bộ đồ mặc ở nhà. Ông bước vào phòng ăn. Bà Trâm đang ngồi lặng như hoá đá, đôi mắt của bà buồn thẳm và nhìn vào chỗ đâu đâu…Nhưng khi thấy chồng bước vào, ngồi xuống ghế. Bà vội mở lồng bàn, ông Cường nhìn vào mâm cơm: Một đĩa cà muối, một bát canh rau láo nháo nấu hến và một nồi đất cá bống kho tộ…

Bà Trâm xới cơm ra hai bát, một bát bà đặt xuống trước mặt chồng:

-Mình ăn cơm đi. Ông ăn cháo, còn thằng Lộc đi đâu từ chiều chưa thấy về…

Ông Cường bê bát cơm lên, nhìn vợ như dò hỏi, nhưng thấy bà Trâm cũng cầm bát, nét mặt ông tỏ vẻ yên tâm hơn, ông cúi xuống bát cơm của mình để ăn…

-“Vậy là ta đã ăn cơm ở nhà, đã lâu rồi ta không được ngồi ở chỗ này…như hôm nay…hồi đó, mỗi bữa cơm của gia đình đều ấm cúng, vui vẻ biết bao…Ai cũng nhắc ta phải ăn nhiều thức ăn, phải ăn no để có sức khoẻ mà làm việc…cứ mỗi bữa ăn…cô ấy lại ngồi bên ta để gắp thức ăn cho vào bát…cô ấy muốn tự tay chăm sóc ta…có lần cô ấy bảo thấy ta ăn ngon miệng, tự dưng cô ấy cũng thấy ngon…vậy mà…”

Những hình ảnh đầm ấm của gia đình trong bữa cơm lại hiện lên theo dòng tự sự của ông Cường. Cả nhà ông đang quây quần bên mâm cơm. Cụ Thịnh đang chỉ vào ông nói điều gì đó, cả nhà liền cười phá lên…bà Trâm vừa cười vừa gắp thức ăn vào bát cho từng người. Trông nét mặt ai cũng vui, cũng hồ hởi…

Nghĩ tới đây, ông Cường bất giác thở dài, ông nhìn lên bắt gặp ánh mắt của vợ đang nhìn mình, ánh mắt thật xót xa, buồn giận nhưng cũng tràn đầy tình thương và sự lo lắng. Ông lúng túng tránh cái nhìn của ánh mắt đó. Bà Trâm nén một tiếng thở dài, bà gắp một con cá cho vào bát ông:

-Mình ăn đi…cá bống kho ăn một lửa mới ngon, hâm lại nát hết…

Ông cảm động nhìn vợ tỏ lòng biết ơn, rồi ông cúi xuống ăn cơm. Ban đầu ông ăn còn dè dặt, nhưng dần dà những món ăn đã cuốn hút khiến ông cắm cúi ăn rất ngon miệng. Bà Trâm ngồi bên ông lúc nào, tuy vẻ mặt của bà vẫn tràn ngập nỗi buồn, nhưng trong ánh mắt bà lại ánh lên một sự hài lòng khi thấy chồng ăn ngon miệng…

-“Cơm ngon quá…hơn một tháng nay…chưa bao giờ ta được một bữa cơm ngon như thế này…”

Ông Cường thầm nghĩ, rồi đưa bát không cho vợ xới cơm. Bà Trâm lấy cơm xong, lại gắp thức ăn cho vào bát. Bà nhìn chồng ăn không chán mắt, ở khoé môi bà bắt đầu đọng một nét cười…Ông Cường lại cắm cúi ăn, cắm cúi chan, húp…có cảm giác như ông đói lắm…

Bất chợt, có tiếng xe máy chạy vào. Hai ông bà ngước mắt nhìn lên. Bà Trâm nói:

-Thằng Lộc về đấy !

Nghe vậy, nét mặt ông Cường bỗng thể hiện một thái độ vừa vui mừng, vừa lo sợ…

Lát sau, Lộc đi vào, vừa đi vừa huýt sáo vang nhà. Bà Trâm thấy vậy, nhổm người định đứng dậy, thì Lộc xuất hiện ở ngưỡng cửa phòng ăn, trông thấy mẹ, anh ta toét miệng cười:

-Mẹ… !

Chợt, nụ cười của Lộc vụt tắt khi trông thấy bố mình cũng đang ngồi ở bàn. Khuôn mặt đang vui vẻ của Lộc chợt chuyển sang sự coi thường khinh khỉnh. Anh ta chúm môi huýt một tiếng sáo như một sự bất cần rồi quay người bỏ đi. Bà Trâm thấy thế gọi lại:

-Lộc !

Lộc quay lại nhìn mẹ, rồi liếc nhìn bố như khiêu khích:

-Bố về ! Con thấy bố mà không chào à ?

Bà Trâm nói, nửa như nghiêm khắc, nửa như van xin. Lộc lưỡng lự một lát, anh ta lại liếc bố với ánh mắt coi thường, khiêu khích, rồi lại lảng tránh cái nhìn của mẹ. Lộc quay nhìn nơi khác, rồi chào miễn cưỡng:

-Chào bố !

Đoạn, anh ta vụt quay người bỏ đi. Bà Trâm nhìn theo con, rồi ngao ngán lắc đầu.

Từ khi Lộc xuất hiện đến giờ, ông Cường chỉ biết ngồi nhìn trân trối trước cư xử của con. Khi thấy Lộc bỏ đi, ông nấn ná một tí rồi cũng buông bát đứng dậy. Bà Trâm cũng không nài nỉ chồng ăn thêm, bà nhìn theo cái lưng đã còng xuống của ông, rồi lấy tay chùi nước mắt…

Ông Cường rời phòng ăn rồi đi sang phòng con trai. Cánh cửa phòng Lộc đóng chặt, từ bên trọng vọng ra tiếng nhạc loạn xạ, ông Cường đẩy cửa nhìn vào, Lộc đang mở nhạc để nghe, trông nét mặt cũng đủ biết Lộc đang cố dùng âm nhạc để dằn lại cơn dỗi hờn tức giận:

-“Thằng con ta đấy ! Đứa con trai độc nhất mà ta nâng niu chiều chuộng. Cái tên của nó, cũng do ta đặt. Ta gọi nó là Lộc…bởi ta muốn cuộc đời nó đừng bao giờ phải khổ…ta yêu nó…ta quý nó…vậy mà…sao bây giờ…nó như không muốn biết ta còn sống trên đời này…ta vẫn còn sống chứ…vì hôm nay là thứ năm…còn ngày mai mới là thứ sáu kia mà…”

Đang nhắm mắt nghe nhạc, bất chợt như linh cảm, Lộc mở choàng mắt ra. Anh ngạc nhiên thấy bố đang đứng ở cửa phòng mình…hai bố con nhìn nhau trong giây lát. Ông Cường có một cử chỉ như muốn tiến về phía con…nhưng thật bất ngờ, Lộc quay mặt đi nơi khác và thò tay vặn volume cho tiếng nhạc to hơn. Tiếng nhạc thập thình loạn xạ như xô ông Cường ra khỏi phòng…Ông hoảng hốt đóng cửa phòng Lộc lại, rồi quay lui…chợt ông mở to mắt khi nhìn thấy cụ Thịnh đứng sừng sững trước mặt ông. Không để cho ông Cường kịp phản ứng, cụ Thịnh đã lên tiếng, giọng nói của cụ sang sảng nhưng đầy vẻ khiển trách nghiêm khắc:

-Anh về khi nào…tôi đều biết. Nhưng tôi muốn để xem anh như thế nào…Hừ…anh đúng là một thằng hèn…anh không xứng đáng là chủ ngôi nhà này…anh không phải là một thằng đàn ông nữa…

Nghe bố mắng, ông Cường chỉ biết cúi gằm mặt xuống đất để chịu trận. Nhìn con bằng ánh mắt tức giận, khinh bỉ, cụ Thịnh nói tiếp:

-Cả tháng nay…anh bỏ đi biền biệt…tôi ốm, vợ anh ở nhà lo thuốc thang chăm sóc, còn anh thì chạy đi theo gái…đi theo một đứa chỉ bằng tuổi con anh…Bây giờ…anh sắp bị đi tù vì ăn cắp của Nhà nước. Thế nào ? Chạy chọt xin xỏ khắp nơi, không được, cùng đường mới quay về nhà chứ gì…

Nghe bố nói vậy, ông Cường định nói điều gì để phân trần, nhưng cụ Thịnh đã nói át đi:

-Im…từ bé tôi đã dạy anh, khi bố mẹ nói gì thì con cái chỉ biết nghe, không được cãi…Hừ… trông anh kìa ! Một thằng đàn ông ngoài 50 tuổi…một vị giám đốc công ty…thế mà lại đánh mất nhân cách vì những đồng tiền bẩn thỉu…lại còn đưa cái bộ mặt như đưa đám ấy về nhà nữa…Anh là một thằng hèn…anh hiểu chưa…đã sai rồi, đã vi phạm pháp luật rồi…thì phải can đảm mà nhận tội. Vậy mà anh lại thất thểu, lại quỳ xuống xin xỏ sự cưu mang của người khác…tôi nói không sai đâu…tôi đánh giá được bản chất của anh từ hồi anh đi bộ đội, rồi đào ngũ…cũng may cho anh, hồi đó người ta xét công lao của tôi nên nương nhẹ cho anh…anh đã bám vào danh hiệu cán bộ lão thành cách mạng của tôi để đi lên. Để rồi bây giờ, anh bị sai phạm, lại định quỳ gối xin xỏ chứ gì? Đừng con ạ ! Nếu mày còn một chút nhân cách…nếu mày còn là một thằng đàn ông, thì phải biết đứng dậy, biết gột rửa tội lỗi của mình đi. Mày đừng chạy chọt, xin xỏ…đừng trốn về nhà nấp dưới váy vợ…nhục lắm…và đừng hy vọng lợi dụng uy tín của tao một lần nữa…Tao bằng này tuổi đầu rồi, nhưng tao vẫn tự hào là một người lính suốt đời đi theo cách mạng…còn mày…mày chỉ xứng đáng được gọi là một tên đào ngũ…một thằng ăn cắp…đi đi…mày hãy ra đầu thú đi…hãy tự cứu lấy mình bằng chính nhân cách của mình…con ạ !

Nói tới đây, cụThịnh ôm ngực ho rũ rượi. Từ nãy tới giờ bà Trâm đứng ở cách đó một quãng nghe bố chồng mắng chồng mình. Thấy cụ Thịnh ho và xúc động lảo đảo, bà vội chạy lại đỡ lấy cụ dìu vào phòng. Ông Cường định đến giúp vợ, nhưng cụ Thịnh đã cản lại:

-Anh…đừng đụng vào người tôi…

Ông Cường đứng trân trối, nhìn theo chết lặng, hai giòng nước mắt trên khuôn mặt ông chảy dài…

*

*        *

Bà Trâm nằm bên chồng, bà đã ngủ say. Nét mặt bà trông thật mãn nguyện. Trong khi đó, ông Cường vẫn thao thức:

-“Ta đã trở về nhà…dẫu muộn…nhưng thà như thế còn hơn…đây là mái ấm của ta…là nơi nương náu sau mỗi ngày làm việc mệt mỏi của ta…nhưng sắp hết ngày thứ năm rồi…sáng mai…sáng mai đã là thứ sáu…thứ sáu…thứ sáu…”

Nghĩ tới đây, ông Cường bước ra ngoài phòng khách. Ông nhìn lên bàn thờ tổ tiên, cái nhìn của sự sám hối…đau khổ, bẽ bàng…

Lát sau…bà Trâm chợt thức giấc, quờ tay sang bên không thấy chồng…bà hốt hoảng vùng dậy chạy ra…ngoài phòng khách…ông Cường đang nằm say sưa ngủ trên ghế xô pha. Nhìn chồng một lát, ánh mắt bà Trâm như dịu lại, bà vào phòng ngủ lấy ra một chiếc gối và một chiếc chăn mỏng bà đắp chăn rồi luồn chiếc gối xuống đầu chồng. Ông Cường vẫn ngủ say. Bà ngắm nghía chồng một lát với đôi mắt buồn pha sự lo sợ…rồi bà rón rén đi trở vào phòng ngủ…

*

*        *

Ông Cường vẫn say sưa ngủ, trong cơn mơ ông thấy mình đang sống trong tột đỉnh vinh quang. Tại buổi lễ trao chiếc máy nghiền bột đá cho nước bạn, ông được tôn vinh như một anh hùng. Mọi người trên ngực đều gắn bông hoa và nét mặt ai nấy đều rạng rỡ. Vị thủ trưởng của ông dơ cao cốc rượu, vui vẻ nói lớn:

-Thưa các quý vị ! Xin các quý vị hãy nâng cốc chúc mừng công ty LUVICO! Xin nâng cốc chúc mừng giám đốc Nguyễn Mạnh Cường , một giám đốc năng động, sáng tạo trong thời kỳ đổi mới. Nào…xin chúc mừng…

Những tiếng reo hò hưởng ứng nổi lên, người ta hân hoan nâng cốc chúc mừng ông. Cánh phóng viên nhà báo vây quanh ông, đèn flat thi nhau loé sáng…

ánh sáng chói loà khiến ông Cường bàng hoàng thức giấc. Ông đưa tay che mặt và trông thấy thay vì ánh đèn của nhà báo là cánh cửa mở rộng, ánh sáng từ ngoài ùa vào khiến ông chói mắt. Và ông ngỡ ngàng khi nhận ra trong ánh sáng chói loà đó là những người trong sắc phục cảnh sát.

Một sỹ quan cảnh sát đến bên ông, nghiêm giọng nói:

-Nguyễn Mạnh Cường, đứng dậy ! Anh đã bị bắt vì tội cố ý làm trái các quy định của nhà nước trong quản lý kinh tế.

Ông Cường lảo đảo đứng dậy, liền đó một chiếc còng số 8 bập vào tay ông, kèm theo là một câu hỏi:

-Anh có ý kiến gì nữa không ?

Ông Cường nhìn lên bức tường, nơi treo những tấm huân huy chương, bằng khen của ông, nhìn lại các sỹ quan cảnh sát. Rồi ông dơ cánh tay bị còng ra phía trước, nói bằng giọng bẽ bàng:

-Không còn gì để nói!

6 bình luận to “KHÔNG CÒN GÌ ĐỂ NÓI (Truyện phim)”

  1. hl said

    Tem cấy rùi đi trồng cơn đây!

  2. Như Mai said

    qua thăm nhà anh mô tê đây, cuối tuần vui vẻ nhá

Bình luận về bài viết này