MÔ TÊ RĂNG RỨA

Là nơi cung cấp nước chè xanh và kẹo cu đơ

Cuộc phiêu lưu của Mô Tê Răng Rứa (28)

Posted by CU MÔ trên 23.05.2011

Cuộc đời tôi là một chuyến phiêu lưu đầy mạo hiểm. Nếu một nửa sự thật là giả dối như người ta thường nói, thì một trăm phần trăm câu chuyện này giả dối như chính cuộc đời tôi.

Lại nói sau khi từ Hà Nội đi Hoà Bình một thời gian, do không mở được hiệu ảnh như dự kiến, nên bác Điều và mẹ tôi trở lại Hà Nội.

Vào thời gian này, chiến tranh gần như chưa ảnh hưởng gì đến mảnh đất nghìn năm văn vật. Hà Nội vẫn thanh bình yên ả, với những đôi trai thanh gái lịch nền nã trong tà áo dài của phụ nữ và gọn gàng lịch sự trong bộ âu phục áo sơ mi trắng, quần kaki của đàn ông.

Trong ký ức của tôi, Hà Nội lúc bấy giờ vẫn mang dáng dấp của một đô thị cổ mang phong cách á đông với sự pha trộn kiểu kiến trúc châu Âu thế kỷ 19, với những ngôi nhà mái ngói rêu phong lúp xúp, xen kẽ với những ngôi biệt thự sang trọng, đã tạo nên một đô thị có phong cách riêng biệt đối với những đô thị khác ở miền Bắc thời bấy giờ.

Là bây giờ hình dung lại, nghĩ lại để nói vậy thôi, còn hình ảnh đậm nét về Hà Nội trong tôi lúc bấy giờ là những cái cầu vượt bằng sắt dành cho người đi bộ. Phải thừa nhận rằng người Pháp có tầm nhìn xa trông rộng. Vào thời kỳ đó dân số Hà Nội chưa đông, người ngoại thành vào chưa nhiều, đường phố tuy không rộng, nhưng chưa bao giờ phải chen chúc khi đi lại, phương tiện giao thông chủ yếu là xe đạp, xích lô và xe kéo tay, nhưng ở các ngã ba, ngã tư họ đã cho xây dựng những chiếc cầu vượt dành riêng cho người đi bộ.

Tôi rất thích được leo lên những cây cầu này ngắm người xe đi lại bên dưới. Nhưng thích nhất, có lẽ là được đi hoặc ngắm nhìn những chuyến xe điện (hay còn gọi là tàu điện) chạy leng keng trên đường. Hồi đó, xe điện do người Pháp xây dựng là phương tiện đắc dụng nhất cho người Hà Nội nói riêng và người các nơi về thăm thú Hà Nội nói chung. Nói có vẻ hơi quá, nhưng chưa có thể nói rằng đã đi Hà Nội nếu như không đi xe điện.

Đó là những toa xe hình chữ nhật, được nối với một cái đầu tàu cũng hình chữ nhật. Mỗi xe điện có 3-4 toa.  Xe chạy trên đường ray được đặt chính giữa lòng đường phố. Để di chuyển, xe được tiếp điện thông qua một chiếc cần nối với dây cáp điện treo ở phía trên. Tôi khoái nhất khi được ngắm nhìn chiếc cần tiếp điện khi đi qua đoạn nối của dây điện lại toé lên những tia lửa sáng rực và những tiếng kêu lẹt xẹt lách tách, trông rất vui mắt và vui tai.

Nhưng ấn tượng nhất vẫn là tiếng tàu điện kêu leng keng leng keng mỗi khi tới bến đỗ đón khách. Bến đỗ thời bấy giờ được xây dựng tương tự như nhà chờ xe bus hiện nay. Mặc dù thời đó phương tiện đi lại khó khăn, nhưng không có cảnh chen lấn, xô đẩy. Mỗi khi có tàu điện đến, người dân rất trật tự, nhường nhịn nhau lên tàu và tự giác trả tiền khi người phụ lái đi bán vé.

Vé tàu điện là những tờ giấy nhỏ hình chữ nhật được đóng thành quyển, kẹp trên một mảnh ván gỗ mỏng. Giá cho mỗi lượt đi, không kể tuyến đi dài ngắn là 2 xu. Đó là đối với người lớn, còn “chíp hôi” như tôi thì được miễn phí hoàn toàn.

Còn nhớ một lần tại trước cổng ga Hàng Cỏ (nay là ga Hà Nội) đã xảy ra một vụ tai nạn giao thông do xe điện gây nên. Hôm đó, tôi cùng mẹ đi dạo chơi từ Văn Miếu ra ga Hàng Cỏ, chợt thấy chiếc xe điện dừng giữa đường, người xúm xít. Tới nơi mới hay, một đứa con gái trạc 10-12 tuổi, do bất cẩn thế nào đó khi tàu chưa dừng đã vội lên, nên bị trượt chân khiến bánh tàu đè phải bàn chân của nó.

Thương tích ra sao không rõ, nhưng tôi vẫn nhớ đứa con gái đó thật dũng cảm, mặc dù rất đau đớn, mặt mũi nó tái lại, người nhũn ra vắt vẻo trên vai một người đàn ông có lẽ là bố nó, nhưng nó không khóc, chỉ bặm môi lại chịu đau. Không rõ bây giờ cô bạn đó ở đâu, nhưng tôi thực sự khâm phục và đó cũng là hình ảnh ấn tượng cho tôi học tập đức tính dũng cảm, sự chịu đựng đau thương cho cuộc đời của mình sau này.

Một kỷ niệm nữa không thể phai mờ trong tôi. Đó là những ngày ở nhà bác Ba, tôi thường hay ra Văn Miếu, leo lên hai con sư tử đá ở cổng Văn Miếu để chơi. Còn nhớ một trong hai con đó bị sứt một tí ở tai. Sau này, khi trở lại tôi tìm con sư tử sứt tai nhưng không thấy. Có lẽ người ta đã “vá” cái tai sứt này cho nó rồi cũng nên.

Một lần ở nhà bác Ba, tôi nằm ngủ trưa nghịch ngợm đưa ngón tay moi vào một lỗ sứt ở tường, một hạt cát bong ra chui vào mắt. Tôi cố tìm mọi cách vẫn không tài nào lấy hạt cát ra được. Mắt đỏ tấy đau rát. Nhưng tôi nhớ tới cô bạn gái không quen bị tai nạn xe điện, nên tôi quyết không khóc. Sau đó, mẹ tôi có sáng kiến dùng một bát nước lạnh cho tôi dấp mắt vào chớp chớp mi, một lát sau hạt cát mới chịu bong ra theo nước.

Do bác tôi gợi ý và được bạn bè ủng hộ, mẹ tôi quyết định ở lại Hà Nội sinh sống. Nhưng muốn ở được đây thì phải có việc làm, song muốn có việc làm thì phải có hộ khẩu. Đó là những quy định bắt buộc đối với người dân miền Bắc thời bấy giờ muốn sinh sống và làm việc tại Hà Nội.

Vì lý do đó, mẹ tôi đã quyết định về Vinh xin giấy tờ để ra Hà Nội tìm kiếm việc làm. Mang tôi về thì bất tiện, gửi lại nhà bác gái chị mẹ tôi ở Văn Miếu thì hình như bác rể không đồng ý, vì thế mẹ tôi đã gửi tôi lại cho một người bạn của bác Điều cũng ở Văn Miếu trông dùm.

Vào một buổi sớm đầu thu năm 1965, tôi thức giấc không thấy mẹ đâu, cũng như bao đứa trẻ khác, tôi khóc gào tìm mẹ. Lẽ ra nhà chủ phải dỗ dành, giải thích cho tôi hiểu, nhưng họ cứ thản nhiên như không, cứ mặc cho tôi gào khóc, khóc cho đến khi mệt thì ngủ thiếp đi, tỉnh dậy tôi lại khóc. Cứ thế…

Nhưng rồi nỗi nhớ mẹ cũng nguôi ngoai, khi tôi phát hiện gia đình này có một tủ sách đầy ắp với đủ loại sách từ cổ chí kim. Mặc dù hồi đó tôi chưa đi học, nhưng không hiểu sao đã có thể đọc được sách báo. Hễ vớ được cuốn sách thiếu nhi nào là tôi đọc nghiến ngấu quên cả ăn lẫn ngủ. Vì thế, khi phát hiện ra gia đình này có tủ sách, tôi thích lắm liền vớ lấy một cuốn truyện thiếu nhi để đọc.

Nhưng rủi thay cho tôi, từ chủ nhà cho tới con cái họ phát hiện ra tôi lấy sách đọc, thế là họ cấm đoán, thậm chí đe doạ khiến tôi rất sợ. Nhưng nỗi thèm khát được đọc sách quá lớn, nên tôi cứ rình khi người nhà không để ý là vớ lấy một cuốn rồi chui xuống gậm giường để đọc. Tôi đọc mải mê, say sưa đến mức quên cả ăn cơm. Được cái tới bữa cơm, nhà chủ không thấy tôi đâu, họ cũng mặc kệ, chẳng thèm tìm kiếm. Họ cứ việc ăn, còn tôi cứ say sưa đọc…

Nhưng thú vui đó của tôi không được bao nhiêu. Phát hiện ra tôi lén lấy sách đọc, nhà chủ tỏ ra đặc biệt nghiêm khắc, cấm tôi tuyệt đối không được xớ rớ đến cái tủ sách quý giá kia nữa. Thế là tôi đành ngậm ngủi thui thủi chơi những trò chơi vớ vẩn nào đó một mình.

Ngoài thú đọc sách, tôi có một thú vui khác, nói đúng hơn là nỗi thèm khát khác, đó là gần nhà nơi tôi ở có một quầy hàng quốc doanh bán nước giải khát. Hồi đó không như bây giờ, kinh doanh cái gì cũng phải vào tập thể. Nếu như bây giờ muốn mở một quán bán nước giải khát thì cứ việc. Nhưng hồi đó phải xét tuyển được làm xã viên HTX hoặc công nhân viên ngành ăn uống thì mới được nhận vào làm một chân bán hàng.

Người bán đã vậy còn người mua cũng chẳng hơn là mấy. Muốn mua được một cốc nước ngọt hay nước chanh, thì phải xếp hàng, có khi rồng rắn kéo dài trên hè phố, mua được cốc nước thì người cũng đã ướt sũng mồ hôi. Mà nào có phải trả tiền là được cốc nước ngay đâu. Người thu tiền sẽ trao cho khách một tấm thẻ (còn gọi là tích kê) hình vuông bằng kim loại, phần lớn làm bằng nhôm, trên đục một ký hiệu gì đó đủ để phân biệt đâu là nước ngọt, đâu là nước chanh, đâu là bia…

Sau đó, khách lại đến xếp hàng ở quầy giao hàng, trao cho người phục vụ tấm thẻ và được giao cốc nước. Lúc này khách mới thực sự được…giải khát. Vất và là thế, nhưng người ta vẫn xếp hàng thành một chuỗi dài rồng rắn trên hè phố, kiên nhẫn chờ đợi hàng tiếng đồng hồ để mua cho được cốc nước. Thế nhưng, không ai thở than oán trách, không ai cố tình chen lấn xô đẩy. Tất cả đều diễn ra trong trật tự và im lặng với vẻ mặt cực kỳ kiên trì chịu đựng. Ánh mắt của họ chỉ rực lên, nét mặt của họ chỉ thực sự rạng rỡ khi đón cốc nước và sung sướng ngửa cổ ực những ngum nước ngọt mát rượi vào tấm thân nóng rực vì chờ đợi quá lâu, quá vất vả của mình.

Lại nói ngoài thú đọc sách, tôi còn có cái thú lân la ra chỗ quầy hàng quốc doanh bán nước giải khát này. Tất cả chỉ đơn giản một điều, tôi rất thèm được uống những cốc nước ngọt lành, mát rượi và thơm phức mùi xi rô, mùi va ni đó. Nhưng tôi không có tiền. Tôi chỉ có ánh mắt thèm khát và cái miệng há hốc hớp theo miệng của những vị khách người lớn đang háo hức uống kia thôi.

Để thoả mãn cơn thèm muốn đang thôi thúc trong cái thể xác bé nhỏ của mình, tôi đã nghĩ ra một cách để giải toả. Đó là chờ cho một người khách nào đó uống xong cốc nước, ở trong còn thừa một chút đá lạnh là tôi thò tay vào cốc, lấy cục đá lạnh đó ra cho vào miệng. Đến bây giờ, tôi vẫn còn cảm giác của vị ngọt lờ lợ do nước ngọt còn dính ở viên đá, mùi thơm thơm của dầu va ni hoặc xi rô và cái mát lạnh của viên đá.

Cứ thế, ngày ngày tôi tha thẩn ra chỗ quầy quốc doanh bán nước lưu động trên hè phố này để kiếm chút đá thừa của khách dưới cái nắng oi ả của tiết trời mới sang thu. Một lần như thế, tôi phát hiện ra bác Đào (tức là bác rể chồng bác Ba chị gái của mẹ tôi) đi tới. Hôm đó, bác mặc một bộ đồ xanh công nhân, đầu đội mũ lưỡi trai. Bác có thói quen khi đi thường hay nhìn xuống đất. Nhưng do người ta kê bàn giải khát ở hè phố, nên khi đi qua đó bác phải ngẩng lên nhìn để tránh và bác nhận ra tôi.

Tôi cũng nhìn thấy bác và chạy ào tới đón. Thấy tôi chạy tới định ôm, bác hơi lùi lại một bước, vẻ mặt lạnh lùng, bác chỉ hỏi tôi một câu: “Đức đấy à? Ra đây làm gì, về đi! “ Nói xong bác lách mình đi thẳng. Tôi đứng sững nhìn theo bác. Tôi muốn khóc, vì ngoài mẹ ra, ở chốn toàn người xa lạ này tôi chỉ có bác là người thân nhất…

Sau khi bị cấm đọc sách và từ khi gặp bác Đào, nỗi nhớ mẹ trong tôi lại bùng lên. Cứ mỗi lần như thế tôi lại khóc và mong ngóng mẹ về. Vào một buổi trưa đầu thu như thế, khi ánh nắng đang dội lửa xuống mặt đất, tôi nhớ mẹ vô cùng. Bác chủ nhà bảo tôi vào tắm rồi đi ăn cơm, nhưng tôi không chịu đi tắm, chỉ ngóng ra đường trông mẹ.

Gia đình chủ nhà cũng chẳng dỗ dành tôi lấy một tiếng, họ dọn cơm ra và thản nhiên ăn, để mặc tôi ngồi ở bậu cửa sát vỉa hè khóc vì nhớ mẹ…

Có lẽ Trời đã động lòng thương cái hình hài bé nhỏ của tôi. Vì đúng lúc tôi bắt đầu mệt lả vì nắng và đói thì chợt mẹ tôi ở đâu xuất hiện. Tôi gào lên sung sướng: “Mẹ…!” và lao tới ôm chầm lấy người.

Mẹ tôi đứng chết sững khi nhìn thấy tôi đầu tóc vàng vọt vì cháy nắng, mặt mũi đen nhẻm vì bụi đất, toàn thân ướt sũng vì mồ hôi, cổ khản đặc không nói rõ tiếng…

Mặc dù chủ nhà ra sức phân bua. Mẹ tôi không nói lại một lời. Người đưa tôi vào nhà, tắm gội cho tôi sau đó thu xếp hành trang và xin phép chủ nhà đưa tôi đi…

Hai mẹ con tôi ra khỏi ngôi nhà đó. Mẹ đưa tôi đến cửa hàng ăn uống quốc doanh. Tôi thích ăn món gì, mẹ tôi cho ăn món đó. Có lẽ đó là bữa ăn thoả thê, ngon lành và hạnh phúc nhất cuộc đời tôi.

Ăn xuống xong, mẹ tôi quyết định đưa tôi về nhà chị gái là bác Lê Thị Năm ở thôn Kim Lũ, xã Đại Kim, huyện Thanh Trì, Hà Đông.

Muốn biết chuyến đi Hà Đông của mẹ con tôi thế nào, xem tiếp hồi sau sẽ rõ!

57 bình luận to “Cuộc phiêu lưu của Mô Tê Răng Rứa (28)”

  1. trà hâm lại said

    Tối mới còm. Chừ lấy tem thôi !

  2. Cái nhà mà bác ở nhờ có nhiều sách thế để làm gì nhỉ? Chẳng biết họ quê đâu mà làm xấu cả Hà nội !!!!

  3. Phay Van said

    Hai mẹ con tôi ra khỏi ngôi nhà đó. Mẹ đưa tôi đến cửa hàng ăn uống quốc doanh. Tôi thích ăn món gì, mẹ tôi cho ăn món đó. Có lẽ đó là bữa ăn thoả thê, ngon lành và hạnh phúc nhất cuộc đời tôi.
    ————–
    Khi viết những dòng này chắc chắn là bác Mô rất thương nhớ mẹ.

  4. ha linh said

    Nghĩ tội nghiệp Mô, tuổi thơ đầy gian khó!

    • said

      Tội nghiệp Mô thiệt à, rứa mà không thấy dỗ dành à ơi Mô chi cả 😀

      • ha linh said

        thì biến đau thương thành hành động cách mạng, vô còm chia sẻ thôi chứ biết mần răng chừ hè!

        • said

          Mần răng thì ai biết mần răng!

          • ha linh said

            mần răng là mần ri!?

          • said

            Không chơi cái kiểu nói xây quanh để lẩn trốn trách nhiệm mô nha!

          • ha linh said

            entry này rất “đời” đó Mô, không có nghĩa kể những kỉ niệm xấu là đời, nhưng ý HL nói đó là một cuộc sống thật sự có nghĩa cả và có cả tiểu nhân. CUộc kháng chiến vốn dĩ được mô tả như tất cả thành anh hùng, tiên nữ hết…giông giống nhau. Nhưng những điều Mô viết là cuộc sống nóng hổi đủ các ái ố nộ hỉ, vì thế người đọc cảm giác như bước cùng Mô về những ngày đó thật tự nhiên, có giọt nước mắt tấm tức của cậu bé Mô đói và buồn, có nỗi buồn của người mẹ gian truân phải gửi gắm con khắp nơi…có những kẻ bo bo giữ cho riêng mình một bát cơm, một cuốn sách…CHiến tranh không phải lúc nào cũng là khúc tráng ca ,chiến tranh còn là giọt nước mắt trong veo rơi lặng lẽ trên má em bé cô đơn vì xa mẹ…
            Cảm ơn Mô!

          • said

            ureshii!

          • cú đỉn said

            Chưa nghe nói câu mần ri bao giờ, chỉ nghe mần như ri :HN phát triển ngôn ngưc quê choa à ?

          • ha linh said

            anh Giai Cú: mần răng: làm thế nào. Mần ri: làm thế này.
            Nghĩa câu trên: Làm thế nào là làm thế này này!

        • cú đỉn said

          Cám ơn Bé HN nhé, ra rứa ( ra như rứa).Cứ phải hỏi chi kĩ vì hàng ngày tiếp xúc với bà con đồng hương Hn rất nhiều…

          • ha linh said

            Anh Giai Cú: có thể nói ri nì:
            ” Mần răng? mần ri được không?( làm thế nào/ làm sao làm thế này được không?” ” Mần ri à( làm thế này à?)” hoặc có khi người ta hỏi anh:” Răng lại mần ri?( sao lại làm thế này?)
            Chúc anh Giai Cú thành công trong việc sử dụng ngôn ngữ Nghệ!

          • said

            Người ta còn có thể nói: “Mần ra răng”, “mần ra ri” nữa.
            Có lẽ anh Giai Cú đang Kưa một em Nghệ bên đó nên miệt mài luyện thổ ngữ quê choa đó HL nờ 😀

          • ha linh said

            riêng anh Giai Cú khi nào cũng có tâm tình Hà Tĩnh lắm Mô nợ!

    • cú đỉn said

      Lại úi giời rồi, chuyện vặt, hồi nớ ai chả khổ.Gc về sơ tán nhà quê còn thấy có nhà phải lấy nong ( là thứ dùng để phơi thóc đường kính độ 1,5 m rồi trải rơm ra, trải chiếu lên nằm ngủ..thích lắm, chỉ ước đêm cứ dài mãi để khỏi dậy sớm đi học.

  5. Hà Bắc said

    Cái giao diện mới của anh chạy tốn xăng quá. Anh đổi lại như cũ cho dễ xem.
    Em chưa kịp đọc đâu, nhiều việc quá anh à.
    Chúc anh một tuần mới với nhiều niềm vui mới.

    • said

      Không phải do giao diện đâu HB ạ! Đấy có thể là do đường truyền lúc cao điểm nhiều người truy cập, nên có hiện tượng bị chậm lại, tựa như giao thông ở HN lúc cao điểm ấy mà. Cũng có thể do em dùng Firefox phiên bản cũ nên mới bị chậm lúc truy cập .
      Anh thay giao diện này là do giao diện trước phần chứa nội dung quá hẹp, rất khó đọc, nhất là đối với những bác có tuổi. Nếu HB để ý sẽ thấy ngay chữ viết anh Mô cũng phải cho đậm lên để các bác dễ đọc. Dùng giao diện này, anh Mô thấy thoáng đãng hơn, chữ viết và hình ảnh không bị bó hẹp, rất dễ xem và dễ đọc. Đó là sự thể hiện tôn trọng đối với bất kỳ ai vào đọc blog của mình, nhất là các bác, các anh chị lớn tuổi, chứ không phải anh Mô thay đổi giao diện tuỳ hứng đâu. Phần nữa anh Mô thấy hình thức giao diện này đẹp hơn giao diện trước, màu sắc, kiểu chữ hài hoà, phần comments cũng rộng rãi hơn.
      Tuy nhiên, anh Mô quan niệm blog Mô Tê Răng Rứa như một cái quán nhậu, là chung của tất cả mọi người yêu mến blog này, nếu mọi người cũng đồng quan điểm như HB thì anh Mô sẵn sàng sử dụng lại giao diện cũ.

  6. Dân cổng chốt said

    Tui đi tầu điện lần đầu vào hè 1964.chẳng thích bằng đi xe điện(quê tui thời trứớc kêu ô tô là xe điện).
    Khi nhỏ,tui cũng giống Mô,mê đọc sách.Nhà tui và nhà ông Bác tui sách báo rất nhiều.Đến chiến tranh phá hoại bị bom “dấn” gưn hết.Khi tui đi bộ đội vãn còn khá nhiều.Đến 1975 về thì mất mô sạch trơn.Tiếc!

    • said

      Hồi trước dân Nghệ miềng còn gọi ô tô là xe địu nữa anh Dân cổng chốt nờ. Sở dĩ gọi rứa là vì ô tô có lốp xe bằng cao su, mà cao su thì dân ta gọi là “địu”.
      Bây chừ đọc sách vẫn tuyệt chớ anh đồng hương. Chỉ có điều thời gian eo hẹp quá và có nhiều phương tiện giải trí khác, nên đọc một cuốn sách có khi phải mất cả tháng thay vì vài ngày thậm chí một ngày như trước kia.

      • Dân Cổng chốt said

        Khi chiều,đang dùng máy con bé út.Nó đòi, chạy lên nhà nhờ may thằng con đầu.Đánh mới cái địa chỉ, thiếu 1 chữ “a”-nó ra cấy hình khác(máy nó nhỏ tí,dùng không quen).Tui dốt.Không biết chi máy tính hết.
        Mô có lẽ không biết ngày trước,từ Nam đàn đi Vinh còn phải đi bằng xe ngựa(tui đi được 1 lần,sướng lắm).Còn thì Cậu tui đèo bằng xe đạp.Một lần được đi thuyền từ Cửa tiền lên Cầu Con Giai(Nam anh-Nam đàn) mất gần 1 đêm.

        • said

          Anh đồng hương cần chi phải đánh toàn bộ địa chỉ cho vất vả. Nếu không cài đường link ở blog, thì chỉ cần đánh một lần địa chỉ ở thanh công cụ tìm kiếm của Google, ví dụ: Mô Tê Răng Rứa hoặc htttp://moterangrua.wordpress.com. Sau khi vào địa chỉ truy cập xong, lần sau anh vô Google chỉ cần gõ chữ Mô hoặc http:// là địa chỉ đã mặc định xuất hiện ra, chỉ việc enter là được.
          Cách đây chừng hai mươi năm, ở Vinh vẫn dùng xe ngựa để chở khách. Sau khi có xe taxi thì mới hết xe ngựa.
          Nhưng Mô vẫn thích đi xe ngựa hơn taxi, ngồi ở trong cà dập cà dềnh, vừa được ngửi mùi nước đái ngựa vừa được ngắm mấy em hàng cá hàng tôm đi chợ. Sướng! 😀

  7. Em vào máy tính thì thấy bài viết được thu hẹp lại khoảng 1/3 màn hình. Phần comment thì thành hàng dọc. Chẳng rõ nguyên nhân thế nào.
    Đọc phần này em thấy thương anh quá. Sao thời kỳ đó có nhiều người vô cảm và khắt khe qúa đáng thế.
    Em phát hiện thứ nhất anh mắc bệnh ham đọc từ nhỏ nên anh theo nghề viết. Thứ hai anh cũng không mè hè như em tưởng. He he.
    P/s. Anh sửa giúp địa điểm TT HĐ thành Thanh Trì Hà Nội nhé.

    • said

      Có lẽ máy tính của HB bị lỗi.Em thử ấn phím Ctr, giữ nguyên thế và dùng ngón trỏ tay phải di vào chuột chỗ bánh xe dich chuyển trang xem sao. Vì giao diện này được mở hết cỡ và phần comments anh đã chọn thành 6 cỡ.
      Địa điểm: Thanh Trì Hà Đông là anh viết chính xác, vì thời kỳ đó (thập kỷ 60) huyện Thanh Trì đang thuộc thị xã Hà Đông, đâu vào thập kỷ 80 gì đó mới sát nhập vào Hà Nội.

      • Hà Bắc said

        Ờ hén ! Em cứ nghĩ của thời nay mà quên mất anh đang kể chuyện thời xưa.
        Anh Mô kỳ công quá. Giờ mà gặp lại những người cũ, cho họ đọc lại những đoạn này chắc họ không còn lỗ nẻ để chui xuống 🙂

        • said

          Những người cũ như HB nói đó bây giờ phần lớn đều trở thành thiên cổ rồi em ạ! Vợ chồng bác Ba, bác Đào, bạn của mẹ anh Mô là bác Điều đều đã mất cách đây mấy chục năm. Nhà chủ anh Mô ở nhờ có lẽ cũng vậy.
          Hơn nữa, anh Mô kể chuyện đời mình không nhằm mục đích lên án bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào cả. Thực tế cuộc sống diễn ra và liên quan đến cuộc đời mình như thế nào thì anh Mô kể lại một cách trung thực như thế.

          • cú đỉn said

            Mô cứ yên tâm mà mô tả hiện thực, đừng ngại . Người HN là rứa đó ( mình không vạch áo cho người xem lưng mô).Mình đi nhiều, sống nhiều nơi với nhiều người ở nhiều vùng QB, HT, NA… HP. HY, HD…rất nhiều không nhớ hết. Bây chừ văn minh rồi, người ta có thể kể cả những tật xấu của một vùng quê mô đó , bằng cái Tâm sáng là được.

          • said

            Cảm ơn anh Cú đã động viên khích lệ. Mô sẽ cố gắng kể một cách chi tiết và trung thực như nhắc nhủ của anh Cú!

      • cú đỉn said

        Mô xem lại cho kĩ. Hồi học lớp 2 hay 3 chi đó ( Chưa có chiến tranh) Giai cú được đi cắm trại tại bờ sông Tô Lịch đoạn chảy qua Thanh trì.Hồi nớ nác sông còn trong xanh biêng biếc , chớ chưa bị ô nhiễm bốc mùi như bây chừ.Thanh trì đã được cắt cho Hà nội rồi. HB nói đúng đó.Mô hỏi VTN thì rõ.

        • said

          Anh Cú nói đúng. Gần nơi Mô ở hồi đó có con sông nước trong xanh biêng biếc (Mô sẽ nói trong kỳ tới).
          Đúng là Thanh Trì đã được cắt cho HN, nhưng vào thập niên 60 Thanh Trì vẫn đang thuộc tỉnh Hà Đông (cũ). Do vậy, Mô nói Thanh Trì-Hà Đông là nói về giai đoạn thập niên 60 chứ không phải sau này. Khoảng cuối thập niên 80 gì đó Thanh Trì mới được cắt chuyển về Hà Nội, hình như cũng vào dịp HN mở rộng Thủ đô lấy cả đất Sóc Sơn, Mê Linh (Vĩnh Phú-Nay là Vĩnh Phúc) để nhập vào. Sau này, vào thập niên 90 người ta lại trả Mê Linh lại cho Vĩnh Phúc…

          • hth said

            Máy tính của em cũng rất khó đọc, các còm nối sau mỗi chữ một dòng, dài thuồn. Bác xem lại sao không khó đọc lắm.
            Em cũng ngờ ngợ khi bác Mô nói Thanh trì thuộc Hà đông vì nhớ khi bé, em được mua cho 1 quyển bản đồ rất đẹp thì Thanh trì đã thuộc Hà nội rồi. Em vừa hỏi Gúc gồl thì kết quả như thế này:
            ” Trước năm 1945, huyện Thanh Trì thuộc phủ Thường Tín tỉnh Hà Đông. Sau đó do đòng chí Phạm Tiến Đạt có một cuộc cai cách về ruộng đất nên vào năm 1961, huyện Thanh Trì được sáp nhập vào Hà Nội.”

      • said

        Mô không rõ thế nào, nhưng vào thời kỳ đó vẫn gọi Thường Tín tỉnh Hà Đông. Vấn đề này để Mô xem lại một tí, tuy nhiên trước mắt Mô vẫn gọi thế (không phải bảo thủ đâu nhé) để tôn trọng ký ức và cách gọi của mọi người lúc đó.

      • Hà Bắc said

        Anh cứ kể chuyện tự nhiên đi nhé, mọi người đang chờ anh cho xem thước phim bằng màn hình toàn chữ đó. Em cũng chẳng có ý phê phán những người xưa mà chỉ thấy thương anh với một tuổi thơ đầy sóng gió.

  8. Có lẽ Mô@ trưởng thành hơn đồng lứa là nhờ vào những chuyến phiêu lưu ni. Tội nhất mẹ, những bà mẹ Việt nam nào cũng tuyệt vời như mẹ, Mô@ hè ?

    • said

      Cảm ơn anh Trà đã cảm nhận được điều đó! Cũng chính vì rứa nên bây chừ Mô mới có cái mà kể lại cuộc đời mình, trước là để cho mọi người gần xa chia sẻ, sau là để cho con cháu biết được ông, cha nó trước đây như thế nào. Cũng là một kiểu “gia phả” đời mới thôi anh ạ!

  9. levinhhuy said

    Cu Mô lúc này dần lớn, quan sát và cảm nhận nhiều, anh hè! Đoạn cu cậu thò tay vét cục đá thừa trong ly xi-rô làm em bồi hồi, giá mờ được đãi cậu ấy cả một ly kem đầy thì sướng cho em quá!…

  10. huongbuoi said

    sáng mai đi thi nên nợ bác Mô 1 cái còm vì chưa đọc được. hì hì. chúc hai bác ngủ ngon. 🙂

  11. ha linh said

    à hiểu rồi Mô à, cái cách Mô đặt còm thế này, làm cho những còm về sau càng bị thu hẹp lại, nên nếu người sau cùng thì còm bị dài thòng ra đó.

    • said

      Mô đã phát hiện ra vấn đề, tất cả là do màn hình có cấu hình khác nhau nên dẫn đến điều đó. Mô đã chỉnh sửa để phù hợp với tất cả màn hình rồi.

Gửi phản hồi cho Phay Van Hủy trả lời