MÔ TÊ RĂNG RỨA

Là nơi cung cấp nước chè xanh và kẹo cu đơ

Cuộc phiêu lưu của Mô Tê Răng Rứa – 1

Posted by CU MÔ trên 14.08.2010

Cuộc đời tôi là một chuyến phiêu lưu đầy mạo hiểm. Nếu một nửa sự thật là giả dối như người ta thường nói, thì một trăm phần trăm câu chuyện này giả dối như chính cuộc đời tôi!

(1)

Vào những năm cuối thập kỷ 50 của thế kỷ XX, Vinh vẫn đang là một thị xã bé nhỏ với mấy khu phố nghèo nàn chủ yếu là nhà  tre mái lá và những con đường rải đá dăm, thảng hoặc mới có đôi ba đoạn rải nhựa. Nhà tôi ở khu phố 2, đó là theo cách gọi hành chính, còn  người dân quen gọi là Cổng Chốt. Đơn giản vì khu vực tôi ở nằm gọn trong thành cổ Vinh với các cổng được gọi là Cửa Tiền, Cửa Tả và Cửa Hữu. Thời Pháp thuộc, người dân từ trong thành ra, ngoài thành vào đều phải qua các cửa này, cửa được mở theo quy định, còn bình thường thì được chốt (đóng) lại để đảm bảo an ninh trật tự. Sau này và cho tới tận bây giờ, phần lớn người dân gốc Vinh đều sống tập trung ở đây.

Thành cổ Vinh

Trong ký ức của tôi, thị xã Vinh hồi đó nghèo, bé nhỏ nhưng thật êm đềm, thị dân nếu là những người thuộc tầng lớp tiểu tư sản, công chức nhà nước  thì đàn ông tóc cắt cao, chải đầu rẽ ngôi, mặc áo sơ mi trắng, quần tây bằng vải kaki, hút thuốc là Sông Lam do nhà máy thuốc là Nghệ An sản xuất, nếu sang thì hút thuốc lá Điện biên do nhà máy thuốc lá Hà Nội sản xuất. Phụ nữ đánh phấn, tô son, chải tóc bồng, mặc áo cổ cánh sen, quần lụa đen hoặc áo dài, quần lụa trắng,  một số người ăn trầu, đa phần thì không. Nếu thuộc tầng lớp lao động bình dân, đàn ông mặc quần bà ba màu gụ, áo trắng cháo lòng; đàn bà mặc yếm, váy bằng vải sồi màu nâu hoặc màu đen, đầu quấn khăn, miệng nhai trầu bỏm bẻm suốt ngày, hàm răng đen rưng rức. Nhưng dù tiểu tư sản hay bình dân, người thị xã Vinh hồi đó đều sống hiền hoà, lương thiện, nền nếp gia phong. Người lớn nói năng nhỏ nhẹ, lịch sự; trẻ con tuy nghịch ngợm nhưng ngoan ngoãn lễ phép. Hàng ngày người lớn đi làm, trẻ con đi học. Hồi đó Vinh còn có người của một số quốc gia khác đến sinh sống như người Hoa, người Ấn Độ, cũng như những người dân Vinh khác, bà con Hoa kiều, Ấn kiều cũng sống một cách hiền hoà, thân thiện và làm ăn cần cù chịu khó. Người Ấn chủ yếu buôn vải, người Hoa buôn thuốc bắc và các loại hàng hoá nhỏ khác. Sau này không hiểu vì lý do gì người Ấn Độ về nước hết. Còn người Hoa, khi cuộc chiến Trung – Việt xảy ra năm 1979, một số về nước, một số bị đưa lên xây dựng quê hương mới ở huyện Hương Khê (Hà Tĩnh). Hiện nay ở Vinh chỉ còn lại một tỷ lệ người Hoa không đáng kể.

Chiều chiều hồi đó, sau khi cơm nước xong, người theo đạo thiên chúa thì đến Nhà thờ Cầu rầm (trong chiến tranh bị phá huỷ, nay Nhà thờ đã chuyển đến vị trí khác cách đó chừng 500 mét) người theo đạo Phật thì đến chùa Diệc (năm 1974 bị phá, nay chỉ còn mái tam quan trên đường Quang Trung, phần đất của chùa người ta xây dựng nhà hàng, cơ sở massage), hoặc chùa Diệc (hay còn gọi là chùa Sư Nữ vì sư là bà Thích Diệu Niệm, người Huế trụ trì, bà đã mất cách nay hơn 10 năm) để tụng kinh, cầu nguyện. Người không theo tôn giáo nào ( hay còn gọi là người Lương) thì đến rạp chiếu bóng 12/9 trên đường Quang Trung (rạp này hiện nay vẫn còn), hoặc rạp Hoà Bình (nay không còn dấu tích), Nhà hát Nhân dân (nay là siêu thị Intimex) để xem phim, xem kịch. Đến nay người ta vẫn lưu truyền câu nói “Thượng Cầu Rầm-Hạ Bến Thuỷ” nghĩa là tiếng chuông Nhà Thờ Cầu Rầm vang tới tận Bến Thuỷ Lối. Điều đó cũng nói lên một điều thị xã Vinh hồi đó bé nhỏ, nhưng hết sức hiền hoà lịch thiệp và có một đời sống tâm hồn vô cùng phong phú. Lối  sống này có lẽ là sự giao thoa giữa hai nền văn hoá Việt-Pháp, giữa lối sống phương Đông với lối sống phương Tây, giữa nho giáo với Thiên chúa giáo và Phật giáo. Cho đến tận bây giờ, khi đã bắt đầu quá cái tuổi tri thiên mệnh, tôi vẫn là một đứa trẻ của một Vinh xưa cổ kính mà hiện đại, nghèo khó nhưng thiện lương và tôi vẫn luôn nghĩ về một thị xã Vinh của những năm sáu mươi với một nỗi nhớ cháy lòng. Bởi đây là nơi tôi sinh ra và bắt đầu bước vào một cuộc phiêu lưu đầy mạo hiểm…

Còn nữa

22 bình luận to “Cuộc phiêu lưu của Mô Tê Răng Rứa – 1”

  1. hl said

    nói chung ngày xưa cái chi cunga hay hè, dạ chào Cụ!

  2. hl said

    nhưng tui công nhận Vinh là một trong những thành phố đẹp ở VN đó…Tự hào rất đỗi về thành Vinh nới có bạn Đức của tui, có các cháu yêu quý của tui, có các em thương nhớ của tui!

  3. Dạ Thảo said

    Òa òa ! Tính chạy qua bóc cái tem, ai dè chị tui bóc rồi 😦

  4. Dạ Thảo said

    Hay quá ! Bài viết giàu hình ảnh, có nhịp điệu lúc trầm mặc, khi sinh động. “Cho đến tận bây giờ, khi đã bắt đầu quá cái tuổi tri thiên mệnh, tôi vẫn là một đứa trẻ của một Vinh xưa cổ kính mà hiện đại, nghèo khó nhưng thiện lương và tôi vẫn luôn nghĩ về một thị xã Vinh của những năm sáu mươi với một nỗi nhớ cháy lòng”, nhiêu đây thôi, cũng biết anh Đức của Út là một người con tha thiết yêu quê mình. Cám ơn anh cho Út cái nhìn cận cảnh về quê hương của anh, chị (anh Đức, chị Linh) mình! Út thích xem các phóng sự, kí sự trên truyền hình nói về non sông gấm vóc. Biết sâu hơn về lịch sử, văn hóa một địa danh đất nước mình là một cách học yêu nước hữu hiệu nhất!

    • Là con dân Việt thì ai cũng yêu quê hương, đất nước mình cả thôi Út à, có khác chăng là khác về quan điểm chính trị mà thôi. Anh cũng rứa, anh yêu quê, yêu nước nhiều khi cực đoan lắm, nhưng anh không phân biệt lòng yêu nước theo kiểu “chiến tuyến”. Anh tôn trọng cả cộng sản lẫn quốc gia và chỉ mong sự hoà giải sớm về trên quê hương Việt, để những người máu đỏ da vàng nắm tay nhau đi trên con đường hạnh phúc!
      Anh viết “cuộc phiêu lưu…” này với mục đích kể lại một phần cuộc đời mình, nhưng cũng là để giới thiệu cho bè bạn xa gần biết thêm một thời của quá khứ, một phần máu thịt của Tổ quốc mình đó Út. Út chịu khó theo dõi nhen. Nếu anh viết dở thì cứ chê ào ào, còn viết hay thì cứ khen tơi tới nghen Út he he

  5. Dạ Thảo said

    NGUYỄN NGỌC ĐỨC :
    Ừa, nói túm lại miễn sao dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng văn minh là được phải không Út

    Dạ ! 🙂 Chúc anh tuần mới như ý ! 🙂 🙂 😀

  6. Đọc bài này bỗng thấy nao lòng …mới đó thôi mà tóc đã hoa râm !
    Ngày xưa yêu dấu ơi…

  7. QuêBác said

    Trật một tẹo nha tác giả “phiêu lưu”.
    Chùa Diệc, cổng trước còn ngoảnh ra đường Quang Trung. Đó không phải là mái Tam Quan.Phần đất nhà chùa Diệc bị công ty xây dựng số 1 cũ “chiếm”.
    Chùa Cần Linh, hay gọi là chùa Sư Nữ, đúng là có sư cô Thích Diệu Niệm trụ trì nhưng ở trên bờ hồ Cửa Nam, cạnh đường ray tàu hỏa nha.
    Giới thiệu sơ bộ về các cửa, cổng thành Nghệ an( Thành Vinh) mà không nêu chút lí do thành Vinh không có cửa Hậu. He he…( Thanh vô Tiền, Nghệ vô Hậu hoặc Tiền Thanh Hậu Nghệ…vưn ..vưn)
    Chúc bác mạnh khỏe, vui vẻ và yêu đời…

    • “Chùa Diệc, cổng trước còn ngoảnh ra đường Quang Trung.” Có lẽ QuêBác nói đúng, vì chùa bị phá lâu rồi (36 năm) nên có thể anh quên. Nhưng cổng chùa còn sót lại đúng là mái tam quan, vì đây là cổng chính vô chùa và có 3 lối đi (nên gọi là tam quan).
      Phần đất chùa Diệc đúng là bị Công ty XD số 1 cũ “chiếm”, người ta xây khách sạn và cơ sở massage. Hiện nay, một số phật tử căng bạt ở ngay cổng chùa để hương khói, nghe đâu người ta đang đấu tranh để XD lại Chùa Diệc, nhưng chính quyền không đồng ý.
      Nói thêm một tí: Sau khi Chùa Diệc bị phá, ngay trên nền chùa sát đường Quang Trung,có một cửa hàng HTX chuyên bán bún, phở, mỳ sốt vang…do một số bà già phụ trách, được chừng mấy năm thì giải tán.
      Đúng là Chùa Cần Linh ở gần bờ hồ Cửa Nam. Sở dĩ anh nói chùa Cần Linh vô đây, vì chùa Cần Linh vốn gần Nhà thờ Cầu Rầm (cũ). Do vậy, cứ chiều chiều tiếng chuông nhà thờ và tiếng chuông chùa hoà quyện nhau, tạo nên một đời sống tín ngưỡng, tâm linh rất thanh bình yên ả.
      Nói thêm: Hồ Cửa Nam thực ra sau này mới được người ta tạo nên từ những hố bom của Mỹ ném xuống thời chiến tranh. Trước đó, vào những năm 60, đây còn là bãi đất trống sát với cổng nhà thờ Cầu Rầm (cũ).
      Đầu tiên anh cũng định nêu lí do thành Vinh không có cửa Hậu (tương tự như ở Thanh Hoá), nhưng vì sợ viết dài, bạn đọc lại cho là lan man và ngại đọc. Anh xin rút kinh nghiệm cho phần sau. Vì “cuộc phiêu lưu” của anh đi qua nhiều vùng đất lắm. QuêBác chịu khó đọc và góp ý nha.
      Cảm ơn QuêBác rất nhiều! Hy vọng QuêBác thường xuyên đến thăm “nhà”!

  8. N.V.Thông said

    Gởi bác NN.Đức/Dạ thảo : dân giàu, nước mạnh là điều mà ở xã hội nào cũng hướng tới. Nhưng tôi nhớ sau 75 khẩu hiệu này bị sửa đổi ngược lại, mới đây mới được sửa lại cho đúng như ban đầu, vì lúc trước giàu là tư sản, là có tội.
    Tôi là dân miền nam, vì thế thấy nước mình có nhiều thứ bị kéo đi xuống từ sau 75. Chẳng hạn nền tảng giáo dục: sự trung thực dần biến mất, còn giả dối , báo cáo theo thành tích thì tăng. Mặt bằng đạo đức con người cũng bị hủy hoại, học sinh được tập cho giả dối từ ngay tên ghế nhà trường, ra ngoài xã hội thì đạo đức giả, cơ hội chủ nghĩa, tham nhũng, mỵ dân đầy rẫy. Cả nước mãi hơn 30 năm mới lóp ngóp đến cửa bớt nghèo đói. Chênh lệch thu nhập của các tầng lớp trong xã hội thuộc hàng khủng do sự bất công trong phân phối thu nhập…Cán bộ thì cửa quyền, công an là quan, hối lộ của CSGT trở thành điều bình thường nhan nhản hằng ngày trước mắt mọi người. Báo chí năm nào cũng nói, rồi cũng đâu vào đó. Dân lỡ có vi phạm giao thông, mà gặp lúc bực tức gai mắt thì đập cho đến chết. Cũng có khi hơi men vào rút súng đòi bắn vỡ đầu. Con quan công an còn bắt CSGT quì xuống, thì dân là nghĩa lý gì! xong rồi kiểm điểm sơ sài rồi thôi. Ai nói trái với chính quyền thì bị bắt giam, mặc dù số đông xã hội cho là những điều phát biểu trái ý đó là sự thật. Vài điều như vậy để thấy rằng XH hiện tại đang còn rất xa mục tiêu công bằng-văn minh, mà lại đang đi đến mục tiêu với tốc độ “rùa cụ”. Phải đến lúc thấy rằng nguyên nhân trì trệ là ở bên trong chúng ta, do chúng ta cứ tự khen, tự sướng rằng chúng ta là lượng tâm của thời đại, là chế độ ưu việt, và đổ thừa khó khăn là do thế lực thù địch bao vây phá hoại…chứ không thấy rằng chúng ta phải xây dựng con người là trước hết, và con người muốn phát triển được phải ở trong môi trường xã hội lấy con người làm trung tâm, lấy nhân văn làm mục tiêu, nói khác 1 chút là đặt dân tộc cao hơn mọi thứ lý tường chủ nghĩa gì gì đó, mà đôi khi những thứ đó đã lạc hậu, bị chính nơi khai sinh ra nó cho vào bảo tàng, thế giới từ bỏ rồi, chỉ còn chúng ta hoài cổ níu kéo, như cố sửa chữa vá víu 1 cổ xe đã quá niên hạn sử dụng rất lâu rồi mà chưa có tiền mua mới. vài ý kiến cá nhân, có khi nghịch nhĩ, mong các bác xem xét.

    • said

      Kính gởi bác N.V.Thông!
      Những điều bác trao đổi đã và đang xảy ra trên đất nước VN ta. Đó là một thực tế đáng buồn. Chính quyền cũng đang tìm cách để khắc phục. Tuy nhiên, việc khắc phục kết quả như thế nào phụ thuộc vào nỗ lực của chính quyền và của người thực thi công vụ. tất nhiên trong đó có cả người dân nữa như bác và Mô nữa.
      Những điều bác trao đổi rất thẳng thắn, không có gì gọi là nghịch nhĩ cả. Chân thành cảm ơn bác!

  9. N.V.Thông said

    Nói thêm 1 chút, chính việc chùa chiền bị phá đi, giờ làm nhà hàng-massage, cũng là 1 ví dụ cho việc không chăm lo xây dựng đời sống văn hóa tinh thần, dần dần làm băng hoại đạo đức con người. Đây là sự thật mà không ai nói khác đi được phải không các bác

Bình luận về bài viết này