MÔ TÊ RĂNG RỨA

Là nơi cung cấp nước chè xanh và kẹo cu đơ

KHÔNG CÒN GÌ ĐỂ NÓI (Truyện phim)

Posted by CU MÔ trên 23.09.2010

Truyện phim “KHÔNG CÒN GÌ ĐỂ NÓI” được Moterangrua viết theo gợi ý của NSND Khải Hưng, nguyên Giám đốc Trung tâm sản xuất phim Truyền hình Việt Nam. Sau đó truyện đã được NSND Khải Hưng dựng thành bộ phim cùng tên và đoạt giải Vàng trong liên hoan phim năm 2002.

(7)

Một cảnh trong phim Không còn gì để nói

Căn phòng  làm việc của Giám đốc Cường được trang trí sang trọng và hiện đại như bất kỳ căn phòng nào của các giám đốc doanh nghiệp Nhà nước thời mở cửa. Trên bàn làm việc có để tấm biển đề giòng chữ kẻ nắn nót và được mạ vàng: “Nguyễn Mạnh Cường – Giám đốc”. Ngoài những vật dụng cần thiết phục vụ cho công việc như điện thoại, sổ sách…trên bàn còn có mấy túi quà của khách hàng hoặc các đơn vị bạn tặng cho ông Cường. Ở mỗi túi quà đều có tấm thiếp đề tặng: “Công ty X. kính biếu”, “Giám đốc Công ty TNHH Z. kính anh !”…ngoài ra còn những xấp phong bì đựng tiền ông Cường chưa kịp cất…

Công đang lúi húi lục lọi trong đống sổ sách, tài liệu của ông Cường. Anh ta soi mói từng trang tài liệu, từng trang sổ để tìm kiếm xem có gì không. Trông thái độ lấm lét, thỉnh thoảng nhìn tay nắm cửa, hoặc mỗi khi có tiếng động đều làm anh ta giật mình, cũng đủ biết hành vi của anh ta là không trong sáng…

*

*        *

Chiếc xe chở ông Cường chạy về công ty. Trông thấy chiếc xe từ đằng xa, mặc dù vừa gà gật ngủ, nhưng ông Tấn bảo vệ đã cố mở to mắt cho ra vẻ tỉnh táo, rồi vội vàng chạy ra mở toang cánh cổng…đoạn ông đứng một cách kính cẩn chờ cho chiếc xe của ông Cường chạy vào một quãng xa rồi mới dám kéo cổng đóng lại…

Chiếc xe chạy tới sát cầu thang dẫn lên gác rồi mới dừng bánh. Ông Cường mở cửa xe, chậm rãi chui ra khỏi xe rồi ủ rũ đi lên cầu thang.

Chờ cho ông  Cường bước tới bậc cầu thang đầu tiên, Khanh cáu kỉnh ấn nút cát sét, lời bài ca tắt vụt. Anh ta điều khiển cho xe chạy về hướng ga ra…

*

*        *

Trong phòng sản xuất kinh doanh:  Bà Cúc vẫn đang tiếp tục kể về vụ công an bắt Quýnh cho mấy cô gái trẻ nghe:

-Chúng mày biết không…tao thấy tay Quýnh ý…mặt xám ngoét…hai tay bị còng, bị công an dẫn ra…trông thấy tao…hắn cúi gằm xuống…không dám nhìn mặt…

-Có mà nhà chị không dám nhìn thì có ấy ! Một chị trông có vẻ đanh đá cong cớn trề môi – Nhẽ ra…thấy vậy, chị cũng phải xót xa chứ…dù sao thì cũng là người cùng cơ quan với nhau…mỗi ngày mấy bận giáp mặt…đã thế…từ nãy tới giờ có mỗi chuyện ấy cứ kể mãi…điếc cả tai…long cả óc…

-Ừ…thì tao cứ kể đấy…Bà Cúc vặc lại – Đứa nào không muốn nghe thì nút lỗ tai lại…tội tham nhũng tày đình như thế…mà còn bao che…

Chị kia nghe vậy, liền vằn mắt đốp lại:

-Này…chưa biết ai bao che…chưa biết ai tham nhũng đâu nhé…trong cái phòng sản xuất kinh doanh này…chưa ai quên cái vụ năm ngoái có người suýt bị cách chức, đuổi việc vì thông đồng với Công ty Xây dựng BOLICO để nâng giá ăn chênh lệch đâu nhé…

-Ừ…thì tao thế đấy…mày làm gì được tao nào ? Bà Cúc đỏ mặt lên nói lại.

-Ai mà làm gì được nhà chị…có ô..có dù…trên bộ, trên trung ương…ai mà làm gì được. Nhưng mà…nếu tôi nhớ không nhầm…thì chị cũng năm nhăm rồi đấy nhỉ!

-Ừ, tao năm nhăm đấy, thì sao nào…mày đừng có mà nhắc khéo. Tao có về hưu …có chết đói nhăn răng, há mồm, thì cũng không thèm ngửa tay ăn xin nhà mày nửa chinh đâu nhé…

Một ông trung tuổi đang hí húi ghi chép, nghe hai bà cãi nhau, bực mình quay lại gắt:

-Thôi ! Hai mẹ im mồm đi cho tôi nhờ…quang quác mãi…

Hai bà hấm hứ nhìn nhau, rồi mỗi người nhìn đi mỗi ngả ra vẻ không muốn nhìn mặt nhau nữa…

Tại phòng Thiết kế: Không khí có vẻ cũng nhộn nhạo không kém, mấy người phụ nữ đang chia nhau mấy quả ổi xanh chấm muối, vài cô gái trẻ đang soi mặt trong gương tỉa tót lông mày, kẻ mi môi. Trong khi đó, mấy người đàn ông vừa quất bài đen đét xuống bàn, vừa trò chuyện:

-Tao thấy tay Quýnh chết cũng đáng…những xếp Cường thì cũng tội…lão không ăn được một mình đâu, cũng phải chia bơi năm bè bảy mảng…

-Đương nhiên là thế rồi…Có thế lão mới sống đến ngày hôm nay chứ…nghe bảo lão có nhiều bạn bè làm to lắm…chắc quả này cũng tai qua nạn khỏi thôi…

Một người trung niên, có vẻ mặt khá thuần phác nói:

-Kể cũng tội…ông Cường sống với anh em mình cũng không đến nỗi…đấy, chúng mày còn nhớ cái đận công ty suýt đóng cửa vì không có việc làm không? Ông ấy chả phải lên ngân hàng thế chấp nhà của ông ấy về phát lương cho công nhân đấy à !

-Ông ấy cũng thương lính đấy chứ…

-Chứ sao nữa…nói gì thì nói…tao vẫn thấy thương ông ấy…kìa, chơi đi chứ..gì mà ngẩn tò te thế…

Tại phân xưởng gò hàn: Lý đang cùng một số công nhân quây quần trò chuyện:

-Các anh, các chị thấy em nói như thế có đúng không ? Đành rằng giám đốc sai phạm, thì phải chịu…nhưng suy cho cùng…một phần ông ấy cũng vì đời sống của công nhân tụi mình…không có ông ấy chịu khó mày mò nghiên cứu, thì làm gì sản xuất ra cái máy ấy cho chúng ta có việc làm và nâng cao đời sống…

-ừ…Một công nhân già nói –Tôi thấy cô Lý nói có tình có lý đấy…tuy không thể cứu được giám đốc Cường khỏi bị kỷ luật…nhưng cũng là cái tình với nhau, dù chỉ một đồng, nhưng giúp nhau lúc này mới quý…

-Đúng là…một công nhân mặt mũi nhem nhuốc vì dầu mỡ nhăn nhó – Trâu bò húc nhau, ruồi muỗi chết…từ khi bán máy…hết đoàn thanh tra này đến đoàn thanh tra khác về…thanh tra thanh trẻ gì không biết…mấy tháng nay công nhân chẳng có việc làm. Kiểu này…kéo thêm ít tháng nữa…chắc tôi phải đứng đường bơm xe…

Thống và Muôn cũng đứng trong số họ. Nghe anh kia nói vậy, Thống chen vào:

-Em nghe nói…vì chơi nhau nên xếp Cường mới bị thanh tra. Nghe nói…vì không chịu chi phần trăm gì đó…nên không bán được máy trong nước. Xếp có cô bồ làm ở công ty tiếp thị môi giới nên mới bán được cái máy cho nước ngoài…lại hời giá, cứ nghĩ tiền thừa thì chia nhau, nhưng lại bị dính…

-Mày cứ nói thế…Một người cằn nhằn – Mày thì biết cái gì mà bảo là chơi nhau?

-Chứ lại không à ? Em đảm bảo đấy – Thống gân cổ lên cãi…không tin các anh cứ hỏi thằng Muôn đây mà xem. Lúc nãy, ở cổng ông Doanh gặp tụi em có vẻ phấn khởi lắm…Nghe bảo…chính ông Doanh báo điều này lên trên…nên mới bị thanh tra…

-Ông Doanh có nhận tiền chênh lệch không ?

-Nhận thì còn nói làm gì nữa…lão đi một nước cờ hơi bị khôn đấy…vừa vô can, lại vừa lấy được cái ghế của ông Cường…

-Chà, gay nhỉ…lão mà lên chức..thì chúng mình coi chừng…lão dẫm cho chết hết…

-Thôi, các anh chị có thống nhất không nào – Lý sốt ruột nói – Của ít lòng nhiều, ai có khả năng bao nhiêu thì đóng góp bấy nhiêu…giảm được chừng nào cho giám đốc thì tốt chừng đó…

Nghe Lý nói vậy, mọi người hưởng ứng:

-Nhất trí thôi…tôi góp một trăm nghìn…

-Tôi xin góp năm chục…

-ấy từ từ…để em ghi danh sách đã…

Hồng từ ngoài đi vào, gọi Lý:

-Lý ơi !

Lý đang ghi chép ngẩng lên:

-Chị Hồng ! Chị vào đây…bên lắp máy của chị được bao nhiêu rồi…

-Gần ba triệu…

-Chừng đó thôi à

-Thế thôi…công nhân lấy đâu ra tiền…chừng đó là quý lắm rồi…không biết các phòng ban khối văn phòng thế nào nhỉ…

Nghe Hồng nói vậy, khuôn mặt Lý thoắt buồn:

-Ôi dào, mấy ông bà trí thức…Khó lắm…lúc nãy em cũng gợi ý nhưng thấy mọi người cứ lảng lảng…thôi, đến đâu hay vậy…

-Ừ, thì đành vậy, chứ biết làm thế nào ! Hồng chép miệng nói như thở than.

*

*        *

Ông Cường đang dò dẫm mệt nhọc lần từng bước đi lên cầu thang. Trong khi ông đang cúi đầu bước lên, một khuôn mặt phụ nữ ló ra khỏi cửa chừng như định đi đâu đấy. Chợt thấy ông Cường, chị ta vội thụt vào, vội vàng thông báo cho mọi người:

-Này…xếp về rồi đấy…dẹp mau…

Ngay lập tức cỗ bài được đùn ngay xuống bản thiết kế. Những quả ổi xanh, phấn son bút kẻ biến xuống ngăn bàn…Người nhảy vào ngồi trước máy tính, người chăm chú kẻ vẽ, người lật giở tài liệu…trong chốc lát, căn phòng tràn ngập không khí của một buổi làm việc nghiêm túc…

Ông Cường vẫn lầm lũi bước lên cầu thang. Đôi dày da trong chân ông như trĩu xuống, khiến những bước chân của ông như bị níu lại. Nhưng ông vẫn cố lê chân, từng bước…từng bước…hai mũi dày bóng lên dưới nhưỡng bước đi nặng nhọc của ông. Đôi mắt ông Cường như dán vào mũi dày của mình. Ông thầm nghĩ:

-“Ừ nhỉ ! Ta đã lên xuống cầu thang này bao lần rồi nhỉ…một trăm lần…một ngàn lần…làm sao mà nhớ hết…không thể nhớ hết được mình đã lên xuống bao nhiêu lần…nhưng ta nhớ rất rõ…mỗi lần ta lên xuống cầu thang, mỗi lần gặp ta…anh em trong cơ quan thường đứng nép sang bên để nhường lối cho ta đi, họ tỏ ra rất sung sướng và cảm động mỗi khi họ được bắt tay ta…cái bắt tay của ta như một sự ban ơn cho họ…vì đâu phải ai cũng dễ dàng được nắm bàn tay ta…Mà sao hôm nay…ta có cảm giác cái cầu thang này sao cao thế…dài thế…ta đã cố gắng hết sức rồi, mà sao vẫn chưa leo đến tầng hai…mà sao…cầu thang vắng thế..vào tầm này…cầu thang này nhộn nhịp người lên xuống…nhưng bây giờ…mọi người đi đâu hết cả rồi…”

Ông Cường vẫn lầm lũi leo lên, từng bậc…từng bậc một…đôi dày da trong chân ông như trĩu xuống, bóng lên… khiến những bước chân ông như bị níu lại…nặng nề…Ông tưởng như trên cầu thang này, phía trước là hành lang sâu hun hút kia…chỉ có mình ông…Nhưng ông đã nhầm…ông không để ý rằng…cầu thang vắng lặng…hành lang vắng lặng…nhưng thực ra phía sau những phòng ban có những cánh cửa khép hờ kia, những đôi mắt tò mò, háo hức đang dõi theo từng bước chân ông, từng cử chỉ nặng nề khó nhọc và cả nét mặt trĩu nặng ưu tư của ông. Có những người vô tình đi trên hành lang, chợt phát hiện ra ông, họ ngần ngừ một tí rồi rẽ vào một căn phòng nào đó để lánh mặt. Tất cả đều trông thấy ông…Nhưng thay vì sự chia sẻ cảm thông, thì những con người nấp sau cánh cửa kia lại nhìn ông với sự thoả mãn, háo hức…họ nhìn ngó, họ vẫy tay nhau, chỉ trỏ và họ xúm xít sau cánh cửa, hả hê nhìn những bước đi nặng nhọc của ông…

Ông Cường vẫn lê bước leo lên, đầu ông cúi xuống như dán mắt vào đôi dày trĩu nặng, mái tóc đã điểm những sợi bạc của ông khẽ rung rung theo từng bước chân…Bất chợt, ông bước hụt chân, khiến ông loạng choạng không kịp níu lấy tay vịn, ông ngã nhoài xuống. Nét mặt ông biểu hiện một sự đau đớn tột cùng…ông khẽ kéo ống quần lên…một vết máu đang loang đỏ rồi nhanh chóng lan ra nơi vết thương ở bắp chân…Ông đau đớn ngước mắt nhìn quanh như để trông chờ sự giúp đỡ của ai đó…nhưng cầu thang vắng lặng…hành lang dài hun hút vắng lặng…tịnh không một tiếng động, không một bóng người…

Lát sau…ông cố sức đứng dậy…hai tay ông níu vào tay vịn của cầu thang rối cố lê bước leo lên. Ông run rẩy, lảo đảo bước từng bước vào cái hành lang sâu hun hút…ông có biết đâu rằng…sau những cánh cửa khép hờ của những phòng ban kia là những ánh mắt đang dõi theo ông, họ chỉ trỏ, họ ngó nghiêng, thậm chí có cả tiếng cười khúc khích…

-“Phía cuối hành lang kia là phòng làm việc của ta…ta nhớ rất rõ điều đó, bởi ta đã đi vào và đi ra hành lang này biết bao nhiêu lần rồi…Nhưng, sao hôm nay hành lang dài thế…hun hút thế…có lần ta đọc trong một bài báo, có nói rằng…khi con người ta chết đi…linh hồn sẽ thoát ra khỏi xác và bay theo một hành lang hình ống rồi vút lên thiên đàng…hay là…ta đang chết đây…linh hồn ta đang bay trong hành lang sâu hun hút này và phía cuối hành lang kia là thiên đàng…có thật không ? Làm gì có thiên đang ở cuối hành lang kia…ở đó … địa ngục đang chờ ta thì có…cái căn phòng đầy đủ tiện nghi đó…cái căn phòng mà ta từng ao ước…nhiều người từng ao ước và âm thầm tranh giành…giờ đối với ta khác chi là địa ngục, chôn vùi cuộc đời và sự nghiệp của ta…ờ…mà sao ta cứ nghĩ linh tinh thế nhỉ…hay là ta điên thật rồi…điên ư…ha…ha…ha…được thế thì còn gì bằng nữa…nhưng ta đâu có điên…đầu óc ta vẫn hết sức tỉnh táo, và ta vẫn nhớ rất rõ…hôm nay là thứ tư, ngày mai là thứ năm…ngày kia…là thứ sáu…”

*

*        *

Công vẫn đang lúi húi tìm kiếm gì đó trong đống tài liệu, giấy tờ của ông Cường để trên giá và trên bàn. Lục lọi kiểm tra đến đâu, anh ta lại thu xếp ngăn nắp trở lại đến đó để xóa dấu vết. Chợt trông thấy những túi quà của khách hàng tặng giám đốc để trên bàn, Công cầm lấy, săm soi từng tấm thiếp, từng món quà. Thấy xấp phong bì để trên bàn, Công cầm lên mở ra xem…trong một phong bì dày đựng toàn tiền VNĐ, những tờ giấy bạc mệnh giá 100.000đồng mới cứng. Công mỉm cười một cách ranh mãnh và chế nhạo rồi lại cầm phong bì khác mở ra xem. Phong bì này mỏng hơn, nhưng ở trong chứa toàn đô la mệnh giá 100 USD…đang nghiêng ngó săm soi, chợt Công nghiêng tai nghe ngóng và lo sợ khi thấy tay nắm cửa khẽ xoay. Anh ta luống cuống nhét xấp giấy bạc trở lại phong bì, để lại vị trí cũ, nhưng do vội nên một tờ giấy bạc bị tuột ra rơi xuống chân bàn. Để làm ra vẻ tự nhiên, Công vớ lấy điện thoại giả vờ nói với ai đó:

-Vâng, vâng ! Hôm nay giám đốc đi vắng, chưa về…có gì mai gọi lại nhé…

Công gác máy và quay lại, trông thấy ông Cường đứng phía sau, anh ta liền toác miệng ra cười:

-Anh ạ ! anh về rồi đấy ạ…vừa nãy có điện thoại…nhưng biết anh đang mệt, nên em từ chối, hẹn họ khi khác…

Ông Cường gật gật đầu như trả lời, rồi tiến lại chiếc ghế của mình, ngả người ngồi xuống. Hai mắt ông muốn ríu lại, bàn tay ông run run đưa lên bóp trán.

-Thưa anh ! Tiếng Công vang lên, khiến ông Cường như bừng tỉnh, ông mở choàng mắt và nhìn Công như dò hỏi. Vẫn nét mặt xu nịnh, cóm róm, hai tay Công chìa ra trước mặt ông Cường một tờ giấy – Thưa anh…Lần trước…ban giám đốc có ý định đề bạt em làm trưởng phòng sản xuất kinh doanh thay chị Cúc sắp về nghỉ chế độ…nhưng vì chưa có bằng tiếng Anh…nên chưa đề bạt được…Nhưng…chờ học được tiếng Anh thì lâu quá…e có người khác thay mất…có gì, anh thông cảm…ký quyết định đề bạt trước cho em…rồi em đi học sau được không ạ ? Em làm thư ký cho anh cũng mấy năm rồi…cũng muốn thay đổi không khí đôi chút…Anh đặc cách cho em…

Ông Cường cầm tờ quyết định do Công đã tự đánh máy sẵn, đọc qua…Công nhìn ông Cường đọc, ánh mắt anh ta biểu lộ sự hồi hộp trông đợi…Lát sau, ông với tay…Công hiểu ý rút ngay chiếc bút dắt ở túi áo ngực đưa cho ông…tần ngần một lát, ông thở dài ký vào chỗ trống dành cho mình rồi đưa cho Công.

-Em cảm ơn anh ! Công nói, người gần như cúi rạp xuống. Anh ta nhanh nhẹn đón lấy tờ quyết định – Dạ…có lẽ anh đang bận…em xin phép… Nói đoạn, không chờ ông Cường trả lời, anh ta nhanh chóng đi ra, khép cửa lại, trên môi nở một nụ cười mãn nguyện.

-“Cái cậu Công này thế mà khôn…từ lâu ta biết, cậu ta làm trợ lý cho ta nhưng nào có giỏi giang gì…nhưng vì cậu ta khéo nói quá, nên ta vẫn sử dụng, vẫn ưu ái…nhưng bây giờ ta biết, những kẻ gần gũi ta nhất, không khéo lại là những người nguy hiểm nhất. Họ sẵn sàng thọc dao vào lưng ta bất cứ lúc nào…Mấy hôm nay, biết ta sẽ bị mất chức…cậu ta lảng tránh, mỗi lần muốn gặp trao đổi công việc thật khó khăn…vậy mà bây giờ, khi cần đến, cậu ta lại tỏ ra thân tình gần gũi. Ta lạ gì ý đồ của cậu ta nữa. Cậu ta muốn leo lên chức Trưởng phòng sản xuất kinh doanh, để rồi sau đó dễ dàng leo lên chức Phó giám đốc. Đúng là một tên cơ hội…ôi chao…ta biết điều đó để mà làm gì nữa…tất cả…tất cả đối với ta giờ đây cũng đã muộn rồi…Ta chẳng cần gì nữa hết. Cái ta cần lại đang ở đâu đâu…”

Còn lại một mình, hai tay ông Cường lại ôm đầu, lát sau như nghĩ điều gì, ông với tay cầm điện thoại để gọi đi đâu đó, nhưng mới bấm mấy số, nghĩ sao ông lại thở dài buông máy xuống, cúi đầu ủ rũ…chợt ông trông thấy tờ giấy bạc rơi ở chân bàn. Ông cúi xuống, nhặt tờ giấy bạc lên lật bên này, lật bên kia nhìn với ánh mắt hững hờ xa lạ:

-“Ta giàu tới mức để tiền rơi vãi khắp nơi như thế này ư…những tờ giấy bạc này…bao năm rồi ta đâu có thiếu…ta có nhiều lắm…thì nhà đó, xe đó…những tài sản trị giá hàng tỷ bạc của ta đó…cũng chẳng là tiền đó sao ? Cả những túi quà này nữa, do những người cầu cạnh ta mang tới biếu…không cần mở ra…nhưng ta biết trong đó là những món quà trị giá hàng triệu đồng…Phải rồi…Ta không thiếu tiền…nhưng có cái gì đó khiến ta cảm thấy không ổn. Hình như ta thiếu một cái gì đó mà dẫu có thật nhiều tiền cũng không mang lại được…ta biết…ta thiếu cái gì rồi…nhưng cái đó…đối với ta giờ sao khó khăn quá…bao năm nay ta cứ nghĩ…ta sống tốt với họ, ta tử tế với họ…để khi cần thì ta có họ…vậy mà..

Có tiếng gõ cửa “Cạch…cạch…cạch…” một cách rụt rè…

-“ Gõ cửa thế này…chắc lại có kẻ nào đó muốn đến cầu cạnh ta đây…chỉ có những người khi cần cầu cạnh, giúp đỡ mới có kiểu gõ cửa như thế…” Ông Cường thầm nghĩ, rồi rời ghế đứng dậy, đi ra mở cửa. Trước mặt ông là lái xe Khanh. ánh mắt ông Cường nhìn Khanh như ngạc nhiên, dò hỏi:

-Chú ạ ! Không để cho ông Cường kịp phản ứng, Khanh đã nói nhanh –Cháu biết chú đang bận, nhưng…có việc này…cháu muốn làm phiền chú…

Ông Cường trở lại chỗ ngồi của mình, Khanh đến bên ông, ánh mắt, vẻ mặt anh ta toát lên sự cầu cạnh, van vỉ:

-Như mọi hôm cháu đã trình bày với chú…cháu có ông anh…là sỹ quan quân đội về nghỉ hưu…lương ba cọc ba đồng…con cái lại nheo nhóc quá, vợ thì chưa có việc làm…cháu muốn..nhờ chú xem xét cho anh cháu được vào làm bảo vệ thay cho bác Tấn. Cháu thấy…anh cháu cũng đảm bảo các tiêu chuẩn như ý muốn của ban giám đốc. Nên…

-“Cậu ta muốn tranh thủ lợi dụng ta đây…cả cậu Công kia cũng thế…gần gũi ta…người trợ lý, người lái xe…nên họ thừa hiểu những gì sẽ đến với ta ngày mai, ngày kia…họ biết rằng nếu không tranh thủ ta bây giờ, thì họ sẽ mất cơ hội…Thôi được, dù sao thì ông bảo vệ già kia cũng phải nghỉ…không anh trai của cậu Khanh này…thì cũng là người khác…ừ, thì ta ký…chữ ký của ta bây giờ vẫn chưa hết giá trị…vẫn cực kỳ quan trọng để quyết định số phận của những con người này…bởi hôm nay vẫn là thứ tư…ngày mai là thứ năm…ngày kia mới là thứ sáu…”

Nghĩ tới đây, ông Cường cầm lấy tờ quyết định Khanh đưa, rồi ký xoèn xoét. Nét mặt Khanh nở ra theo từng nét bút. Anh ta đón lấy tờ giấy một cách cóm róm:

-Cháu cảm ơn chú ! Để cháu phải điện ngay để cho anh cháu mừng…

Nói đoạn, Khanh đi ra, mãn nguyện.

29 bình luận to “KHÔNG CÒN GÌ ĐỂ NÓI (Truyện phim)”

  1. hl said

    Tem nì

  2. hl said

    làm sếp nhọc hè! tui đọc cái phần ni thấy làm sếp cực quá đi…bị xu nịnh và lợi dụng- biết rõ mà vẫn phải chấp nhận…Thế nhưng bả danh lợi vẫn có sức hút kinh khủng khiếp, người ta chỉ thấy rõ nó và chán ghét nó khi đi đến tận cùng con đường, khi cái đầu dường như là đã cho vào thòng lọng…

  3. Hà Bắc said


    Lúc đang đương chức phát tài.
    Lắm lời xu nịnh bùi tai khó lường.
    Trời cao xanh có tỏ tường,
    chi bằng ta hãy tự thương lấy mình.

    Thảo thơm bởi một chữ tình.
    Có qua hoạn nạn mới hòng hiểu nhau.
    Trách quân mua chức, mưu cầu.
    Hại người, người hại trước sau đến phần… he he

  4. Răng anh Mô lại thăng chức cho em lên làm O hầy. Em nỏ nhận mô anh Mô ơi. Hé hé

  5. Small said

    O HL, em trai của o hl làm sếp nhà nác hay sếp ngoài vậy?hihi, được làm sếp nhà nác khó trăm lần làm sếp cty ngoài đấy nhe! đọc bài của o là chỉ thích em trai làm phó, chứ ko cần làm trưởng, em thấy có lý đó. Tuy nhiên, là đàn ông thì thường thích làm trưởng hơn là phó vì cái tôi của đàn ông rất cao. Vì thế nên vui cho em trai, O hl à!
    Thực tế, trong cuộc sống làm gì cũng khó, chức gì cũng khổ, cái khổ ko giống nhau, em sẽ viết trong bài của em về phần này sau nhưng sẽ hạnh phúc nếu dám làm theo sự lựa chọn của mình và chấp nhận sự lựa chọn đó dù chông gai, khổ cực. KHi biết cách chấp nhận thì sự lựa chọn nào cũng mang lại sự thú vị, niềm vui riêng của nó.

    • Mần sếp cũng có số cả đó nha, không phải ai muốn là mần được mô Small à!

    • hl said

      He he, Bé iu, khổ quá đi, tự nhiên phải làm chị và vợ sếp em nờ! làm chị và vợ sếp thì cũng hay hay !!!!Sếp nhà nác thì chị nghĩ có cái khó nhưng cũng chưa hẳn đã khó, còn khối bên ngoài thì phải có năng lực thực sự và được tin cậy.

  6. Hà Bắc said

    Bởi làm sếp ở miềng được quá nhiều! nhất là trong khối nhà nác!

    O Linh hỏi anh Mô xem anh được nhiều không chứ anh ấy cũng là sếp đấy. Quả ni bắt anh ấy chia chác mới được. Hehe

    • Hà Bắc :

      Bởi làm sếp ở miềng được quá nhiều! nhất là trong khối nhà nác!

      O Linh hỏi anh Mô xem anh được nhiều không chứ anh ấy cũng là sếp đấy. Quả ni bắt anh ấy chia chác mới được. Hehe

      Lại gắp lả bỏ tay ngài nữa rùi đó HB nha! Anh Mô mà mần sếp chắc…xộ khám lâu rùi hé hé

    • hl said

      Ua chị Hà Bắc em thấy Mô cởi mở vui vẻ như ri, thật là một người sếp hiếm có hì!

  7. CÚN said

    Nhìn cảnh ở trong phim và đọc kịch bản thì em nhớ hình như đã xem phim này ở kênh phim chiều chủ nhật hay thứ 7. Phim làm cách đây cũng 10 năm rồi. Bác xác nhận đúng là như vậy thì em mới… bình luận tiếp 🙂

  8. CÚN said

    Phim này em đã xem rồi. Nó khá ấn tượng với em, trước hết vì lời thoại trong phim sâu sắc. Đóng phim này diễn viên sướng thật, ít tốn hơi, chỉ cần im lặng và thể hiện các cơ trên khuôn mặt, ánh mắt, động tác, là đủ rồi. Phim ít lời thoại vì toàn bộ phim là lời đọc (giống như giọng nói vang trong đầu) của nhân vật chính. Có lẽ đó cũng là dụng ý của tác giả vì muốn làm nổi bật thêm cái tên phim là “không còn gì để nói”, chỉ nghĩ được mà thôi. Tình tiết của phim khá đắt, nên càng làm nổi bật được ý tác giả muốn diễn đạt, đó là sự phản trắc của những loại người sống cơ hội, được thể hiện rõ nhất khi người đã từng mang lại lợi ích cho chúng bị lâm nạn. Em nhớ nhất là hình ảnh ông Cường đến nhà cấp trên gõ cửa, chắc tính chạy nhưng bị con chó (giống chó Phú Quốc béc giê rất to) nhảy ra sủa rất dữ giằn. Mà ông Cường chính là chủ cũ của nó. (Chi tiết này có vẻ không thật vì giống Cún ấy mà nó tình nghĩa có khi hơn người). Ông ấy đành ra về. Nói chung khi ông Cường sa cơ lỡ vận thì dường như ông lại thấy rõ bộ mặt thật của những kẻ mà ông cho là thân tín trước đây, kể cả những người ông gia ơn và chịu ơn… Tình cảnh như ông Cường ở ngoài đời nhiều lắm. Bài học rút ra là khi ta là ai, làm gì, cũng cần phải đặt tính nhân bản lên hàng đầu, kẻo mà sau này có chuyện gì xảy ra thì thiên hạ không đứng về phía mình, mà lại hù nhau đẩy mình ngã cho nhanh.

    Phim hơi nặng nề vì mang tính triết lý… (đây chỉ là ý kiến cá nhân thôi ạ). Thật ra em thích xem những phim châm biếm sâu cay nhưng hài hước. Ví dụ như phim “thị trấn không yên tĩnh” (hình như phim này được giải gì đó ở Nhật), hay loạt phim của bac Phạm Ngọc Tiến như Ma Làng, Chuyện Làng Kình… Cười ra nước mắt.
    Nhưng mỗi người có một sở trường riêng phải ko ạ?

    Đạo diễn KH thì em có được biết. Em có một thời đã từng hâm mộ vì ông ấy… đẹp và có tài. Em có được nói chuyện với KH vài lần. Nhưng người nổi tiếng làm sao có thể nhớ hết được các “phang” hâm mộ chứ. Hii hồi đó em gọi KH là chú, vì ông ấy gọi mẹ em là chị. Giờ mà gặp lại thì chắc chỉ chào là anh. Sau lần được quen với ông ấy thì em mới để ý đến tên các đạo diễn trong các phim. Chứ trước thì chỉ nhớ tên diễn viên.

  9. Có một kỷ niệm khó quên về xuất xứ bộ phim này. Đó là dịp sau khi anh Mô ra để cùng đạo diễn hoàn thành bộ phim “Của chìm Của nổi”. Do hãng phim VFC không có nhà khách, một phần cũng để tiện tàu xe, anh Mô đã ra nghỉ ở khách sạn Cây Xoài (bên cạnh ga Hà Nội). Đang nghỉ, nghe anh Khải Hưng gọi điện hỏi chỗ ở, một lát sau thấy anh đến. Ngồi chơi một lúc anh bảo “tớ có ý định làm một bộ phim như thế này thế này…” và anh phác thảo nội dung kịch bản. Anh Mô không ghi chép gì cả, cứ ngồi chăm chú lắng nghe. Kết thúc, anh KH nói cậu viết gì thì viết, nhưng với nhân vật chính phải thể hiện được nội tâm, làm sao nhân vật không cần nói mà khán giả vẫn hiểu được nội dung cần truyền tải.Yêu cầu của anh KH là nội trong một tuần phải xong kbản để anh kịp dựng dự thi Liên hoan phim năm 2002.
    Về nhà, anh Mô suy nghĩ suốt một ngày và bắt đầu viết. Đến ngày thứ 6, tức là hạn cuối cùng KB cũng vừa xong, anh Mô gửi ra luôn. Thở phào nhẹ nhõm!
    Cún nói đúng! KB này nặng tính triết lý, khó xem, vì theo yêu cầu của anh KH là phim phải hướng vào đối tượng khán giả trí thức, đặc biệt là đối với những người có chức quyền.
    Nói chung, phim truyền hình hay nhựa thì nội dung hay dở tuỳ thuộc vào từng loại khán giả, người thích phim vui, sống động; người thích phim đi vào chiều sâu suy nghĩ…do đó để một bộ phim đáp ứng được toàn thể công chúng kể cũng khó.
    Bộ phim “thị trấn không yên tĩnh” là của bác Đặng Nhật Minh vừa biên kịch vừa đạo diễn. Đây là phim nhựa màn ảnh rộng.
    Phim Ma Làng, Gió làng Kình dễ xem vì phim phản ánh đời sống nông thôn thuần phác, phim không đi sâu vào tính triết lý, mà chủ yếu đi vào cuộc sống đời thường với những vui buồn lẫn lộn. Anh Mô cũng nghĩ VN không cần “đao to búa lớn” gì cả, chỉ cần những bộ phim dung dị nhưng có tính chính luận như thế là ăn khách rồi!
    Chúc Cún và mọi người một tuần làm việc vui vẻ nhé!

    • Mr.Sơn said

      Hi anh Moterangrua !
      Tình cờ vào 1 dịp vào khoản cuối năm 2010, do khó ngủ, em bật tivi xem cho tgian qua nhanh đợi trời sáng, thì tình cờ xem được bộ phim này(do ĐTH Bình Dương phát sóng).
      em rất thích bộ phim này, rất chất phát, rất đời thường nhưng rất sau sắc, gần gũi với cuộc sống thực tế thời nay, em muốn lưu giữ 1 đĩa phim này lại…..em đã tìm mua đĩa phim này khắp nơi nhưng ko có, liên lạc với ĐTH Bình Dương rồi nhưng em ko theo dõi sát đc tgian lịch phát sóng của Đài. em cũng cố tìm số dtdd của Diễn viên Mạnh Cường và đạo diễn Khải Hưng để xem có cách nào ko, nhưng em chưa tìm đc, ko biết anh Moterangrua có cách gì giúp em ko?
      nếu đc, anh Mô liên lạc với em qua địa chỉ Email: PENALL2008@yahoo.com hoặc nick chát: PENALL2008 nha anh Mô.
      Em thanks anh Mô nhiều và hậu tạ anh Mô sau nhé.

      • said

        Chào Mr.Sơn! Cảm ơn bạn đã quan tâm đến bộ phim này. Do phim phát sóng đã lâu nên bạn khó tìm đĩa phim là dễ hiểu. Tuy nhiên,bạn có thể tìm mua tại Trung tâm băng hình Đài THVN, ở đó lưu trữ và bán các loại băng hình phim truyện.
        Vì chưa được sự đồng ý của Đạo diễn Khải Hưng nên anh Mô không cung cấp được số điện thoại di động của anh K.H được. Mong bạn thông cảm!

Gửi phản hồi cho CÚN Hủy trả lời